Các thương hiệu xa xỉ đổi “gu”: Lần đầu tiên mở nhiều cửa hàng tại châu Á - Thái Bình Dương hơn châu Âu

12/12/2020 08:01 AM | Kinh doanh

Đồng thời, Việt Nam cũng được đánh giá là một thị trường tiềm năng, với nhu cầu nội địa khá ổn định trong đại dịch.

Dịch Covid-19 không chỉ khiến thị trường xa xỉ toàn cầu có khả năng sụt giảm đến 45% mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch mở cửa hàng cao cấp trong nửa đầu năm 2020. Nhiều thương hiệu đã phải điều chỉnh lại chiến lược đầu tư bán lẻ của mình.

Tuy nhiên, Quý III/2020 đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ về số lượng cửa hàng vật lý, đặc biệt tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Các thương hiệu xa xỉ đổi “gu”

Năm 2020, các nhà bán lẻ đang hướng sự quan tâm sang các thị trường châu Á - Thái Bình Dương thay vì châu Âu, châu Mỹ - nơi diễn biến đại dịch Covid1 còn rất phức tạp.

Theo dữ liệu của Savills, trong khoảng tháng 1-10/2020, châu Á - Thái Bình Dương chiếm 38,9% tổng thị phần toàn cầu trong hoạt động khai trương các cửa hàng cao cấp, cao hơn mức 31,8% của năm ngoái. Đây là cột mốc đánh dấu lần đầu tiên thị trường này vượt mặt châu Âu.

Savills cho biết sự dịch chuyển về mặt địa lý này đã diễn ra trong 3 năm qua, nhưng đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh thị trường bán lẻ châu Á - Thái Bình Dương phục hồi tích cực sau thời gian phong tỏa.

Các thương hiệu xa xỉ đổi “gu”: Lần đầu tiên mở nhiều cửa hàng tại châu Á - Thái Bình Dương hơn châu Âu - Ảnh 1.

Tỷ lệ mở các cửa hàng mới theo từng khu vực thị trường. Nguồn: Bộ phân Nghiên cứu Savills

Ông Anthony Selwyn, Trưởng Bộ phận Cao cấp về Bán lẻ Toàn cầu của Savills cho biết: “Trong nhiều năm, thị trường Châu Á - Thái Bình Dương đóng góp rất quan trọng vào hoạt động kinh doanh toàn cầu của các nhãn hàng cao cấp. Hiện nay, đây là khu vực cho thấy sự phục hồi tích cực sau Covid-19, thúc đẩy sự mở rộng và đầu tư nhiều hơn.”

Trong đó, cái tên nổi bật nhất chính phải kể đến Trung Quốc. Dù là quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng của Covid-19 nhưng Trung Quốc đã phục hồi rất nhanh sau đó. Du lịch nội địa cũng như nhu cầu về hàng hóa xa xỉ đều nhanh chóng tăng trở lại.

Đơn cử, nhãn hàng Hermes báo cáo doanh thu kỉ lục lên đến 2,7 triệu USD tại Quảng Châu trong ngày mở cửa trở lại. Tương tự, Canada Goose gia tăng hiện diện của hãng tại Trung Quốc Đại lục với một cửa hàng mới ở Thành Đô đạt kết quả hoạt động “ngoài mong đợi” và thêm ba cửa hàng mở mới trong năm nay.

Việt Nam: Nhu cầu không giảm nhiều

Savills Việt Nam nhận định thị trường bán lẻ đồ xa xỉ nội địa vẫn khá ổn định, không sụt giảm quá nhiều dù gần như không đón khách du lịch quốc tế.

Đồng thời, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng nhanh chóng và đang ở giai đoạn thay đổi quyết định, với GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD, cho thấy tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng nội địa là rất lớn. Đây cũng là tín hiệu cho thấy nhu cầu về bất động sản sẽ ngày càng lớn và giá bất động sản tiếp tục tăng.

Xét về bình diện mặt bằng bán lẻ, các nhà bán lẻ vẫn giữ nhu cầu lớn đối với các mặt bằng cao cấp, tại các vị trí đắc địa. Điển hình như mới đây, hai thương hiệu xa xỉ là Louis Vuitton và Christian Dior đã khai trương cửa hàng flagship tại Hà Nội. Song, đi kèm với đó là áp lực về giá thuê ngày càng tăng.

Savills Việt Nam đánh giá năm 2020 đang và sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách đối với lĩnh vực bán lẻ. Trong khi doanh số ở một số lĩnh vực kinh doanh có thể tăng cao, những khu vực khác sẽ giảm đáng kể, vẫn có các nhà bán lẻ xem xét khả năng đóng cửa tại các địa điểm ít sinh lời.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM