Sinh viên ngoại thương chúng tôi ra trường cũng phải 'cày bục mặt', đừng nói cứ FTU là sang, chảnh!

15/12/2016 14:54 PM | Xã hội

Đây là chia sẻ của Ngọc Bích - một bạn sinh viên học năm cuối Đại học Ngoại thương (FTU) sau khi đọc câu chuyện “Bọn em học Ngoại Thương – trường Top 1 của Việt Nam ra cơ mà, sao đi thực tập lại phải làm việc nhỏ nhặt này?”

Ngọc Bích cho rằng, nếu nói sinh viên FTU “sang, chảnh” thì cũng có lý, nhưng thực tế, không nên đánh đồng tất cả sinh viên của trường đều như vậy.

Bản thân Bích là sinh viên trong ngôi trường này gần 4 năm nay, nhưng chưa lần nào Bích và nhóm bạn lại có quan điểm “chê việc” khi thực tập.

Học chuyên ngành về du lịch, nhưng có sở thích kinh doanh, năm thứ 4 thực tập, Bích xin chạy bồi bàn, lương thử việc 2 triệu đồng/tháng. Theo nữ sinh này, đây là chuyện quá đỗi bình thường với sinh viên Ngoại thương.

Phải giấu nhẹm mác sinh viên Ngoại thương để đi làm thêm, thực tập

“Người khác thì mình không biết, nhưng với mình, và nhóm bạn cùng lớp, bọn mình rất trân trọng dù những công việc nhỏ khác.

Tại sao mọi người lại lấy một bộ phận nhỏ để đánh đồng toàn bộ sinh viên FTU? Tôi cũng phải bắt xe buýt đi học, ăn mì tôm, đi dạy thêm và cũng khao khát có một công việc ổn định sau khi ra trường”, Khánh Linh, một cựu sinh viên Ngoại thương chia sẻ.

Cô bạn này cho biết, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Linh cũng đi làm thêm 3 triệu đồng/tháng, kèm dạy gia sư… Thế nhưng, định kiến sinh viên Ngoại thương “sang chảnh” thường từ chính những sinh viên trường ngoài.

Năm thứ 3 đại học, mình đi làm bồi bàn cho một nhà hàng ở Hoàn Kiếm. Nhân viên hầu hết là sinh viên từ các trường đại học ở Hà Nội. Một bạn sinh viên trường Công nghiệp hỏi mình: “Cậu là sinh viên Ngoại thương, sao phải đi làm thêm ở chỗ này?”. Một số bạn khác thì nhìn mình với ánh mắt e ngại, như thể mình là “phần tử đặc biệt” lạc đàn của sinh viên Ngoại thương.

Các bạn ấy nói rằng, sinh viên Ngoại thương thì phải đi làm thêm ở những tập đoàn lớn, công ty nước ngoài..., kém nhất cũng là đi gia sư, chứ chẳng nghĩ sẽ đi làm bồi bàn hay bán quần áo. Có cô bạn phải giấu nhẹm bằng Ngoại thương để đi xin việc.

“Nghe các bạn nói, mình buồn mất mấy ngày. Mình và nhóm bạn trong lớp rất chia sẻ về điều này và thực sự trân trọng công việc, dù là nhỏ nhất. Bọn mình cũng cho rằng, không làm việc nhỏ thì làm sao biết được việc lớn.

Thậm chí, những anh chị khóa trên, những người thành đạt là giám đốc công ty kia, tập đoàn nọ cũng nhắc nhở bọn mình cần phải chăm chì, làm từ những việc vụn vặt mới có kinh nghiệm, nền tảng cho sau này. Vì thế, xin các bạn đừng nhìn sinh viên Ngoại thương đi làm bồi bàn với ánh mắt kinh ngạc như thế!”, Khánh Linh chia sẻ.

Sinh viên ngoại thương chúng tôi ra trường cũng phải cày bục mặt, đừng nói cứ FTU là sang, chảnh! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chúng tôi ra trường cũng phải "cày bục mặt"

Quan niệm về sinh viên Ngoại thương là phải đi làm những chỗ sang trọng, ăn mặc đẹp, nước hoa thơm phưng phức, tiếng Anh chém như máy, gặp các đối tác nước ngoài vô cùng lịch lãm....

Những hình ảnh này chỉ có trong mơ.

Thực tế, 60% các bạn lớp Nguyễn Hồng Phong (sinh viên Ngoại thương khóa 2011-2015) sau khi ra trường đều phải đi làm rất cực. Vạch xuất phát của các bạn cũng như sinh viên các trường khác. Nên cũng không nên quan niệm đầu vào cao mà đầu ra cũng cao.

Theo Phong, sở dĩ định kiến sinh viên Ngoại thương “kiêu” cũng có lý. Bởi câu chuyện một sinh viên của trường bỏ việc chê lương thấp và chỉ nhắn tin thông báo cho giám đốc ngay sau tháng lương đầu tiên làm việc cũng từng làm râm ran dư luận.

Rồi cho đến câu chuyện về mẩu quảng cáo tuyển dụng ngắn của một công ty xuất nhập khẩu trên phố Đội Cấn (Hà Nội) với chú thích: “"Lưu ý: Do một số yếu tố, chúng tôi không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp Đại học Ngoại thương".

Hay tuyên bố của một bạn sinh viên Ngoại thương không nhận việc dưới 1.000 USD/tháng để đáp trả thông thông tin tuyển dụng của một công ty với mức lương thử việc gần 4 triệu đồng… cũng là “cái gai trong mắt” của các nhà tuyển dụng.

“Tuy nhiên, đấy là số rất ít, những con sâu làm rầu nồi canh. Vì lẽ đó, các anh chị khóa trên đừng khiến sinh viên thế hệ sau phải gánh chịu hậu quả!”, Phong chia sẻ.

Thực tế, chúng tôi cũng như các sinh viên trường khác, phải học hỏi từ những việc nhỏ nhất và chúng tôi rất trân trọng công việc dù là tạp vụ. Nhưng để làm được việc ấy, không ít trường hợp phải giấu nhẹm cái mác “Sinh viên Ngoại thương” để nhận được cái gật đầu từ chủ cửa hàng hay một ông giám đốc công ty.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, sinh viên Ngoại thương được tiếng “giỏi, chảnh” cũng vì có căn nguyên của nó.

Dù có chế bai thế nào nhưng sinh viên FTU cũng tự hào khi cũng có một số lợi thế khi ra trường.

Thứ nhất, về ngoại ngữ: Có lẽ trừ những trường đào tạo chuyên về ngoại ngữ ra thì trường Ngoại thương có thể là dẫn đầu trong khối các trường kinh tế.

Thứ hai, về chuyên môn: Trường Ngoại thương được đào tạo chuyên sâu về các hoạt động ngoại thương và dĩ nhiên ở mảng này, các bạn ấy có lẽ cũng là mạnh nhất. Các kiến thức về "kinh tế vĩ mô" hay tài chính tiền tệ cũng đã nắm được khá cơ bản.

Thứ ba, về kỹ năng mềm: Sinh viên Ngoại thương được đánh giá khá năng động và thường có khả năng làm lãnh đạo nhóm. Bên cạnh đó là máu liều và khả năng tư duy vượt rào cao. Bởi tại ngôi trường này, các bạn luôn được nuôi dưỡng một ý chí rất tự lập, tự tin cao nên cứ lớp người này thúc lớp người kia, đó là văn hóa đẹp ở FTU.

Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM