Đừng ép bản thân phải làm việc quá nhiều, chúng ta cần nghỉ ngơi, cần lãng phí thời gian để cân bằng mọi thứ

03/05/2017 16:32 PM | Sống

Ai cũng có một danh sách lớn những điều chúng ta cần làm, những buổi họp hay kế hoạch... thế nhưng nếu có khoảng thời gian nghỉ ngơi "lãng phí" đúng mức, nó sẽ mang lại cho bạn hiệu quả lớn hơn nhiều so với cắm đầu làm cả ngày.

Bạn luôn có một danh sách bất tận những việc cần làm, và lối sống đuổi theo năng suất luôn mách bảo chúng ta rằng phải làm những việc trong danh sách kia ngay, nếu không bạn sẽ cảm thấy tội lỗi về khoảng thời gian đã bị lãng phí.

Nhưng sự thật là cuộc đời mà cứ dành để trả lời các email thì cực kỳ nhàm chán. Và thời gian bị lãng phí, trên thực tế, lại khiến chúng ta thỏa mãn và vì thế rất cần thiết.

Hãy lấy cây bút Merlin Mann, tác giả của “Inbox Zero” làm ví dụ. Trước đây ông được thuê viết một cuốn sách về cách tổ chức hệ thống email của mình. 2 năm sau, ông bỏ dở dự án và post một bài viết về việc mình đã mất thời gian thế nào để suy nghĩ về việc sử dụng thời gian ra sao cho hợp lý, và vì thế đã để lỡ mất những khoảnh khắc quý giá với con gái mình.

Như thế, vấn đề sẽ xuất hiện khi chúng ta điên cuồng đuổi theo cái đích “năng suất” và không chịu dành thời gian nghỉ ngơi. Chúng ta không còn ngủ nướng, hay đi bộ thật lâu, hay đọc sách bên cửa sổ nữa. Thay vào đó là hàng giờ liền ngồi lỳ ở bàn làm việc, trước mặt là máy tính, lướt qua các website và điều này không mang lại cho chúng ta hạnh phúc mà cũng chẳng giúp ta cải thiện năng suất chút nào.

“Có người cho rằng chúng ta phải luôn sẵn sàng làm việc bất kỳ lúc nào”, Michael Guttridge – một nhà tâm lý học chuyên về hành vi ở nơi làm việc – cho biết. “Thật khó để phá vỡ vòng lặp đó và đi ra công viên xả hơi”. Và hậu quả của việc này rất rõ rệt: Chúng ta ngồi nghĩ vẩn vơ trước máy tính – tìm kiếm những yếu tố gây phân tâm trên mạng xã hội, và tự bảo với mình rằng ta đang “làm nhiều việc một lúc” trong khi mất quá nhiều thời gian vào những việc đơn giản nhất.

Ngoài ra, theo Guttridge, chúng ta còn bỏ lỡ những lợi ích về thể chất và tinh thần có được từ thời gian dành cho chính mình. “Người ta ăn ở bàn làm việc và mua đồ ăn trên máy tính. Họ nên đi dạo, đến quán cà phê, hoặc làm gì đó miễn là dứt mình khỏi công việc một chút”.

Alex Soojung-Kim Pan, tác giả của cuốn sách “REST: Why You Get More Done When You Work Less” còn đưa ra những gương làm việc ít mà hiệu quả như Charles Dickens, Gabriel García Márquez, và Charles Darwin. Họ chỉ làm việc dưới 5 giờ/ngày. Thực ra công việc dàn trải lấp đầy vào khoảng thời gian được vẽ ra cho nó, vì thế đa phần chúng ta đều có thể rời văn phòng trước vài giờ mà vẫn hoàn thành được lượng công việc tương tự.

Đôi khi thậm chí cả những hoạt động giải trí – như xem phim, hay chạy bộ - có thể bị đè nén bởi cảm giác trách nhiệm. Guttridge nói rằng ông đã nghe về các CEO xem phim theo chế độ tua nhanh để họ có thể nhanh chóng nắm bắt được cốt truyện.

“Dành thời gian xả hơi là để hồi phục lại năng lượng và giúp bạn giải tỏa”, ông nói. Bớt chút thời gian để hoàn toàn tách biệt khỏi công việc rốt cuộc sẽ khiến bạn làm việc tốt hơn, ngoài ra nó còn giúp bạn cảm thấy thoải mái và có thêm động lực.

Thậm chí ngồi lỳ hàng giờ xem phim truyền hình cũng là một trải nghiệm tích cực – nếu bạn thấy thoải mái và thực sự thích thú khi ngồi trước TV.

Rốt cuộc, chúng ta đều có ham muốn được nhẩn nha ngồi giở từng trang một cuốn tạp chí, tha thẩn qua từng con phố hay đơn giản là không làm gì cả. Chúng ta cần trân trọng những phút giây như thế, và coi chúng là những khoảnh khắc đúng với bản chất của mình: những khoảnh khắc không hề lãng phí.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM