Dịch bệnh Panama- Kẻ sẽ gây nên cuộc khủng hoảng chuối toàn cầu

20/04/2016 15:08 PM | Kinh tế vĩ mô

Hiện Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) đã cảnh báo ngành công nghiệp 36 tỷ USD này phải có hành động ngay lập tức nếu không muốn một cuộc khủng hoảng chuối diễn ra một lần nữa.

Một cơn dịch bệnh đang tấn công ngành nông nghiệp chuối trên toàn cầu và đe dọa đến khả năng xuất khẩu mặt hàng này tại những nước xuất khẩu chính ở Mỹ Latinh.

Sự nguy hiểm của loại dịch bệnh này thậm chí khiến Hội nghị Quốc tế về ngành chuối (IBC) phải di dời từ Costa Rica sang Miami vào phút chót do lo ngại các thành viên tham dự có thể mang theo bệnh dịch thông qua quần áo hay dày giép.

Loại dịch bệnh này được gọi là hay “dịch Panama” hoặc “bệnh nấm Fusarium”. Dịch Panama này bắt đầu xuất hiện tại Đài Loan vào năm 1990 và nhanh chóng lây lan sang những nông trường chuối ở Indonesia, Malaysia, Philippines và một phần Australia.

Trong 3 năm vừa qua, loại bệnh Panama này đã lan sang các nước tại Trung Đông, Châu Phi và khiến Liên Hiệp Quốc (UN) phải kêu gọi thế giới tài trợ khoảng 50 triệu USD nhằm thực hiện kế hoạch đối phó loại dịch này.


Những nước đã bị lây bởi TR4

Những nước đã bị lây bởi TR4

Bệnh Panama được gây ra bởi loại nấm Fusarium lây nhiễm trong rễ cây chuối, qua đó khiến cây bị khô héo và thậm chí chết. Khi cây chuối bị lây loại bệnh này, người nông dân gần như không thể làm gì để chữa bệnh cho cây cũng như không thể loại bỏ hoàn toàn loại nấm Fusarium tồn tại trong đất.

Loại nấm Fusarium này di chuyển theo đường lây của đất, thông qua đế giày, quần áo của người nông dân, đất bám trên máy móc, bám lên thân các con động vật hoặc trôi theo các trận lũ.

Mối quan tâm của UN đối với loại bệnh Panama là có lý do khi ngành công nghiệp xuất khẩu chuối đã từng bị loại dịch bệnh này tàn phá vào thập niên 50, buộc người nông dân phải chuyển từ giống chuối Gros Michel sang trồng giống Cavendish, vốn có khả năng chống loại dịch này.

Tuy nhiên, dịch Panama đang biến thể sang một chủng mới là “Tropical Race 4-TR4” và giống Cavendish không có khả năng miễn nhiễm với loại bệnh mới này.

Giống chuối Cavendish là loại giống phổ biến hiện nay trong ngành công nghiệp xuất khẩu khi phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhiều nước, có thể để lâu trong quá trình vận chuyển và có kích cỡ tiêu chuẩn, thuận tiện cho việc xét duyệt hàng hóa cũng như phân phối.

Loại chuối này chiếm tới 95% thị phần xuất khẩu chuối trên thế giới, khiến nhiều người nông dân đổ xô đi trồng loại chuối này và hậu quả là căn bệnh TR4 đang có nguy cơ khiến thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng chuối lần thứ 2.


Sản lượng và số lượng xuất khẩu chuối (triệu tấn)

Sản lượng và số lượng xuất khẩu chuối (triệu tấn)

Các quan chức UN đang cố gắng tìm cách ngăn chặn TR4 trước khi chúng lây sang Châu Mỹ Latinh, nơi chiếm 3/4 lượng chuối xuất khẩu toàn cầu.

Hiện biện pháp duy nhất ngăn chặn TR4 là thiết kế hệ thống tường rào kiểm soát chặt chẽ nông trại, ngăn không cho động vật hoang tiến vào. Đồng thời xây dựng hệ thống kiểm soát, phun rửa vệ sinh cho công nhân cũng như máy móc vào nông trại.

Dẫu vậy, tiến trình này cần sự phối hợp của chính phủ bởi chi phí cho hệ thống trên là khá cao và tốn kém.

Điều đặc biệt nguy hiểm là TR4 khiến cây chuối héo úa, khiến việc trồng và thu hoạch vụ tiếp theo bị ảnh hưởng. Đồng thời, TR4 khó bị loại bỏ trong đất nên vụ mùa tiếp theo nhiều khả nang tiếp tục bị lây và cây bị héo chết.

Hiện Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) đã cảnh báo ngành công nghiệp 36 tỷ USD này phải có hành động ngay lập tức nếu không muốn một cuộc khủng hoảng chuối diễn ra một lần nữa.

Trước tình trạng giống chuối Cavendish bị ảnh hưởng bởi bệnh TR4, Đài Loan đã cho phát triển giống Cavendish đột biến mới đủ khả năng kháng lại TR4. Tuy nhiên giống mới này không có hương vị ngon bằng giống Cavendish cũ cũng như không vận chuyển thuận tiện bằng.

Hiện giá chuối vẫn khá ổn định khi nguồn cung chính của thế giới là Châu Mỹ Latinh vẫn an toàn trước TR4. Dẫu vậy, giá chuối trên thị trường có thể thay đổi trong thập kỷ tới nếu các nhà hoạch định chính sách không có biện pháp đối phó hiệu quả.

Nguy hiểm hơn, những nghiên cứu mới nhất cho thấy nấm Fusarium có khả năng tồn tại trong đất ít nhất là 40 năm và đây là mối nguy tiềm tàng cho thị trường Châu Á, vốn đã bị lây dịch Panama.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM