BXH trường Đại học: Vì sao ĐH Ngoại Thương chỉ đứng thứ 23, ĐH Kinh tế quốc dân 30?
Chiều 6/9, nhóm 6 chuyên gia đến từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã công bố bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam năm học 2016-2017. Trong BXH 49 ĐH top đầu Việt Nam, các trường thuộc khối kinh tế có đầu vào và đầu ra khá cao lại đứng cận kề cuối bảng.
Đơn cử như trường Đại học Ngoại Thương có uy tín nhiều chục năm và vốn nổi tiếng là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều học sinh giỏi lại có xếp hạng trung bình ở vị trí thứ 23. ĐH Kinh tế quốc dân nổi tiếng vốn là cái nôi của nhiều CEO giỏi chỉ khiêm tốn ở vị trí 30. ĐH Thương mại xếp thứ 29, Học viện Tài chính gần áp chót.
Tuy nhiên, những trường ĐH tuổi đời còn rất trẻ như Trường ĐH Tôn Đức Thắng đứng thứ 2, Trường ĐH Duy Tân ít người biết đến đứng thứ 9. Vị trí của các trường ĐH trong bảng xếp hạng gây nhiều ngạc nhiên và nhận nhiều tranh cãi từ dư luận.
Xét cho cùng, đào tạo là để làm được việc
Nguyễn Thịnh Yên, sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội cho rằng, nhìn bảng xếp hạng đã thấy các tiêu chí hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Đơn cử như mục tiêu của giáo dục Đại học là đào tạo ra lực lượng lao động cho xã hội mà không thấy có các tiêu chí như tỷ lệ % sinh viên ra trường tìm được việc làm hoặc thu nhập trung bình của sinh viên sau khi ra trường.
Kết quả bảng xếp hạng được nghiên cứu trong 3 năm của một nhóm 6 chuyên gia trong và ngoài nước. (Nguồn ảnh: Vietnamnet).
Giả sử cho các điều kiện này vào thì kết quả sẽ khác. Trường ĐH Ngoại thương có xếp thứ 23, ĐH Kinh tế quốc dân có nằm ở top cuối?
Hạnh Nguyễn – sinh viên một trường đại học phía Nam tỏ ra khá đồng tình với kết quả ĐH Tôn Đức Thắng đứng vị trí thứ 2. Hạnh cho biết, trường Tôn Đức Thắng tự chủ tài chính, có những công trình nghiêng cứu hẳn hoi, được cấp bằng sáng chế. Trường được xây dựng theo hướng hiện đại trong quy hoạch dù còn trẻ. Lãnh đạo trẻ nên hướng đi của trường sẽ có khác biệt rõ rệt và vượt trội hơn là điều dễ hiểu.
Đồng tình với quá trình nghiên cứu của các chuyên gia, một giáo viên cho biết, các trường ĐH hơn nhau ở việc thực hiện nghiên cứu khoa học – đúng theo chuẩn đánh giá của quốc tế. Theo giảng viên này, chức năng nhiệm vụ chính của đại học, học viện là nghiên cứu khoa học, không hẳn là chức năng đào tạo. Việt Nam phần lớn chỉ có đào tạo không nghiên cứu nên mới tụt hậu về ngành giáo dục.
Phản đối ý kiến trên, cô Ngân, giảng viên một trường ĐH Hà Nội cho rằng, xét cho cùng, đào tạo là để làm được việc. Trong khi tiêu chí đánh giá quan trọng nhất là “đầu ra” – nghĩa là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm lại không nằm trong tiêu chí xếp hạng thì nghiên cứu chưa đúng lắm.
Theo giảng viên này, nên đánh giá các trường phải dựa trên cả 2 phía cung và cầu nhân lực. Trong khi tiêu chí đánh giá của BXH trên mới chỉ dựa trên cung nhân lực.
Cầu nhân lực là đầu ra của sinh viên, tỷ lệ sinh viên có việc làm, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp... Thực tế cho thấy, điều kiện tuyển dụng nhân sự của 4 Ngân hàng top đầu Việt Nam lại thường là sinh viên tại các trường xếp cuối bảng xếp hạng trên như ĐH Ngoại Thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương Mại…
Bảng xếp hạng 49 trường ĐH ở Việt Nam do một nhóm chuyên gia mới công bố gây ngạc nhiên khi nhiều đại học trẻ "lên ngôi" trong khi các trường khối kinh tế nổi tiếng nằm ở vị trí khá thấp.
Những nghi ngại đặt ra
Dù kết quả bảng xếp hạng các trường gây nhiều tranh cãi. Song phải bàn đến tiêu chí, dữ liệu trong quá trình nghiên cứu. Thực tế, nhóm chuyên gia tiến hành nghiên cứu trên 100 trường nhưng BXH chỉ có 49 trường thu thập đủ thông tin dữ liệu.
1. Phương pháp và cách xử lý có khách quan?
Tại buổi tọa đàm công bố BXH trên, TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) cho rằng, nếu phương pháp và cách xử lý không khách quan và đúng đắn thì không phản ánh năng lực thực sự của các trường ngay cả trên phương diện nhóm đo lường.
Vấn đề của bảng xếp hạng nằm ở dữ liệu mà nhóm sử dụng. Nếu xây dựng bản báo cáo xếp hạng dựa trên số liệu không đáng tin cậy thì tất nhiên kết quả không đáng tin cậy. Kết quả không đáng tin cậy sẽ góp thêm vào bức tranh đang tốt xấu lẫn lộn, có thể những người làm không tốt nhưng bằng cách nào đó họ có được số liệu tốt và trở thành hàng đầu.
2. Bốn vấn đề của dữ liệu?
TS. Tạ Hải Tùng (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng nêu ra những "lo ngại" về chất lượng dữ liệu mà nhóm tác giả sử dụng để xây dựng bảng xếp hạng. Theo TS, dữ liệu mà nhóm sử dụng có rất nhiều điểm cần phải lưu ý:
- Về tiêu chí cơ sở vật chất và quản trị: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không lọt vào top 20, trong khi bằng mắt thường cũng biết khuôn viên, thư viện của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hơn rất nhiều các trường trong bảng xếp hạng này.
- Về quy mô: Việc các tác giả tính toán chất lượng giảng dạy dựa trên số lượng giảng viên/sinh viên thì có tính số sinh viên học tại chức không và có tính số sinh viên học trong các trạm miền Nam không.
- Về số bài báo trên giảng viên: Như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 2.300 cán bộ, trong đó có khoảng 700 cán bộ phục vụ giảng dạy và phòng thí nghiệm. Vì vậy, nếu chia số bài báo cho 700 cán bộ này thì không đúng vì họ không thể công bố quốc tế được.
- Về mức độ cập nhật: Sau khi giới thiệu, nhóm có gửi cho các trường để kiểm tra lại không? Và khả năng có trường không quan tâm và chưa cập nhật số liệu đầy đủ?
Trao đổi về "chất lượng dữ liệu" của báo cáo, TS. Lưu Quang Hưng cũng đã thừa nhận, đây là một khó khăn lớn của nhóm nghiên cứu. Khó khăn đầu tiên chính là hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam có nhiều phần khác với thông lệ chung của thế giới. Khó khăn thứ hai chính là về sự minh bạch của dữ liệu - cho dù có số liệu nhưng lại 3 không: Không thống nhất, không đáng tin cậy và không cập nhật.
Mục đích đưa ra kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả là để Chính phủ, phụ huynh, học sinh tham khảo cũng như các trường nhìn lại chính mình. Song đại diện nhóm nghiên cứu –TS. Lưu Quang Hưng cũng thừa nhận: “Thứ hạng này không đồng nghĩa với chất lượng giảng dạy cũng như chất lượng sinh viên".
Bảng xếp hạng các trường ĐH ở Việt Nam được thực hiện trong gần 3 năm mà theo nhóm tác giả là không có tài trợ, khách quan và không liên quan tới lợi ích nhóm.
Nghiên cứu được tập hợp số liệu từ hơn 100 trường đại học, sau đó tiến hành xếp loại 49 cơ sở giáo dục đại học có số liệu đầy đủ nhất.
Trong đó, 49 cơ sở giáo dục đại học gồm 5 đại học cấp quốc gia và cấp vùng, 5 học viện, 39 trường đại học công lập và tư thục.