Lãnh đạo DN Nhật than phiền: "Người Việt trẻ giỏi nhưng nhảy việc nhiều quá, chúng tôi không đủ niềm tin giao cho các bạn những dự án toàn cầu!"

08/05/2019 08:45 AM | Kinh doanh

Các doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản có sức hút rất lớn đối với các ứng viên Việt Nam. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, yêu cầu tuyển dụng cao bao gồm trình độ ngoại ngữ và sự trung thành là 2 rào cản lớn đối với ứng viên người Việt.

Lần đầu tiên Navigos Group công bố thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại thị trường Việt Nam (gọi tắt là Japan Desk) trong Quý 1/2019.

Theo ghi nhận của Navigos Group, liên tiếp trong quý 1/2019 và trong thời gian tới, các doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ của Nhật Bản thuộc các lĩnh vực về thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm… đều mở rộng hoạt động mạnh mẽ hoặc chính thức đầu tư vào Việt Nam.

Trong con mắt của các ứng viên người Việt thì các doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực này đều rất mạnh về đào tạo, quy trình quản lý chuyên nghiệp, phong cách phục vụ khách hàng tận tâm…. Chính vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ này có sức hút rất lớn đối với các ứng viên.

"Mặc dù vậy, yêu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp này rất cao, trong đó bao gồm trình độ tiếng Anh xuất sắc, giao tiếp giỏi và am hiểu sâu sắc về tình hình kinh doanh và văn hóa công ty, nên rất nhiều các bạn trẻ người Việt không đáp ứng được. Bên cạnh đó, việc thay đổi công việc quá nhiều và quá nhanh cũng là một rào cản đối với ứng viên muốn ứng tuyển vào các tập đoàn này", báo cáo cho biết.

Tỷ lệ nhảy việc nhanh chóng của giới trẻ Việt khiến nhiều doanh nghiệp Nhật – nơi tôn trọng văn hóa trung thành trong công việc – than thở. Trong một sự kiện về hợp tác công nghệ Việt – Nhật diễn ra hồi năm ngoái, CEO một doanh nghiệp Nhật phải ca thán: "Người Việt trẻ giỏi nhưng nhảy việc nhiều quá, làm chưa đủ 1 năm đã bỏ việc, chúng tôi không đủ niềm tin giao cho các bạn những dự án toàn cầu!"

Lãnh đạo DN Nhật than phiền: Người Việt trẻ giỏi nhưng nhảy việc nhiều quá, chúng tôi không đủ niềm tin giao cho các bạn những dự án toàn cầu! - Ảnh 1.


Đã qua rồi thời sinh viên mới tốt nghiệp, trình độ tiếng Nhật "tàng tàng" cũng dễ dàng tìm việc

Theo dữ liệu của mảng tuyển dụng Japan Desk thuộc Navigos Seach, trong quý 1/2019, các doanh nghiệp Nhật liên tục có nhu cầu tuyển dụng các nhân sự cấp trung, cấp cao trải dài trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, IT, hàng tiêu dùng/bán lẻ, giao thông vận tải, kỹ thuật, tài chính ngân hàng, trong đó đáng kể nhất là lĩnh vực sản xuất, chiếm hơn 50% nhu cầu tuyển dụng.

Việc xuất hiện thêm một số khu công nghiệp mới dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật như Khu công nghiệp phụ trợ Đồng Văn 3 (thuộc tỉnh Hà Nam), Khu công nghiệp Thăng Long 3 (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) đã dẫn đến sự tăng trưởng mạnh về tuyển dụng các vị trí chủ chốt trong nhà máy như Factory Manager (Giám đốc nhà máy) hoặc Giám đốc nhân sự để từ đó chuẩn bị toàn bộ các bước để xây dựng nhà máy và tuyển dụng khối lượng lớn nhân sự nhằm chuẩn bị cho quá trình đưa nhà máy vào hoạt động.

Báo cáo của Navigos Group cũng ghi nhận sự thay đổi trong việc lựa chọn ứng viên của các doanh nghiệp Nhật trong mảng sản xuất.

Nếu cách đây khoảng 5 năm, việc một sinh viên mới tốt nghiệp có trình độ N2 tiếng Nhật là đã có thể tìm được việc làm tương đối dễ dàng trong lĩnh vực sản xuất (có 5 cấp độ Kyu trong tiếng Nhật, N2 là cấp độ sử dụng tiếng Nhật khá thành thạo, N1 là cấp cao nhất).

Vào thời điểm hiện tại, điều này không còn phù hợp nữa khi sự cạnh tranh giữa các ứng viên tìm việc trong các doanh nghiệp Nhật ngày càng cao. Các doanh nghiệp Nhật hiện nay ưu tiên tuyển các sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Nhật, đồng thời yêu cầu các ứng viên phải có định hướng rất rõ ràng về nghề nghiệp mình muốn theo đuổi và phát triển trong tương lai.

Đối với các doanh nghiệp thuộc tập đoàn toàn cầu, việc biết thêm tiếng Anh cũng là một lợi thế. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp Nhật vừa và nhỏ, các ứng viên người Việt băt buộc phải giỏi tiếng Nhật. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp Nhật mở rộng hoạt động sang Việt Nam từ thị trường Trung Quốc dẫn đến các yêu cầu ứng viên người Việt cần biết thêm tiếng Hoa để thuận lợi trong quá trình làm việc với các nhà cung cấp Trung Quốc.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM