Cứ gì phải sang Nhật hay Mỹ, ở FTU xếp hàng đã là văn hoá từ lâu, chẳng ai muốn biến mình thành "chú cừu đen" lạc loài cả

22/03/2017 16:16 PM | Sống

“Đến sau thì phải chịu lên sau, đến trước mới được ưu tiên lên trước. Mình không thấu hiểu cho người khác thì sao có thể bắt người khác phải thấu hiểu cho mình?”, sinh viên FTU luôn nghiêm chỉnh thực hiện văn hoá xếp hàng dù chẳng ai bảo ai.

Cách đây 2 năm, hàng loạt trang mạng nước ta chia sẻ hình ảnh một chàng trai Tây đứng xếp hàng một mình, trong khi cả tá bạn trẻ Việt lại nhao lên phía trước giành mua đồ. Ứng xử đáng xấu hổ đó khiến không ít lần dư luận phải đặt câu hỏi: “Văn hóa xếp hàng ở Việt Nam thật sự vô phương cứu chữa rồi sao?”.

Nếu đi qua đường Cầu Giấy đúng vào dịp có một cửa hàng quần áo đang giảm giá đến 50%, bạn sẽ “được” chứng kiến một cảnh tượng không dành cho người yếu tim. Khách đi đường sẽ quẹo gấp không báo hiệu, phi ngay xe máy lên vỉa hè, tranh nhau vào cửa tiệm mua hàng bằng được thì thôi.

Họ chen lấn, cấu xé, vừa lôi vừa đẩy nhau… làm mọi cách để vào được gian hàng giảm giá. Tình trạng ấy diễn ra suốt vài giờ đồng hồ và chỉ kết thúc khi lực lượng chức năng vào cuộc.

Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ khiến ta phải ngao ngán trước cách ứng xử thiếu văn hóa của người Việt. Đến đứa trẻ còn được dạy cách xếp hàng ngay từ ngày đầu tới lớp, thế mà người trưởng thành lại có thể hành động không chút xấu hổ như vậy. Có lẽ vào thời điểm đó, người trong cuộc chẳng còn suy nghĩ được gì, họ chỉ đơn giản muốn thỏa mãn mục đích của mình: Tôi phải mua chiếc đầm đó bằng được, tôi trễ giờ rồi, tôi phải bằng mọi giá vào thang máy ngay lúc này… Suy nghĩ và thái độ ích kỷ sẽ dẫn đến hành động ích kỷ.

Văn hóa xếp hàng ở Việt Nam luôn bị so sánh với văn hóa xếp hàng của người Nhật, hay của những nước văn minh tiên tiến như Singapore, Hoa Kỳ. Nhưng xin đừng so sánh ở đâu xa xôi, hãy nhìn cách sinh viên Ngoại thương xây dựng văn hóa xếp hàng ở chính ngôi trường của họ để học hỏi.

Nề nếp xây dựng từ ý thức, văn hóa xây dựng từ thói quen

Ngày ngày trước mỗi ca học, sảnh nhà A, dãy nhà 12 tầng của trường Đại học Ngoại thương luôn đông nghịt sinh viên đứng đợi thang máy. Có 4 thang máy, mỗi thang máy chứa được khoảng 10 người nên mỗi lượt sẽ chỉ phục vụ được 40 sinh viên, trong khi cả trường có xấp xỉ 10.000 sinh viên. Vậy tại sao, tất cả mọi người vẫn kiên nhẫn chờ đợi?

Văn hóa xếp hàng ở Ngoại thương hình thành từ lâu có lẽ bởi sinh viên trong trường đã được “rèn luyện” trong tất cả mọi hoạt động thường ngày. Không chỉ việc xếp hàng đứng chờ thang máy, sinh viên FTU đã quá quen với việc phải xếp hàng ngay ngắn để được check-in vào tham dự những hội thảo, sự kiện lớn được tổ chức bởi các câu lạc bộ, tổ chức trong trường.

Văn hóa được xây dựng từ ý thức, ý thức được xây dựng qua môi trường học tập và sinh hoạt. Một sinh viên Ngoại thương chia sẻ: “Kể từ khi bước vào năm nhất, em không chỉ thực hiện quy củ nề nếp nhà trường mà học hỏi từ các anh chị, thầy cô để đưa những nét đẹp ấy ra bên ngoài.”

Văn hoá xếp hàng còn được chính giảng viên và cán bộ nhân viên trong trường thực hiện nghiêm túc, đó cũng là những ví dụ tốt để sinh viên trong trường làm theo. Trong một đám đông có kỷ luật như thế, ai lại tự biến mình thành “chú cừu đen" lạc loài chen lấn xô đẩy?

Vậy là không ai bảo ai, không than vãn, không bực bội, các sinh viên Ngoại thương đều cùng chung một suy nghĩ: “Đến sau thì phải chịu lên sau, đến trước mới được ưu tiên lên trước. Mình không thấu hiểu cho người khác thì sao có thể bắt người khác phải thấu hiểu cho mình?”.

Nếu đến muộn không kịp giờ học, các bạn đều tự nguyện leo thang bộ, dù mệt vẫn không than thở, trách móc gì. Việc xếp hàng chờ thang máy được hình thành quy củ ngay từ những ngày đầu tòa nhà được xây dựng và đã trở thành nếp cư xử in dấu trong tâm trí mọi “con dân” FTU.


Cảnh check-in vào hội thảo ở Ngoại thương

Cảnh check-in vào hội thảo ở Ngoại thương

Một bạn sinh viên Ngoại thương chia sẻ: “Dạo trước, mình nhớ có một lần đi mua hàng tại siêu thị, lúc ấy quầy thanh toán dù rất rất đông, nhân viên thu ngân phải làm việc hết công suất nhưng mọi người vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt. Mình nghĩ khi mọi người có ý thức xếp hàng, những người xung quanh sẽ nhìn vào đó để học tập, tạo nên một tâm lý đám đông là tất cả phải đợi đến lượt của mình, không nên vì lý do cá nhân mà chen hàng, gây khó khăn cho người xung quanh”.

Văn hóa xếp hàng đã dạy cho sinh viên học bài học về tính kiên nhẫn và tôn trọng người khác. Chúng ta đều phải thấu hiểu cho hoàn cảnh của nhau, nếu bạn gấp gáp thì chắc chắn cũng có những cá nhân gấp gáp không kém bạn. Khi mỗi người đều có ý thức văn minh thì sẽ tạo ra nhiều thói quen tốt, hình thành nên một tập thể có văn hóa và tích cực.

Không chỉ riêng Đại học Ngoại thương, vẫn còn rất nhiều nơi ở Việt Nam đang xây dựng những nếp văn hóa tốt đẹp kể từ những việc nhỏ nhất. Hãy trân trọng ngay những minh chứng gần gũi này thay vì suốt ngày so sánh xa xôi!

Trang Ps Spiderum

Cùng chuyên mục
XEM