Bài toán nhân sự ngành F&B: "Nhiều bạn trẻ mở quán cà phê, nhưng lại muốn thể hiện cái tôi trong đó"

27/07/2023 15:58 PM | Kinh doanh

"Chất lượng nhân sự trong ngành F&B khá thấp. Đây là một ngành dịch vụ, phải xác định mình là người làm dịch vụ, nhưng thực sự nhiều bạn trẻ không nghĩ đến điều đó", chị Nguyễn Kim Thanh Lam - CEO của một agency marketing ngành F&B nêu quan điểm.

Bài toán nhân sự ngành F&B: "Nhiều bạn trẻ mở quán cà phê, nhưng lại muốn thể hiện cái tôi trong đó" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Perfectdailygrind.

Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 của iPOS, ngành F&B vẫn tăng trưởng đều đặn bất chấp tác động của Covid-19. Năm 2022, quy mô doanh thu ngành đạt gần 610.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021, đồng nghĩa với việc không những lấy lại được mức tăng trưởng mà còn vượt bậc so với giai đoạn trước Covid-19.

"Mặc dù kinh tế năm 2023 được dự báo nhiều khó khăn, theo Euromonitor, giá trị thị trường năm 2023 dự kiến tăng 18% so với 2022”, báo cáo của iPOS có đoạn.

Tuy nhiên, iPOS cũng chỉ ra những trở ngại nhất định đối với ngành F&B, nổi bật là vấn đề nhân sự. Theo khảo sát của iPOS, 99,1% doanh nghiệp lo ngại về vấn đề nhân sự trong giai đoạn “bình thường mới”. Chỉ có 26/2.835 đơn vị tham gia khảo sát không nghĩ rằng có vấn đề này.

Trong series podcast Chapter0 của Rising Vietnam, chị Nguyễn Kim Thanh Lam, Founder & CEO của Carrot Solution – một agency về giải pháp marketing ngành F&B, cũng chia sẻ về vấn đề nhân sự trong ngành.

"Mở quán cà phê nhưng lại muốn thể hiện cái tôi trong đó"

Theo phản ánh của các chủ thương hiệu cũng như quan sát của tôi, chất lượng nhân sự trong ngành F&B khá thấp. Đây là một ngành dịch vụ, phải xác định mình là người làm dịch vụ, nhưng thực sự nhiều bạn trẻ không nghĩ đến điều đấy.

Giai đoạn khoảng 2 năm qua, một số bạn trẻ thấy ngành này là nơi để thể hiện cái chất, cái tôi của mình. Mở quán rượu, quán cà phê nhưng lại muốn chất của mình trong đó. Nhưng không, bạn là người làm dịch vụ, phải bán một cốc cà phê khiến khách thấy thích và tận hưởng. Đây không phải nơi tôn vinh bạn”, CEO Nguyễn Kim Thanh Lam nêu thực trạng.

Bài toán nhân sự ngành F&B: "Nhiều bạn trẻ mở quán cà phê, nhưng lại muốn thể hiện cái tôi trong đó" - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Kim Thanh Lam, Founder & CEO của agency Carrot Solution.

Chị tiếp tục phân tích rằng vấn đề nhân sự sẽ gây ảnh hưởng đến khâu vận hành, chất lượng dịch vụ, thậm chí đến chi phí. Thêm vào đó, một số chủ thương hiệu F&B chưa có tư duy về quản trị nhân sự, bởi chưa nhìn nhận thứ mình đang làm là một bài toán kinh doanh.

Do vậy, họ chưa tuyển dụng rõ ràng, không đưa ra cơ hội thăng tiến trong ngành cho nhân sự, mức lương hay chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lương tháng 13… không rõ ràng như các ngành nghề khác. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều bạn trẻ đi làm rồi ước mơ trở thành chủ thương hiệu F&B, thay vì gắn bó và coi đây là một nghề”, chị Lam cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia marketing F&B này cũng nhận thấy hiện nay đã có sự thay đổi tư duy trong cộng đồng chủ quán. Họ không còn đơn thuần là đam mê sản phẩm nên mở quán, mà nhìn nhận đấy là một bài toán kinh doanh.

"F&B là ngành thu tiền lẻ nhiều hơn các ngành khác"

Theo chị Lam, hai yếu tố quan trọng nhất để giữ được chân khách hàng trong ngành F&B là chất lượng đồ ăn/đồ uống và giá thành. Người làm phải hiểu rõ chân dung khách hàng của mình là ai, sẵn sàng chi bao nhiêu, đặt mức giá thế nào để họ còn quay lại với mình những lần sau.

Hiện có một thế hệ mới gia nhập thị trường, dù còn trẻ nhưng thu nhập tốt. Họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các trải nghiệm và đồ ăn chất lượng, cao cấp, đồng thời quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường, nguyên liệu sạch.

Về giá cả, những khách hàng này sẵn sàng chi 40.000 – 70.000 đồng cho một cốc cà phê, 500.000 đồng cho những bữa ăn quan trọng bên ngoài.

Đề cập đến khó khăn của người làm marketing trong ngành F&B, chị Lam chỉ ra một vấn đề là ngành này “thu tiền lẻ nhiều hơn các ngành khác”.

Chúng tôi không chỉ xây dựng thương hiệu mà còn phải chạy số. Các khách hàng ban đầu tìm đến chỉ đề nghị làm branding, nhưng về lâu dài họ vẫn quan tâm doanh số có tăng trưởng hay không.

Tôi nghĩ cái khó của người làm marketing F&B là vừa phải kể một câu chuyện thương hiệu thật hay, đúng giá trị lõi của thương hiệu, vừa giúp đẩy được số. Nhiều team nhảy vào ngành này rồi lại rời đi vì việc đẩy số trong ngành F&B không hề dễ dàng”, CEO của Carrot Solution chia sẻ.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM