Bí quyết trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất

26/11/2015 09:45 AM | Quản trị

Nhà lãnh đạo kiệt xuất có thể giúp công ty tăng gấp đôi lợi nhuận và năng lực kiệt xuất ấy có thể được nâng cao qua học tập và đào tạo.

Tăng gấp đôi lợi nhuận

Các chủ doanh nghiệp (DN) thường hướng đến sự hoàn hảo để trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất. Thế nhưng, theo ông Rex Brown - Phó chủ tịch Zenger Folkman, không cần hoàn hảo vẫn có thể trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất. Người lãnh đạo chỉ cần có vài điểm mạnh và phát huy được những điểm mạnh ấy là đã trở nên kiệt xuất.

Theo Zenger Folkman, các nhà lãnh đạo kiệt xuất có 16 năng lực khác biệt, đó là họ nói nhiều nhưng có uy; họ truyền cảm hứng và động viên người khác làm tốt hơn; họ xây dựng các mối quan hệ; phát triển người khác; hợp tác và làm việc theo nhóm; phát triển tầm nhìn chiến lược; tiên phong trong thay đổi; kết nối tổ chức với các nhóm bên ngoài; thiết lập mục tiêu thách thức; thể hiện sự chính trực và trung thực cao…

Trong 16 năng lực đó, sự trung thực và tính chính trực chính là năng lực trụ cột, trọng tâm giúp người lãnh đạo trở thành kiệt xuất. Những người kiệt xuất thường có tâm lý muốn trở nên tốt hơn nên tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện bản thân.

Một nghiên cứu của Zenger Folkman với 850.000 nhà lãnh đạo trên thế giới cho thấy, người lãnh đạo kiệt xuất có thể cải thiện đáng kể sự hài lòng của khách hàng, giữ chân nhân tài và tăng gấp đôi lợi nhuận.

Nghiên cứu cũng chỉ rõ, nếu người lãnh đạo không có điểm mạnh để trở thành kiệt xuất thì công ty chỉ đạt 34% lợi nhuận, nhưng chỉ cần họ có một điểm mạnh thì có thể tăng gấp đôi lợi nhuận cho công ty.

Cách lãnh đạo của chủ DN cũng thể hiện mức độ gắn kết của nhân viên với công ty. Với những người lãnh đạo giỏi, mức độ gắn kết của nhân viên với công ty lên đến 80 - 90%, còn với các lãnh đạo tồi thì mức độ gắn kết của nhân viên rất thấp.

Khảo sát của IBM trong năm 2013 với 1.700 giám đốc điều hành tại 64 quốc gia cũng cho thấy, 3 đặc điểm quan trọng nhất của nhà lãnh đạo kiệt xuất là khả năng tập trung cao độ vào nhu cầu của khách hàng, khả năng cộng tác với đồng nghiệp và khả năng truyền cảm hứng. Trong đó, khả năng truyền cảm hứng mang lại kết quả nổi bật nhất vì sẽ khiến nhân viên tận tụy và gắn bó hơn với công việc.

Cải thiện năng lực lãnh đạo

Hiện nay, vấn đề các chủ DN quan tâm là năng lực lãnh đạo của nguồn nhân lực công ty như thế nào. Vì trên thực tế, có một số nhà quản lý rất giỏi trong việc tối ưu hóa sản xuất, phát triển hoạt động ở các khu vực hay phát triển mẫu mã sản phẩm; một số khác lại có sở trường về kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới. Vậy làm thế nào để khai thác năng lực lãnh đạo của đội ngũ quản lý?

Theo các chuyên gia, năng lực lãnh đạo có thể được nâng cao qua học tập và đào tạo. Tuy nhiên, năng lực này khó thể đo lường và cũng rất khó để so sánh với chuẩn chung. Bởi những người lãnh đạo kiệt xuất thường đặt ra mục tiêu lâu dài cho công ty. Họ làm việc với một thái độ cộng tác cao, dành thời gian để phát triển nhân viên và luôn khuyến khích những người khác sáng tạo hơn. Họ cũng kết nối với nhân viên một cách chuyên nghiệp và sẵn sàng dành nhiều thời gian để xây dựng mối quan hệ. Họ nhiệt tình thay đổi và có vai trò quan trọng trong công ty.

Tại Việt Nam, để cải thiện năng lực lãnh đạo, hầu hết các DN thường làm theo cách truyền thống là tập trung khắc phục điểm yếu. Thế nhưng, nghiên cứu của Zenger Folkman chỉ ra rằng, tập trung phát huy điểm mạnh của bản thân sẽ mang lại hiệu quả dễ dàng và nhanh chóng hơn trong việc cải thiện năng lực lãnh đạo.

Sở dĩ những người này vượt trội hơn những người khác vì họ đã thể hiện và được nhìn nhận ở những điểm mạnh thay vì loay hoay khắc chế điểm yếu của bản thân.

Ông Ngô Đình Đức - TGĐ Công ty Giải pháp Nhân lực Le & Associates (L&A) cho rằng, khi chúng ta phát triển một năng lực trong tổ chức mà nếu cải thiện năng lực là thế mạnh thì sẽ dễ trở thành kiệt xuất.

Và trong những năng lực khác biệt, năng lực về tính chính trực và sự trung thực là quan trọng nhất nhưng cũng rất khó để... nâng cao. Muốn cải thiện được năng lực này, chỉ có một cách duy nhất là phát huy những năng lực đồng hành như quan tâm đến người khác, thể hiện sự quyết đoán, tích cực, lạc quan, sự tin cậy, truyền cảm hứng thúc đẩy người khác...

Tất cả là một quá trình phấn đấu, bởi tài năng lãnh đạo không thể phát triển trong một ngày mà là cả một quá trình học tập bền bỉ. Có như vậy, các chủ DN và những nhà quản lý mới có thể trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất.

Theo Thanh Ngân

Cùng chuyên mục
XEM