Tại sao Donald Trump bị chê bịa đặt số liệu mà vẫn đắc cử?

15/12/2016 10:53 AM | Xã hội

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã có những dẫn chứng bị nhiều chuyên gia chỉ trích là bịa đặt. Dẫu vậy, một thực tế đáng ngạc nhiên là những dẫn chứng kinh tế mà ông Trump đưa ra hầu hết đều dùng số liệu của chính phủ, hoặc diễn giải từ đó.

Ví dụ, ông Trump đã từng cáo buộc Tổng thống Barack Obama rằng ông là vị lãnh đạo Nhà Trắng đầu tiên trong lịch sử hiện đại không đưa nổi tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 3% trong bất lỳ một năm nào.

Mặc dù các nhà chính trị cho rằng việc so sánh này thật nực cười khi Mỹ mới trải qua cuộc khủng hoảng 2008, nhưng số liệu của Cục phân tích thống kê Mỹ (BEA) cho thấy tăng trưởng GDP của Mỹ từ năm 1930 đến nay lại thừa nhận điều đó.

Theo đó, tất cả các đời tổng thống hiện đại trước ông Obama đều có ít nhất 1 năm khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% trở lên. Hiện năm 2016 sắp hết nhưng rõ ràng việc tăng trưởng quá 3% với kinh tế Mỹ là điều không khả thi.

Trên thực tế, số liệu GDP đã bị thay đổi rất nhiều trong những năm qua và xét theo một khía cạnh nào đó, ông Trump cũng có cái lý của ông ấy.

Một vấn đề khác đã từng khiến các chính trị gia tranh cãi là khoản thâm hụt thương mại 800 tỷ USD năm 2015 của Mỹ. Mức chênh lệch xuất nhập khẩu năm 2015 của Mỹ đúng là vào khoảng 762,6 tỷ USD theo Hải quan nước này. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh những hàng hóa vật chất mà không tính đến mảng dịch vụ, vốn là thế mạnh của Mỹ.

Nếu tính cả mảng dịch vụ, thâm hụt thương mại của Mỹ năm 2015 chỉ vào khoảng 500 tỷ USD. Tuy nhiên, với những cử tri Mỹ, thâm hụt 800 tỷ USD hay 500 tỷ USD không có sự khác nhau là mấy.

Ví dụ nữa cho những tuyên bố khiến giới chính trị Mỹ nổi giận là thuế. Ông Trump cho rằng Mỹ là nước có mức thuế cao nhất thế giới trong khi thực tế quốc gia này có mức thuế thấp thứ 5 tính theo %GDP trong số 35 nền kinh tế lớn của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Với vai trò là nền kinh tế lớn nhất thế giới, việc chính phủ Mỹ thu được nhiều thuế hơn các quốc gia khác là điều dễ hiểu. Có lẽ, tình trạng thuế cao nhất thế giới mà ông Trump muốn nói đến là mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao thứu 2 toàn cầu sau các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Dẫu vậy, không thể không thừa nhận rằng thuế doanh nghiệp tại Mỹ quá cao và các công ty lớn đang cố gắng trốn thuế bằng mọi cách. Tỷ lệ thu thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ tính theo % GDP đã liên tục giảm kể từ thập niên 50.

Rõ ràng, dù những nhận định của ông Trump không thực sự chính xác theo quan điểm của nhiều chuyên gia phân tích nhưng ông cũng có cái lý của mình. Chính quan điểm giảm thuế và đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng của ông Trump đã khiến đồng USD tăng giá gần đây cũng như khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải có động thái tăng lãi suất. Có lẽ đây là lần đầu tiên có một vị lãnh đạo Nhà Trắng dám đưa ra những quyết định mạnh tay mà không cần sự ủng hộ hoàn toàn của số liệu.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM