Cấm vận Nga, ngành sữa Mỹ nhận quả đắng

29/08/2016 14:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Mới đây, chính phủ Mỹ đã quyết định mua 20 triệu USD sản phẩm phô mai nhằm hỗ trợ ngành sữa của nước này do giá mặt hàng này xuống thấp trong khi nhu cầu của các thị trường quốc tế không còn cao như trước.

Trong vòng 2 năm qua, doanh thu của các trang trại sữa Mỹ đã giảm 35%, qua đó buộc hàng loạt các nghị sỹ phải viết thư đề nghị giúp đỡ từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Theo đó, USDA sẽ mua gần 5.000 tấn phô mai để tích trữ trong kho lương thực hoặc cung cấp cho các chương trình dinh dưỡng quốc gia nhằm hỗ trợ giá và thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp ngành sữa.

Số liệu chính thức cho thấy tính đến tháng 6/2016, Mỹ dư thừa khoảng 67.000 tấn phô mai. Trong vòng 1 năm qua, khoảng 1.200 trang trịa bò sữa tại Mỹ đã phải đóng cửa do giá sữa giảm mạnh.

Quyết định trên của USDA nằm trong khoản 32 của Bộ luật nông nghiệp Mỹ năm 1935. Theo đó USDA có thể sử dụng một phần tiền thuế nhập khẩu để hỗ trợ giá các sản phẩm nông nghiệp.

Trong 20 năm qua, USDA đã trợ giá cho nhiều mặt hàng như thịt bò, lợn, khoai tây... nhưng hỗ trợ cho ngành sữa với lượng lớn như trên lại là lần đầu tiên kể từ năm 2009.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp của USDA chỉ mang tạm thời trước các yếu tố vĩ mô tác động đến ngành sữa.


Giá sữa trên mỗi 1/20 tấn tại Mỹ (USD)

Giá sữa trên mỗi 1/20 tấn tại Mỹ (USD)

Cấm vận kinh tế với Nga

Nguyên nhân đầu tiên mà các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sữa của Mỹ là các lệnh cấm vận với Nga, thị trường xuất khẩu chủ chốt của các nông trại sữa.

Các lệnh cấm vận của Phương Tây cũng những đòn trả đũa của Nga khiến các sản phẩm sữa của Mỹ không thể xuất khẩu sang thị trường này. Người dân Nga hiện đang quay sang dùng các sản phẩm sữa của Belarus.

Tồi tệ hơn, xung đột với Nga cũng đang khiến ngành sữa Châu Âu lao đao và buộc chính phủ các nước tại đây hỗ trợ 563 triệu USD cho các trang trại, qua đó tạo thêm áp lực cho nông dân Mỹ.

Ngoài Nga, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu chủ yếu của ngành sữa Mỹ và việc nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này suy giảm tại đây cũng là một phần nguyên nhân.

Trong nhiều năm, sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu Trung Quốc và những lo ngại về chất lượng sản phẩm nội địa khiến nhu cầu sữa nhập khẩu của nước này tăng mạnh. Tuy nhiên, đến năm 2015, do lượng dự trữ sữa đã ở mức cao cũng như ngành sản xuất sữa trong nước đã hồi phục trở lại nên nhu cầu sữa nhập khẩu tại Trung Quốc bắt đầu đi xuống.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM