Câu chuyện du lịch qua con mắt của các "Tour guides"

08/06/2015 16:32 PM | Kinh doanh

Phí visa tăng, thủ tục chậm, hạ tầng không đồng bộ, bản sắc văn hóa mờ nhạt... là các hạn chế của du lịch Việt Nam mà các tour guide nhận xét.

(Tour guides - các hướng dẫn viên du lịch)

Tính chung 5 tháng đầu năm 2015, lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước.  Riêng tháng 5 lượng khách suy giảm 16,4% so với tháng 4. Tình trạng này được dự báo sẽ tiếp tục trong những tháng sắp tới.

Việc lượng khách quốc tế liên tục sụt giảm trong suốt một năm qua chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến tổng thu ngân sách nhà nước nói chung và tổng thu du lịch nói riêng. Nguyên nhân nào khiến cho Du lịch Việt Nam tuy có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn chưa thể phát triển?

Phí, vé liên tục tăng

Theo anh Hoàng - một "tour guide" với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch, việc điều chỉnh phí Visa cũng như giá vé tại các điểm du lịch lên quá cao trong những năm gần đây không phải là một việc làm “khôn ngoan”.

“Ví dụ trước kia, phí Visa chỉ từ 10-20$ thì khách du lịch sẽ không cần tính toán nhiều. Nay, phí Visa tăng lên gấp 10 – 15 lần (tùy nước) và điều này đã tạo ra những rào cản đối với du khách. Nhà nước có thể sẽ thu được một khoản tiền từ việc thu phí Visa nhưng sẽ gây thất thoát nhiều cho ngành du lịch nói chung”, anh Hoàng lo ngại.

Được biết, hiện nay, ngoài 7 nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Nga, Phần Lan…và một số nước lân cận: Thái Lan, Lào, Malaysia…được miễn thị thực Việt Nam thời hạn không quá 15 - 30 ngày thì công dân các nước khác muốn vào Việt Nam, không chỉ phải đóng lệ phí ngày càng cao, mà thủ tục Visa vào Việt Nam vẫn được cho là còn phức tạp.

Theo kinh nghiệm phát triển du lịch của quốc tế, visa thông thoáng, nhanh gọn, thuận tiện là yếu tố đầu tiên và quan trọng để du khách quốc tế quyết định nên chọn điểm đến nào để du lịch. Đặc biệt, điểm đến nằm ở quốc gia không yêu cầu visa thì luôn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, vấn đề hiện đang bất cập ở Việt Nam chính là thủ tục làm visa cho các thị trường đều chưa được nhanh chóng, thuận tiện và trực tiếp, lệ phí còn cao.

Trước thực trạng đó, mới đây, Hiệp hội Du lịch cũng đã có đề xuất với Chính phủ miễn thị thực thêm cho 4 thị trường: Anh, Pháp, Đức, Australia. Đây được xem là 4 nước nằm trong số những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, có quan hệ tốt về chính trị, văn hóa với Việt Nam.

Bên cạnh đó, đánh giá về việc thu tiền vé tại các điểm du lịch. Theo tìm hiểu, giá vé tại các điểm du lịch hiện nay không phải là thấp, ví dụ ở Hạ Long, khách du lịch đang phải chịu mức phí là 170.000/người để đi tàu tuyến và tiền thu “khách một đêm” là hơn 300.000/người. Đó là chưa kể tới tiền vé thắng cảnh hay thăm quan.

Tiền phí, vé tăng nhiều, thu về nhiều như vậy nhưng việc tái đầu tư để làm phong phú sản phẩm du lịch lại không có. Vẫn là những con đường vào hang xập xệ, bãi biển cũng không cải tạo cho đẹp hơn.

“Có lẽ chúng ta nên tập trung phát triển dịch vụ và giúp tăng thu nhập cho những người dân xung quanh điểm du lịch thay vì chỉ tập trung vào tiền thu vé như vậy. Lợi ích thực sự của du lịch không nằm ở những tờ vé đó, mà ở doanh thu của dịch vụ và đời sống của người dân”, anh Hoàng cho hay.

Cần một định hướng lâu dài, bền vững

Không phủ nhận các dịch vụ hỗ trợ du lịch ở Việt Nam cũng ngày một tốt dần lên nhưng còn quá chậm. Cơ sở hạ tầng phát triển nhưng không đồng bộ cũng phát sinh những khó khăn cho du lịch.

Ví dụ như tại Sapa, một trong những địa điểm du lịch yêu thích của cả khách nội và khách ngoại. Trước kia, cách duy nhất để lên Sapa là bằng tàu hỏa, thời gian di chuyển lâu nên số lượng khách hạn chế. Ngày nay, các tuyến đường đẹp hơn, thời gian di chuyển nhanh hơn, thuận tiện hơn nên lượng khách du lịch đến Sapa tăng lên đáng kể.

Điều này lẽ ra rất có lợi cho du lịch. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng tại Sapa lại phát triển quá chậm, chưa tương xứng với lượng khách đổ về đông như vậy. “Nếu bạn vô tình đến Sapa vào cuối tuần thì nguy cơ sẽ ko thể tìm đc một chỗ ngủ hoặc giá phòng đội lên rất cao. Ngoài ra, khi lượng khách càng lớn, con người càng bị thương mại hóa nhiều hơn. Người ta luôn muốn tối đa hóa lợi nhuận nên thậm chí còn dẫn đến hiện tượng đuổi khéo khách du lịch khi họ ở quá lâu”, anh Dũng, một tour guide khác cho biết.

Việc nhà nước, chính quyền để cho các nhà đầu tư, các đơn vị tư nhân tự do xây dựng cơ sở hạ tầng không theo quy hoạch tổng thể dẫn đến kết quả vừa không đạt tiêu chuẩn chất lượng, vừa phá vỡ cảnh quan xung quanh.

“Vì vậy, việc quy hoạch có tầm nhìn, đưa ra được những ý tưởng tốt ngay từ đầu là vô cùng quan trọng. Phát triển du lịch cần phải có định hướng lâu dài, bền vững và phải được quy hoạch một cách khoa học”, anh Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó, đối với tình trạng những nét văn hóa truyền thống đang ngày một bị hiện đại hóa thì chính quyền, ngoài việc có những chính sách phù hợp đối với người dân địa phương, việc làm công tác truyền thông tư tưởng cho họ cũng vô cùng quan trọng. Người dân làm du lịch cần phải hiểu được rằng: bản sắc văn hóa cần được giữ gìn, lợi thế con người cần được khai thác và phát huy tối đa.

Đó mới chính là những điểm khác biệt mấu chốt thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam.

Không chỉ người dân Việt Nam, khách du lịch thế giới ngày nay đều biết đến một Đà Nẵng sôi động, hiện đại và tràn đầy ánh sáng. Hay một Hội An yên ả, đậm nét cổ và rất đỗi nên thơ. Đà Nẵng và Hội An ngày nay đã trở thành những điểm du lịch đặc sắc và nổi tiếng trong khu vực và thế giới.

Dẫu nhìn chung còn nhiều bất cập và khó khăn đối với du lịch Việt Nam, nhưng có thể thấy du lịch Đà Nẵng, Hội An vẫn luôn phát triển vượt trội và bền vững. Tại sao lại như vậy?

Không thể phủ nhận đây là 2 địa điểm có những lợi thế nhất định về mặt địa lý, văn hóa và con người. Tuy nhiên, dù phát triển theo hai hướng hoàn toàn đối lập thì điều quan trọng nhất mà chính quyền và nhân dân ở hai thành phố này đã làm được đó chính là việc giữ gìn và phát huy những nét riêng biệt, đối lập đó.

Thực tế, tình trạng sụt giảm lượng khách quốc tế còn bao gồm cả tỉ lệ khách du lịch quay trở lại Việt Nam và con số này hiện đang rất ít. Nếu có, du khách cũng sẵn sàng bỏ qua các điểm du lịch không mấy ấn tượng khác để quay lại Hội An, Đà Nẵng. Có thể thấy, cách làm du lịch của 2 thành phố này đã thực sự mang lại hiệu quả và chiếm được cảm tình của du khách quốc tế.

Tuy nhiên, việc áp dụng chung mô hình để có một Đà Nẵng thứ hai hay một Hội An thứ hai là điều không thể và cũng không nên làm.

Có chăng, phát huy tinh thần làm du lịch trong toàn địa bàn, xây dựng hình ảnh, văn hóa mang tính đặc trưng sâu đậm của mỗi vùng miền, đầu tư quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng quy mô và hợp lý kết hợp quảng bá mạnh mẽ bằng những cách tiếp cận mới mẻ… mới chính là những điều các thành phố khác có thể học hỏi nhằm thiết lập các khu du lịch bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của du lịch Việt Nam.

Hiền Giang

Cùng chuyên mục
XEM