Sân bay châu Á đang 'nghẹt thở' vởi 4 tỷ hành khách, liệu giá vé hàng không có tăng?

04/12/2018 09:36 AM | Xã hội

Nghiên cứu của SEO Amsterdam Economics cho thấy sự quá tải của các sân bay sẽ khiến các hãng hàng không tốn thêm chi phí và cuối cùng buộc phải nâng giá vé.

Trong những năm gần đây, sự hồi phục của nền kinh tế, giá dầu thấp và nhu cầu đi lại tăng cao đã khiến nhiều sân bay bị quá tải, dẫn đến hàng loạt những vụ việc đáng tiếc. Ví dụ như tại sân bay Changi của Singapore, các kiểm soát viên và kỹ sư đã phải làm việc hết công suất nhằm đảm bảo sân bay hoạt động ổn định, an toàn trước lượng lớn dòng người trung chuyển qua đây.

Nhờ tầng lớp trung lưu ngày một tăng, lượng người di chuyển qua sân bay Changi cũng lớn dần lên đến mức cơ sở hạ tầng nơi đây dần không đáp ứng đủ nhu cầu. Câu chuyện này không phải chỉ của riêng Singapore mà là toàn châu Á Thái Bình Dương, nhất là khi du khách Trung Quốc ngày một giàu và đi du lịch nước ngoài nhiều hơn.

Theo các báo cáo, du khách di chuyển bằng đường hàng không tại châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 4,8% hàng năm, cao hơn mức 3,5% của toàn cầu. Nói cách khác, khoảng 3,9 hành khách sẽ ngập tràn các sân bay châu Á hàng năm vào năm 2037, tăng 2,35 tỷ người so với số hành khách hiện nay tại các sân bay.

Sân bay châu Á đang nghẹt thở vởi 4 tỷ hành khách, liệu giá vé hàng không có tăng? - Ảnh 1.

Lượng hành khách hàng không hàng năm của Châu Á Thái Bình Dương và các thị trường khác (tỷ người)

"Thế giới ngày nay đang nhận được rất nhiều lợi ích từ sự phát triển của giao thông. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, các sân bay và hệ thống kiểm soát sẽ khó lòng quản lý được lượng nhu cầu ngày một tăng", Giám đốc Alexandre de Juniac của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) nói.

Trong khi đó, hãng tư vấn Korn Ferry nhận định lượng hành khách đi máy bay tại châu Á không chỉ tăng mà tốc độ phát triển, nâng cấp của cơ sở hạ tầng hàng không tại đây cũng không đáp ứng được tương xứng với nhu cầu phát triển.

Ví dụ tại Indonesia hay Philippines, các vùng quê cần phát triển sân bay để thu hút thêm nhà đầu tư và du khách nhưng chính phủ lại lơ là những khu vực kinh tế này. Trong khi đó, sân bay tại các vùng trung tâm lại quá tải, khiến nhiều nhà đầu tư chán nản và từ chối rót thêm vốn.

Nhận thức được vấn đề trên, chính phủ nhiều nước châu Á đã gia tăng xây dựng các sân bay mới. Số liệu của CAPA cho thấy 228 sân bay mới tại châu Á Thái Bình Dương đang được xây dựng, tương đương với hơn một nửa so với tổng số 427 sân bay hiện nay.

Sân bay châu Á đang nghẹt thở vởi 4 tỷ hành khách, liệu giá vé hàng không có tăng? - Ảnh 2.

Tiền đầu tư mở rộng các sân bay chính tại Châu Á (tỷ USD)

Nếu tính cả những dự án nâng cấp sân bay cũ, khu vực châu Á Thái Bình Dương đã chi tổng cộng 316,5 tỷ USD cho các sân bay. Trong đó, những nước như Indonesia là tích cực nhất khi vị trí địa lý của họ rất cần thêm sân bay.

Cách đây 2 năm, sân bay Soekarno Hatta mới chỉ bắt đầu xây cổng số 4 nhưng chính quyền đã lên kế hoạch đầu tư 100 nghìn tỷ Rupiah (6,87 tỷ USD) để xây một sân bay mới gần đó.

Tương tự, Thái Lan cũng đang đầu tư mạnh cho hệ thống sân bay nhằm đáp ứng lượng lớn du khách đổ về đây. Chính quyền Bangkok đang có kế hoạch mở rộng gấp 3 sân bay Suvarnabhumi để có thể đón 150 triệu hành khách mỗi năm. Đây là sân bay lớn nhất tại Thái Lan được khánh thành vào năm 2006 với sức chưa 45 triệu hành khách/năm, nhưng hiện đang phải gồng mình với 65 triệu hành khách/năm.

Không đáp ứng đủ nhu cầu

Mặc dù chính phủ các nước đang đầu tư lớn để mở rộng sân bay nhưng theo các chuyên gia, như vậy vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không tại châu Á Thái Bình Dương.

Hãng nghiên cứu DBS Group Research ước tính châu Á sẽ cần 516 tỷ USD đầu tư cho sân bay trong vòng 20 năm tới mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu. Đó là chưa kể sự tăng giá của bất động sản khi giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng tăng cao khiến chính phủ gặp khó trong việc huy động nguồn vốn.

Ngoài ra, việc chính phủ không có chính sách thân thiện cho nhà đầu tư cá nhân khi mời vốn xây dựng sân bay tại châu Á khiến các nhà đầu tư không mặn mà và dự án bị đình trệ lâu hơn. Ví dụ như tại Philippines, nhiều dự án xây dựng sân bay của nhà đầu tư tư nhân đã bị chính phủ xét duyệt hàng năm trời mới được thông qua.

Sân bay châu Á đang nghẹt thở vởi 4 tỷ hành khách, liệu giá vé hàng không có tăng? - Ảnh 3.

Lượng hành khách có thể đón tiếp của các sân bay trước (xanh nhạt) và sau khi nâng cấp (xanh đậm) (triệu người)

Tại Ấn Độ, tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn là bao khi chính phủ nước này muốn dựa vào nguồn tiền tư nhân để phát triển sân bay, nhưng các chuyên gia lại nghi ngờ độ khả thi của kế hoạch này.

Khi Ấn Độ kỷ niệm sân bay thứ 100 được khánh thành, Cục trưởng cục hàng không Suresh Ptabhu của nước này đã tự hào tuyên bố sẽ mở thêm 100 sân bay trong vòng 10-15 năm nữa với gần 60 tỷ USD đầu tư từ nguồn vốn tư nhân cho các khu vực miền quê.

"Kế hoạch này không khả thi lắm bởi sẽ rất khó để thu hút nguồn vốn tư nhân cho những dự án tại các thành phố và thị trấn nhỏ miền quê", chuyên gia phân tích Amitabha Roychowdhury nhận định.

Hong Kong cũng gặp tình cảnh tương tự khi thiếu hụt sân bay lẫn đội ngũ nhân viên quản lý hàng không. Công đoàn hàng không Hong Kong nhận định thị trường này thiếu hụt khoảng 5.000 lao động với đà tăng trưởng hành khách như hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính là mức lương và đãi ngộ mà các sân bay áp dụng cho nhân viên không đủ hấp dẫn cũng như thu hút lao động vào ngành này.

Khu vực này đang định xây dựng thêm đường băng mới với trị giá 18 tỷ USD để có thể tiếp đón thêm 10 triệu hành khách mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là họ không có đủ nhân lực để vận hành đường băng cũng như quản lý hệ thống mặt đất.

Sân bay châu Á đang nghẹt thở vởi 4 tỷ hành khách, liệu giá vé hàng không có tăng? - Ảnh 4.

Sân bay quốc tế Ninoy Aquino International Airport của Philippines

Nghiên cứu của SEO Amsterdam Economics cho thấy sự quá tải của các sân bay sẽ khiến các hãng hàng không tốn thêm chi phí và cuối cùng buộc phải nâng giá vé.

Thậm chí sau vụ việc máy bay giá rẻ Lion Air gặp tai nạn mới đây của Indonesia khiến 189 người thiệt mạng, rất nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra về việc liệu giá vé hiện nay có rẻ quá mức hay không, qua đó ảnh hưởng đến chất lượng an toàn hàng không.

Bộ trưởng vận tải Indonesia, ông Budi Karya Sumadi mới đây đã tuyên bố chính phủ sẽ nâng mức giá vé sàn cho hàng không.

Việc nâng giá vé có thể tạm thời giảm lượng hành khách đổ về các sân bay nhưng theo các chuyên gia, phương án bền vững nhất là phát triển cũng như nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, vừa để đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như phát triển kinh tế vùng.

"Một khi sân bay mới được mở tại đảo chúng tôi, nhiều du khách nước ngoài sẽ tới hơn. Điều đó chắc chắn có ích cho công việc kinh doanh", chị Annaliza b Page tại đảo Bohol-Philippines nói.

"Bạn có thể bỏ lỡ các cơ hội phát triển. Tương lai của nhiều khu vực kinh tế phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng giao thông", chuyên gia Torbjorn Karlsson của Korn Ferry nhận định.

Sân bay châu Á đang nghẹt thở vởi 4 tỷ hành khách, liệu giá vé hàng không có tăng? - Ảnh 5.

Sân bay quốc tế Hong Kong

AB

Cùng chuyên mục
XEM