Nên làm gì nếu phát hiện ra mức lương của mình thấp hơn đồng nghiệp? Đây là câu trả lời của chuyên gia

06/07/2018 08:15 AM | Kinh doanh

Mức lương là yếu tố quan trọng trong mỗi công việc, vậy nên nếu cảm nhận lương không phù hợp với khối lượng công việc và năng lực, đừng ngại ngần trao đổi với sếp.

Xuất hiện trong chương trình Wetalk phát sóng trực tiếp trên Fanpage Cafebiz, chị Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Giám đốc bộ phận tư vấn tuyển dụng cấp cao công ty Talentnet đã có những chia sẻ bổ ích liên quan đến vấn đề tiền lương, vấn đề luôn được coi là khá nhạy cảm nơi công sở.

Khi được hỏi rằng một nhân viên nên làm gì nếu phát hiện mình được trả lương thấp hơn đồng nghiệp, chị Phương cho biết điều này phụ thuộc vào cảm nhận mỗi người. Nếu thấy khối lượng công việc, chỉ tiêu cao trong khi lương thấp hơn, bạn nên xem lại thiện chí của mình đối với công việc.

"Quan trọng là mình có muốn làm công việc đó hay không. Nếu có thì mình nên đàm phán lại với doanh nghiệp. Ví dụ như ‘với công việc hiện tại em phải kiêm nhiệm nhiều việc abc, em nghĩ rằng thời gian công sức thế này, em đề nghị công ty xem xét lại cho em’, kiểu như vậy", chị Phương gợi ý.

Cũng theo chị, bản chất doanh nghiệp là không bao giờ muốn để mất nhân tài. Nếu nhận thấy nhân sự phù hợp, doanh nghiệp sẽ thương lượng theo hướng theo dõi công việc trong 3-6 tháng tới, nếu đáp ứng yêu cầu đưa ra thì nhân sự sẽ được tăng lương.

"Nếu không tăng lương, doanh nghiệp có thể mất nhân sự và phải tuyển người khác từ thị trường lao động trong khi người này chưa chắc làm được việc. Vậy nên người sếp sẽ đưa ra kế hoạch cụ thể trong giai đoạn 3-6 tháng tới, đây gọi là sự hài hòa giữa hai bên".

Đặt trường hợp đã đề xuất nhưng sếp lờ đi không trả lời, nhân sự nên làm gì?

Chị Phương cho rằng nếu đã chủ động nói chuyện với sếp, và có yêu cầu chính đáng trong khi sếp hứa xem xét nhưng vẫn không trả lời rõ ràng, nhân viên nên kiên nhẫn chờ đợi khoảng 1-2 tuần. Nếu sếp vẫn chưa trả lời thì có thể tìm cách nhắc "khéo,", ví dụ như: "Hôm trước em có đề nghị vấn đề tăng lương, không biết anh thấy sao, anh cho em xin ý kiến".

"Nếu đã nói vậy mà sếp vẫn không để ý nữa thì bạn nên có quyết định của riêng mình", nữ giám đốc thẳng thắn nhận xét.

Theo chị, người làm sếp có thể bận vào lúc nhân viên đề xuất nhưng không có ai bận mãi. Sau khi đã nhắc lần hai nhưng sếp không ý kiến thì bạn nên tự xây dựng kế hoạch khác.

"Điều này thuộc về phong cách lãnh đạo. Đối với tôi, làm việc với nhau phải rõ ràng, được hay không được thì phải nói chứ không thể im im xong không trả lời. Lãnh đạo mà theo kiểu lờ đi, hoặc quên rồi thì thôi là không nên", chị kết luận.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM