Quan hệ Mỹ - Nga 7 năm qua: Ngày càng lạnh nhạt theo thời gian
Kim ngạch thương mại 2 nước đang liên tục giảm sút. 7 tháng đầu năm 2016, Mỹ nhập khẩu 7,9 tỷ USD từ Nga và xuất khẩu 3,2 tỷ USD sang nước này. Các con số đang tiếp tục có chiều hướng đi xuống.
Mối quan hệ Nga - Mỹ từng bị đóng băng sau cuộc chiến Nga - Gruzia năm 2008, khiến tổng kim ngạch thương mại 2 chiều Nga - Mỹ giảm mạnh trong năm 2009, từ 36 tỷ USD xuống chỉ còn 23,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong 2 năm 2010 và 2011, những nỗ lực của 2 Tổng thống Obama và Medvedev đã đưa kim ngạch thương mại tăng trở lại.
Những tưởng mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ trở nên tốt đẹp từ đó, thế nhưng, kể từ năm 2012, là năm ông Putin lên làm Tổng thống Nga, thương mại 2 nước dần giảm sút.
Từ mức tổng kim ngạch 43 tỷ USD năm 2011, đến năm 2015 tổng kim ngạch chỉ còn 23,5 tỷ USD, quay lại với thời điểm đóng băng năm 2009. Trong đó, giá trị nhập khẩu từ Nga vào Mỹ liên tục giảm qua các năm, còn giá trị xuất khẩu Mỹ sang Nga bắt đầu giảm từ năm 2013.
Năm 2012, Tổng thống Putin sau khi nhậm chức đã hủy chuyến đi Mỹ để tham dự hội nghị G8 với lý do muốn dành thời gian thành lập chính phủ mới. Đáp lại, Tổng thống Obama cũng thông báo không tham dự hội nghị APEC tại Nga vào tháng 9. Hành động của 2 vị Tổng thống báo hiệu cho mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa 2 nước trong tương lại.
Và quả thực, ngay trong năm 2013, một loạt bất đồng mới nảy sinh trong mối quan hệ 2 nước, đến mức Tổng thống Obama đã tuyên bố tạm ngừng chương trình tái khởi động quan hệ với Moscow.
Một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến mối quan hệ này, là việc cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, người tiết lộ hàng loạt tài liệu mật để khẳng định Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi tin nhắn, thư điện tử, điện thoại của người dân khắp nơi trên thế giới, thậm chí còn nghe lén điện thoại của lãnh đạo hàng chục quốc gia, trong đó có các đồng minh thân cận của Mỹ ở Châu Âu.
Vụ Snowden còn đặc biệt hơn nữa bởi phía Nga quyết định trao quy chế cư trú tạm thời cho Snowden, người đang bị Washington truy lùng gắt gao với cáo buộc phạm tội phản quốc. Tổng thống Obama thậm chí đã hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin. Ông Obama đã tạm dừng tái khởi động quan hệ với Nga khiến Nga bị loại ra khỏi ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, ít nhất là đến năm 2017.
Sau đó, cuộc khủng hoảng tại Ukraine 2013-2014 cũng đổ thêm dầu vào mối quan hệ 2 nước. Người dân Ukraine đã biểu tình chống chính phủ, sau khi Tổng thống Ukraine thông báo sẽ không ký một thỏa thuận chính trị và tự do thương mại với EU, làm đóng băng quan hệ với phương Tây và thêm thân thiết với Nga.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine là nguyên nhân khiến phía Mỹ đưa ra quyết định trừng phạt Nga. Bất chấp cuộc chiến thương mại kéo dài gây thiệt hại cho các bên suốt 2 năm qua, Mỹ và EU mới đây vẫn quyết định duy trì lệnh trừng phạt. Động thái này tiếp tục khiến mối quan hệ song phương giữa Nga - Mỹ và Nga - EU vốn đã lạnh giá càng thêm tồi tệ.
Theo số liệu mới nhất, 7 tháng đầu năm 2016, Mỹ nhập khẩu 7,9 tỷ USD từ Nga và xuất khẩu 3,2 tỷ USD sang nước này. Các con số đang tiếp tục có chiều hướng đi xuống.