Giải phẫu các "xác sống" ở Trung Quốc
Ba năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố cải tổ các doanh nghiệp nhà nước (hay còn gọi là các "xác sống"- zombie), tình hình vẫn chẳng sáng sủa hơn bao nhiêu, thậm chí không muốn nói là tồi tệ chưa từng thấy.
Không chỉ những tập đoàn quốc doanh- những “xác sống” trong ngành công nghiệp truyền thống như than đá hay thép mà hiện những doanh nghiệp nhà nước trong ngành tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe cũng đã có dấu hiệu bất ổn.
Thậm chí ngành công nghệ, vốn đang có những tăng trưởng khá ấn tượng thời gian gần đây cũng có tỷ lệ lợi nhuận và doanh thu trên tổng tài sản khá thấp.
Việc giá hàng hóa tăng trở lại thời gian gần đây cũng như sự ấm lên của thị trường bất động sản và đà tăng điểm của chứng khoán không hoàn toàn là một tin tức tốt với nền kinh tế Trung Quốc khi chúng chỉ khiến quyết tâm cải tổ các doanh nghiệp nhà nước yếu đi.
Lượng tiền vay nợ ngày càng lớn nhưng hoạt động lại không hiệu quả không còn là vấn đề xa lạ với các công ty quốc doanh Trung Quốc.
Một báo cáo gần đây cho thấy số ngày từ lúc khách hàng nhận sản phẩm đến lúc thanh toán (ARD) trong ngành công nghiệp Trung Quốc năm 2015 là 106 ngày, cao hơn so với năm 2012 là gần 90 ngày. Hầu hết những ngành khác hiện cũng có ARD cao hơn so với năm 2012.
Rõ ràng, các “xác sống” Trung Quốc hiện không có thay đổi gì nhiều so với cách đây vài năm và công cuộc cải tổ của chính phủ có vẻ không thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của nhiều ngành Trung Quốc trong năm 2015 cũng thấp hơn năm 2012, qua đó thúc đẩy những đồn đoán về khả năng giảm phát trong nền kinh tế nước này.
Trong khi đó, tình trạng dư thừa sản lượng đang khiến lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Gần đây, chính phủ nước này đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất thép từ 150 triệu tấn xuống 100 triệu tấn.
Hãng IHS cũng dự đoán tình trạng dư cung trên toàn cầu đã khiến ngành théo Trung Quốc thiệt hại 12 tỷ USD trong năm 2015.
Đồng thời với đó, sản lượng khai thác than ở Trung Quốc cũng đang được xem xét cắt giảm.
Hãng JP Morgan Chase nhận định có thể chính quyền Bắc Kinh muốn tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh và nhờ vào thị trường chứng khoán để giải quyết nợ nần cho những công ty này. Rõ ràng, tài sản hữu hình và vô hình của các tập đoàn nhà nước là khá lớn và chúng chắc chắn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, biện pháp này có thể sẽ gặp khó khăn khá lớn khi các ngành kinh tế Trung Quốc hiện đang ngày càng vay nợ nhiều vởi tỷ lệ chủ sở hữu trong tổng tài sản ngày một thấp.
Xét về tỷ lệ lãi vay trong tổng thu nhập trước lãi vay và thuế (EBIT) tại Trung Quốc, ngành năng lượng và vật liệu xây dựng có mức tăng trưởng mạnh nhất. Điều này là dễ hiểu khi nước này là một trong những nơi sản xuất thép và than nhiều nhất thế giới.
Mặc dù vậy, những cố gắng của chính phủ Trung Quốc không phải là không có hiệu quả khi số doanh nghiệp nhà nước đã giảm từ 113.000 đầu thập niên 90 xuống 65.000 năm 1998 và 27.000 giữa thập niên 2000.
Hiện Morgan Stanley ước tính có khoảng 20.000 doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đang hoạt động.