1/8 bảo tàng trên thế giới có thể sẽ đóng cửa vĩnh viễn
Theo như báo cáo mới nhất của UNESCO, 13% trong tổng số bảo tàng trên thế giới nhiều khả năng sẽ không thể hoạt động trở lại ngay cả khi đại dịch COVID-19 đã chấm dứt.
Theo như thống kê được đưa ra bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM), 13% trong tổng số 85.000 bảo tàng được công nhận bởi hai tổ chức này đã phải tạm thời ngừng hoạt động nhằm tuân thủ các quy định bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Báo cáo gần đây của UNESCO và ICOM ước tính rằng, trung bình cứ 1 trong số 8 bảo tàng trên thế giới có thể sẽ không bao giờ mở cửa trở lại. Nguyên nhân chính được cho là vì lượng khách quốc tế giảm mạnh và sự suy giảm vốn hỗ trợ từ các mạnh thường quân.
Một bức tượng nhà soạn nhạc lừng danh J. S. Bach tại Leipzig, Đức được mang khẩu trang vào tháng 5/2020 (Ảnh:Jan Woitas)
UNESCO và ICOM đưa ra dự đoán rằng các bảo tàng, khu triển lãm hay trưng bày gặp nhiều khó khăn nhất sẽ chủ yếu tập trung ở khu vực châu Phi, châu Á và các quốc gia Ả Rập. Đây là những nơi có số lượng bảo tàng tương đối ít, đồng thời các cơ sở cũng non nớt hơn so với khu châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ La Tinh,... đã có những bảo tàng lâu đời với nhiều năm lịch sử và nhiều kinh nghiệm.
Trong báo cáo của ICOM, tổ chức này đã nêu rõ: “Việc ngừng hoạt động sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất đến với các khu vực có các bảo tàng non trẻ và số lượng ít hơn, đây là những địa điểm mà hệ thống vận hành dễ bị tổn thương hơn cả”. Tỷ lệ đóng cửa các bảo tàng tại Mỹ Latin và vùng Caribbean, Bắc Mỹ và châu Âu lần lượt chỉ là 12%, 10% và 8%, so với con số lớn hơn rõ rệt là 24%, 27% và 39% tại châu Phi, châu Á và các nước Ả Rập.
Du khách tại Bảo tàng Nghệ thuật Thượng Hải (Trung Quốc) vào tháng 5/2020 (Ảnh: Costfoto / Barcroft Media)
Hiện tại, một số bảo tàng trên thế giới đã bắt đầu tái hoạt động và đón du khách trở lại theo như giới hạn cho phép của chính quyền địa phương. Các địa điểm này chỉ đón một lượng người vào cửa nhất định, yêu cầu khách tham quan đeo khẩu trang và kiểm tra nhiệt độ trước khi vào trong cơ sở.
Tuy nhiên, theo như báo cáo của UNESCO, rất nhiều các bảo tàng vốn phải dựa vào tiền ủng hộ của mạnh thường quân và nhà tài trợ để bù đắp cho phần lớn chi phí vận hành. Vậy nên, sự đóng góp của khách tham quan, từ những nguồn thu như vé vào cổng hay quà lưu niệm, rất có khả năng là không đủ để duy trì hoạt động của các bảo tàng này, đặc biệt là đối với các cơ sở chỉ có thể đón một lượng khách hạn chế.
Bảo tàng Nghệ thuật Blanton ở Austin, Texas (Mỹ) (Ảnh: Christina Horsten)
Nhiều tổ chức văn hóa trên thế giới đã xây dựng các chương trình chỉ tồn tại dưới dạng trực tuyến và kết hợp với những phần mềm, ứng dụng để đưa các buổi triển lãm đến giới cộng đồng mạng. Bảo tàng Nghệ thuật Blanton ở Austin, Texas, hạn chế việc cắt giảm nhân sự trong mùa dịch bằng cách thiết kế những dự án và công việc mới cho các nhân viên, như là đưa các bộ sưu tập tác phẩm của mình lên nền tảng số, viết tay những tấm thiệp cảm ơn gửi đến những mạnh thường quân.
Một du khách tham quan tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco (Ảnh: Robert Alexander)
Tuy vậy, UNESCO khẳng định rằng không phải bảo tàng nào cũng có đủ nguồn lực hay tài nguyên để có thể trở nên sáng tạo, đặc biệt là với các bảo tàng nằm ở những khu vực bị hạn chế truy cập internet. Đại diện của UNESCO chia sẻ trong báo cáo rằng: “Những ý tưởng và dự án trực tuyến tổ chức của các bảo tàng có thể giúp truyền cảm hứng đến những cơ sở triển lãm và trưng bày khác, đặc biệt là ở những quốc gia châu Phi và các tiểu bang đang phát triển thuộc các đảo nhỏ, những nơi mà chỉ có khoảng 5% số bảo tàng có đủ khả năng cung cấp các nội dung trực tuyến đến khán giả”.
UNESCO cũng cho biết thêm: “Các bảo tàng luôn có khả năng biến hóa và thích nghi với thay đổi trong xã hội. Báo cáo này cho thấy rằng rất nhiều cơ sở đã bắt đầu quá trình tái thiết kế cơ cấu vận hành và điều chỉnh mối quan hệ của họ với công chúng, với mục đích cao nhất là tiến lên phía trước và vượt qua đại dịch COVID-19 đầy thử thách này”.