Shark Phú đầu tư nửa triệu USD vào startup robot tự động hóa dù cho rằng sản phẩm chỉ “thỏa mãn đam mê chứ không bán được cho các công ty lớn”

11/10/2018 08:58 AM | Kinh doanh

"Em cảm thấy mình nợ quốc gia một thương hiệu về tự động hóa và công nghệ mới có thể sánh ngang với Mitsu, Yaskawa của Nhật Bản. Với em không có chữ thất bại, em sẽ theo đuổi đến cùng", Founder của Robot 3T đã thuyết phục Shark Phú như vậy khi đến Shark Tank Việt Nam.

Trương Trọng Toại, founder của Công ty TNHH chế tạo máy Robot 3T, nền tảng robot công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đến gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam.

Robot 3T đã được sử dụng ở Thaco Trường Hải, Rạng Đông

Theo nhà sáng lập, Robot 3T được thành lập năm 2014 và đi vào hoạt động năm 2015. Hiện một số sản phẩm của Robot 3T đã được ứng dụng tại Thaco Trường Hải, Rạng Đông, Cám Thành Long… và xuất khẩu đi hơn 70 quốc gia trên thế giới. Sản phẩm của Robot 3T hiện 50% bán trong nước và 50% bán trên thế giới.

Doanh thu năm 2015 của doanh nghiệp này là 2,5 tỷ đồng. Năm 2016 là 5 tỷ. 6 tháng đầu năm 2018 là 6 tỷ và lợi nhuận là 40%. Dự kiến năm nay, doanh thu đạt khoảng 12 tỷ đồng. Nhà sáng lập cho biết công ty hiện tại không có phòng marketing và sale, chỉ tập trung vào R&D (nghiên cứu & phát triển). Vì vậy, doanh thu còn hạn chế. Hiện công ty có một xưởng 200 m2 tại TP HCM với nhân sự 20 người, trong đó có 14 kỹ sư. Công ty tự nghiên cứu các bo mạch và tự thiết kế cơ khí.

Shark Phú đầu tư nửa triệu USD vào startup robot tự động hóa dù cho rằng sản phẩm chỉ “thỏa mãn đam mê chứ không bán được cho các công ty lớn” - Ảnh 1.

Founder Trọng Toại cho biết, anh học Bách Khoa TP HCM. Sau khi ra trường anh làm cho một công ty của Mỹ. Một năm sau, anh học tại Hàn Quốc và trở về Việt Nam. Thời gian tiếp theo anh sáng lập ra Robot 3T.

Theo founder, robot có thể thay thế con người ở những thao tác đơn giản và năng suất có thể tăng lên từ 3-5 lần nếu áp dụng tự động hóa. Sản phẩm của Robot 3T đang rẻ hơn so với thị trường khoảng 30-40%.

Anh đến Shark Tank với 2 lời mời: 500.000 USD cho 15% cổ phần hoặc 1 triệu USD cho 36%. Anh hy vọng được đầu tư để tăng trưởng 300%, so với 100% ở thời điểm hiện tại.

Cả 4 Sharks lắc đầu

“Sản phẩm của em cạnh tranh được không phải vì mới, mà là tùy biến được và hướng tới giá rẻ. Chuyên môn hóa chưa sâu, còn dàn trải. Em làm thức dậy đam mê trong anh nhưng chưa đủ để anh đầu tư”, Shark Phạm Thanh Hưng đưa ra quyết định.

Shark Dzung Nguyễn sau khi đặt câu hỏi như “Mỗi tháng doanh thu 1 tỷ đồng thì làm sao phủ được 70 quốc gia?" và nhận xét rằng “startup, sản phẩm, thông tin hơi bùng nhùng” nên cá mập này quyết định không đầu tư.

Shark Linh và Shark Hồng Anh cũng từ chối vì không có kinh nghiệm trong ngành này.

Shark Phú đầu tư dù nhận xét founder chỉ “thỏa mãn đam mê, còn bán sản phẩm cho các công ty lớn thì rất khó”

Shark Phú là người thể hiện sự quan tâm đến startup này ngay từ đầu. Cá mập đặt ra câu hỏi như: Làm các bo mạch thì cần phải có diện tích rộng, không khí sạch? Founder đáp lại rằng riêng làm bo mạch thì chỉ cần 30m2 là đủ và công ty có nhiều biện pháp để tránh mạch bị chập.

Và nhiều câu hỏi khác:

- Shark Phú: Tài sản công ty em giờ bao nhiêu?

- Founder Trọng Toại: Tiền mặt công ty có 1,5 tỷ đồng. Chi phí máy móc, hàng tồn kho 2-3 tỷ.

- Shark Phú: Hiện tại có nợ nần gì ai không?

- Founder: Công ty có vay 1,2 tỷ vì đạt giải Á Quân Startup Wheel 2017, thì được vay lãi suất thấp 600 triệu. Còn 600 triệu còn lại mượn của bạn bè, thầy cô với lãi suất 7%.

- Shark Phú: Em định giá công ty khoảng 70-80 tỷ đồng nhưng ngành này không tăng trưởng lớn. Anh đang đầu tư nhà máy cấp mạch cho Samsung, LG với mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Em không thành công thì quay về nhà máy của anh không?

Em cảm thấy mình nợ quốc gia một thương hiệu tự động hóa.

- Founder: Em cảm thấy mình nợ quốc gia một thương hiệu về tự động hóa và công nghệ mới có thể sánh ngang với Mitsu, Yaskawa của Nhật Bản. Với em không có chữ thất bại, em sẽ theo đuổi đến cùng.

Sau màn đối thoại, Shark Phú đưa ra đề nghị đầu tư 500.000 USD dưới dạng trái phiếu chuyển đổi 36% sau 1 năm nếu đạt KPI, lãi suất 10%/năm.

Sau khi suy nghĩ, founder Trọng Toại chấp nhận lời đề nghị của Shark Phú.

Vài nét về Robot 3T

- Công ty về tự động hóa, thành lập năm 2014 và hoạt động vào năm 2015. Khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Doanh thu năm 2015 của doanh nghiệp này là 2,5 tỷ đồng. Năm 2016 là 5 tỷ. 6 tháng đầu năm 2018 là 6 tỷ và lợi nhuận là 40%. Dự kiến năm nay, doanh thu đạt khoảng 12 tỷ đồng.

- Kêu gọi: 500.000 USD cho 15% cổ phần hoặc 1 triệu USD cho 36%

- Kết quả: Shark Phú đưa ra cam kết đầu tư 500.000 USD dưới dạng trái phiếu chuyển đổi 36% sau 1 năm nếu đạt KPI, lãi suất 10%/năm


Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM