Du lịch Tây balô: khách hàng tiềm năng bị quên lãng

01/06/2015 09:18 AM | Kinh doanh

Với đặc điểm là loại hình du lịch ưa thích dịch chuyển, với quãng đường dài qua nhiều quốc gia, việc thu hút số lượng khách tiềm năng này là một mục tiêu không hề xa vời với ngành du lịch Việt Nam.

Backpacker, hay theo quan niệm ở Việt Nam trước đây thường được gọi là du lịch Tây balô hay dân du lịch bụi, và chỉ những người có mức sống trung bình thấp mới lựa chọn hình thức du lịch này. Tuy nhiên, những quan niệm mới đã được xây dựng, hé mở những tiềm năng to lớn của thị trường này chưa được khai thác.

Du lịch Backpacker có đặc điểm như: Chi phí mỗi ngày không quá 15$, sử dụng phương tiện vận chuyển thông dụng tại địa phương, không sử dụng nhiều các dịch vụ chất lượng cao và tránh xa các chỗ đông người, hướng đến khám phá các vùng đất mới.

Theo nghiên cứu của giáo sư Mark Hampton (University of Kent), 70-80% khách du lịch backpacker thuộc độ tuổi 20-29 tuổi, độ tuổi có nhu cầu tiêu dùng cao, trong đó, 20% là sinh viên và 40% là người có trình độ học vấn đại học trở lên.

Hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng khách du lịch thuộc hình thức du lịch Backpacker. Theo số liệu không chính thức của chính phủ Australia, khoảng 10% lượng người đi du lịch hàng năm thuộc nhóm đối tượng này.

Đông Nam Á là một trong các cung đường ưa thích của các Backpacker. Cung đường quen thuộc, đã được biết đến và phát triển từ thập niên 80 của thế kỉ 20 là Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Việt Nam nằm trên cung đường mới với tam giác Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Thái Lan, số lượng khách du lịch theo hình thức Backpacker tại Đông Nam Á hằng năm đạt 1 triệu lượt khách. Với đặc điểm là loại hình du lịch ưa thích dịch chuyển, với quãng đường dài qua nhiều quốc gia, việc thu hút số lượng khách tiềm năng này là một mục tiêu không hề xa vời với ngành du lịch Việt Nam.

Có thể kể đến các điểm thuận lợi khi đầu tư vào mảng du lịch Backpacker như: đối với các doanh nghiệp, số vốn đầu tư yêu cầu không lớn, không nhất thiết phải đầu tư trang thiết bị cao cấp, nhà hàng khách sạn không cần sang trọng, có thể tận dụng tối đa được các nguồn lực sẵn có từ địa phương, mà lợi ích mang lại không hề nhỏ.

Đối với nền kinh tế như Việt Nam, do đặc điểm hướng đến tiêu dùng mặt hàng của dân cư tại địa phương, một khách du lịch backpacker chi tiêu cho một chuyến đi khoảng 2.200 USD so với khách du lịch thông thường là 1.800 USD – 1.470 USD (Theo Greg Richards and Julie Wilson).

Thu nhập này phần lớn sẽ chi trả cho các dịch vụ và người dân địa phương sẽ được hưởng phần lớn nguồn thu nhập này, mà không phải là các nhà hàng, khách sạn sang trọng có vốn đầu tư nước ngoài, các khu nghỉ dưỡng cao cấp sở hữu bởi các cá nhân, tập đoàn nước ngoài.

Nhu cầu của khách du lịch Backpacker hướng đến những sản phẩm mang đặc điểm bản địa, trải nghiệm các dịch vụ và sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Thay bằng hướng đến những khu nghỉ dưỡng cao cấp, những khách sạn với vốn đầu tư nước ngoài, backpacker hướng đến sử dụng dịch vụ bình dân, đậm chất địa phương. Thay bằng tiêu thụ những mặt hàng xa xỉ, những nguyên liệu phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu cao cấp như thực phẩm, rượu, thuốc lá, xì gà, backpacker hướng đến tiêu thụ các mặt hàng tại địa phương.

Thời gian lưu trú của backpacker lâu hơn từ 3-5 lần so với khách du lịch bình thường, như backpacker tại Malaysia lưu trú 27.9 đêm so với mức của khách du lịch trung bình 8.6 đêm (Bộ du lịch Malaysia, 2007). Tại Việt Nam, thời gian lưu trú của backpacker trung bình 37.1 đêm, cao hơn Malaysia và cả Thái Lan là 33.5 đêm (Dr.Mark Hampton, Kent University). Đây hứa hẹn sẽ là mảng đầu tư tiềm năng cho các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn mô hình vừa và nhỏ.

Điểm mấu chốt là ở chỗ các doanh nghiệp và khách sạn tại Việt Nam đã quen với khái niệm phục vụ khách du lịch nước ngoài phải đạt các tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên, với những dịch vụ cao cấp và phục vụ tốt nhất.

Mảng du lịch Backpacker đang bị bỏ ngỏ và được rất ít các công ty quan tâm và phát triển. Các chương trình tour được các công ty sắp xếp chủ yếu dựa trên nhu cầu du lịch của du khách tại các điểm du lịch tại chỗ, tại vùng và miền, chưa khai thác được toàn tuyến mở rộng Lào – Campuchia –Việt Nam, chưa có sự kết nối giữa các dịch vụ trong ngành, cùng ngành nhưng ở nhiều quốc gia.

Lonely Planet, trang mạng du lịch nổi tiếng cho Backpacker, nhà xuất bản của các ấn phẩm du lịch được coi là “Kinh thánh” cho dân du lịch Backpacker đã nắm bắt được điều này và cung cấp các gói tour với thời gian hơn 30 ngày với chi phí 3.000 - 4.000 USD cho một khách. Backpacker hostel, chuỗi khách sạn giá rẻ đang được mở ra tại các điểm du lịch thu hút khách như ở Hà Nội, Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Huế, Hội An v...v...

Tuy nhiên, vậy thôi là chưa đủ, các dịch vụ phụ trợ tại Việt Nam hướng đến nhóm du khách này như: khách sạn giá rẻ, phương tiện, hỗ trợ đồ nghề và thông tin v...v... vẫn còn rất hạn chế. Tuy không cần đầu tư sang trọng và cao cấp, nhưng mảng du lịch Backpacker yêu cầu độc đáo, kích thích sự khám phá, đậm đà bản sắc văn hóa của địa phương, cho nên yếu tố sáng tạo, táo bạo và am hiểu tường tận văn hóa địa là các tố chất quan trọng của những người muốn khai thác mảng du lịch này. Bên cạnh đó, việc vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển du lịch gắn liên với văn hóa từng địa phương cũng cần phải được chú trọng hơn. Có gắn du lịch với văn hóa, và gắn bảo tồn văn hóa với du lịch thì mới có sự phát triển bền vững. Muốn bảo tồn văn hóa cần sự chung tay của người dân, người dân sẽ thấy gắn bó hơn với văn hóa khi họ nhìn thấy được lợi ích thiết thực của việc gìn giữ được bản sắc của mình từ các nguồn thu từ du lịch.

Việt Nam là một vùng đất mới được khám phá với các Backpacker. Thiên nhiên kì thú còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, Vịnh Hạ Long là thương hiệu chưa bao giờ là cũ, điểm thêm với vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với hệ thống hang động hùng vĩ, vùng cao nguyên và núi non phía Bắc, dẻo đất đầy nắng, gió và cát của duyên hải nam Trung Bộ v...v... hứa hẹn đầy tiềm năng phát triển du lịch theo hướng Backpacker.

Đào Tùng

Cùng chuyên mục
XEM