Đừng vội mừng khi được sếp tin tưởng!

11/01/2016 08:31 AM | Kinh doanh

Các nhà khoa học gần đây đã phát hiện ra rằng, việc bạn luôn đạt kết quả tốt trong công việc không phải lúc nào cũng là một tín hiệu tích cực.

Minh chứng gần đây nhất trích dẫn trên trang Psychology Today từ một nghiên cứu được dẫn đầu bởi Michael D. Baer tại Đại học bang Arizona, nói rằng việc được sếp tin tưởng thật ra giống như một con dao 2 lưỡi.

Trong khi nghiên cứu trước đây cho rằng cảm giác được cấp trên tin tưởng khiến ta tự hào và cảm thấy mình đang làm chủ hoàn toàn công việc của mình, Baer và các đồng nghiệp lại phát hiện ra rằng: Được sếp tin tưởng có thể khiến chúng ta “kiệt sức và bất an” – dẫn đến ảnh hưởng không hề nhỏ tới hiệu suất công việc.

Để kiểm tra hiện tượng này, các nhà nghiên cứu đã xem xét một nhóm người gồm 219 tài xế xe buýt tại London, trong đó đa phần là đàn ông. Với 3 luận điểm chính trong cuộc nghiên cứu, họ đã yêu cầu những tài xế này thực hiện bảng khảo sát về công việc mà họ đang có.

Những người tài xế đã được yêu cầu nêu rõ họ cảm thấy như thế nào khi được sếp tin cậy; họ tự hào về công việc của mình tới đâu, họ cảm thấy mình phải làm việc vất vả ra sao; họ có quan tâm đến việc duy trì danh hiệu “nhân viên xuất sắc” mà mình đang có không; và công việc đang làm đã “vắt kiệt” họ đến mức nào.

Đồng thời trong lúc đó, các nhà nghiên cứu cũng yêu cầu những người quản lý nhận xét đánh giá về biểu hiện và hiệu suất công việc của cấp dưới mình.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cảm giác được tin cậy thực sự khiến cho những tài xế xe buýt cảm thấy tự hào hơn về bản thân và công việc mình đang làm. Tuy nhiên để có được sự tin tưởng thì thường kèm theo một số mặt trái - cụ thể là những người lái xe này phải nhận một khối lượng công việc lớn hơn và thường lo nghĩ nhiều hơn về việc duy trì danh hiệu mà bản thân đã đạt được - nhân viên xuất sắc.

Khi họ có quá nhiều việc phải làm còn tâm trạng thì luôn băn khoăn về việc phải giữ gìn danh hiệu này, thường sẽ dẫn đến lo lắng cực đoan trong cảm xúc và khiến họ biểu hiện kém dần trong công việc.

Vì vậy, các nhà quản lý có thể làm gì để đảm bảo rằng nhân viên của mình đang không “kiệt sức và bất an” vì được tin cậy?

Phải nhận thức được nhược điểm của việc tin cậy. Các tác giả cho biết có một giải pháp có thể đảm bảo nhân viên không còn bị quá tải trong công việc nữa. Ví dụ, các nhà quản lý có thể chỉ định nhân viên mà mình tin tưởng làm một dự án cao cấp hơn, nhưng vẫn lưu ý đừng phân công cho họ quá nhiều việc.

Quản lý thậm chí có thể nói với nhân viên của mình rằng hình ảnh chuyên nghiệp họ đã xây dựng không nhất thiết lúc nào cũng phải “treo trên đầu họ” để họ luôn phải lo lắng mãi thế.

Do nghiên cứu về mặt trái của cảm giác được tin cậy vẫn còn hạn chế, các tác giả nghiên cứu đã đề xuất thêm một vài hướng đi cho việc điều tra trong tương lai.

Đáng chú ý nhất, họ cho rằng những khác biệt cá nhân có khả năng điều phối giữa cảm giác được tin cậy và cảm giác bất an trong đó. Ví dụ, những nhân viên quan tâm đến tổng thể bộ máy tổ chức khi được sếp tin tưởng vẫn có thể đối phó tốt với lượng công việc quá tải được giao phó.

Có lẽ sự đóng góp quan trọng nhất của nghiên cứu này là việc đã nhấn mạnh một vấn đề tồn tại tại nơi làm việc nhưng lại chưa hề được phát hiện trước đó. Bây giờ khi đã nhận thức được các vấn đề tiềm năng này, các nhà quản lý có thể điều chỉnh hành vi bản thân để không làm vuột mất những nhân viên ưu tú.

Khánh Hòa

Cùng chuyên mục
XEM