"Yêu thương cần tàn nhẫn" - Triết lý giáo dục của một ngôi trường ở Hà Nội và câu chuyện xử lý trẻ không bỏ dép đúng nơi quy định

26/11/2020 11:08 AM | Sống

Chỉ ra "tàn nhẫn là "không một chút lòng thương" và không được đánh đập, xúc phạm, quát tháo trẻ", triết lý giáo dục của thầy hiệu trưởng trường Spring Hill (Trường Đồi), ở huyện Quốc Oai, Hà Nội nhận được nhiều sự đồng tình.

Giáo dục một đứa trẻ chưa bao giờ là dễ, sự kết hợp của nhà trường và gia đình rất quan trọng trong việc xây dựng tương một đứa trẻ. Bởi thế, quan điểm "yêu thương cần tàn nhẫn" của ngôi trường Spring Hill (Trường Đồi), ở huyện Quốc Oai, Hà Nội khá khác biệt so với số đông các môi trường giáo dục khác tại Việt Nam.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Quang chia sẻ những đứa nhỏ cũng cần có những luật lệ riêng và các giáo viên vừa phải mềm mỏng cũng lại vừa cứng rắn trong quan điểm giáo dục của trường. Bài viết của thầy đã nhanh chóng nhận được khá nhiều sự đồng tình vì đã chỉ cho các bậc phụ huynh thế nào là tàn nhẫn hay tàn nhẫn bao nhiêu là đủ trong cách dạy con...

"YÊU THƯƠNG trẻ thôi chưa bao giờ là đủ, cần có TÀN NHẪN đủ liều mới giáo dục được trẻ.

Mình kể các cha mẹ nghe chuyện thế này để thấy được vai trò của TÀN NHẪN trong giáo dục con trẻ, và YÊU THƯƠNG thôi chưa bao giờ là đủ để có thể giáo dục được trẻ nhé.

Nhưng trước khi kể mình phải thống nhất với các cha mẹ thế nào là tàn nhẫn. Tàn nhẫn được định nghĩa là: Không một chút lòng thương. Đơn giản vậy thôi. Làm gì cũng được miễn sao là phải "không một chút lòng thương" và không được đánh đập, xúc phạm, quát tháo trẻ, ngoài ra thì làm gì cũng được.

Ngược với thời xưa, ngày nay học sinh mầm non ở nhiều trường dân lập được YÊU THƯƠNG hơi quá nhiều nhưng lại thiếu yếu tố TÀN NHẪN. Và hầu hết các cha mẹ trẻ hiện nay đều có thừa yêu thương mà thiếu tàn nhẫn với con mình. Trường đồi là mô hình dung hòa cả yêu thương và tàn nhẫn. Kể cả ở trên đồi hay ở Ecopark hay ở Nam Từ Liêm hay bất kì ở nơi đâu sau này mở ra. Thầy cô đồi luôn luôn đề cao yếu tố tàn nhẫn trong giáo dục trẻ nhỏ.

Yêu thương cần tàn nhẫn -  Triết lý giáo dục của một ngôi trường ở Hà Nội và câu chuyện xử lý trẻ không bỏ dép đúng nơi quy định - Ảnh 1.

Có một bạn ở mới chuyển tới học, mặc dù các thầy cô đã dạy rất kĩ về các kĩ năng xếp giày dép và thực hành có sự chỉ bảo giám sát và giải thích đầy đủ và bằng tình yêu thương rồi. Bạn làm khá tốt khi có sự giám sát của giáo viên nhưng khi không có sự giám sát và đặc biệt là khi vội là bạn sẽ không tuân theo cách để giày dép đã được đào tạo.

Một lần sau khi tan giờ học ngoài trời về, bạn vội vàng vất dép ngoài cửa và chạy thẳng vào nhà để đi toilet. Nếu là một giáo viên chỉ thuần có yêu thương, thuần đồng cảm thì giáo viên sẽ nghĩ học sinh đang buồn tè quá nên sẽ nhặt giày dép cho con hoặc chờ cho con đi toilet xong mới gọi ra xếp dép lại. Nhưng theo kiểu giáo dục ở đồi là không chấp nhận cách làm đó, ngoại trừ học sinh có bệnh hay có vấn đề về tâm sinh lí thì có chương trình giáo dục riêng theo nhu cầu của gia đình.

Trong tình huống đó, người giáo viên phải nhẹ nhàng nhưng đủ cứng rắn để yêu cầu con ngừng lại, quay lại cất giày dép gọn gàng như đã được đào tạo thì mới được đi toilet. Nếu con không chịu làm và lí sự là đòi đi toilet xong mới làm thì giáo viên cương quyết yêu cầu con làm, không giải thích thêm. Nếu học sinh cương quyết không làm thì giáo viên sẽ đưa ra thông điệp nếu con không làm thì cô sẽ tịch thu đôi giày và ngày mai con sẽ phải đi chân đất đi học. Giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh và làm đúng như thế. Tới khi nào con xin lỗi thì mới được đi giày dép đi học. Đó là sự tàn nhẫn: Không một chút lòng thương. Không để lòng thương xen lẫn khi xử lý tình huống cần phải gạt bỏ lòng thương như thế này. Bởi một lần vi phạm kỉ luật thì nột lần học sinh đó mất cơ hội rèn luyện ý chí và một lần học sinh đó làm ảnh hưởng, làm phiền tới học sinh khác. Sống chung với nhau trong một tập thể thì phải tôn trọng kỉ luật của tập thể. Kỉ luật là sức mạnh.

Tuy nhiên người giáo viên cũng không được quên rằng sự tàn nhẫn luôn trên nền tảng yêu thương. Đó là khi ngay cả khi ta xử lí bằng sự tàn nhẫn như thế thì giáo viên cũng phải giữ giọng nói trung lập nhất, ánh mắt và miệng nói giao tiếp với học sinh cũng trung lập về cảm xúc. Không cáu gắt, không gào thét mà chỉ cao giọng và cứng giọng hơn một chút để đưa ra những yêu cầu và mệnh lệnh khi cần phải đưa ra. Khi học sinh hợp tác trở lại thì giáo viên thể hiện nét mặt giãn ra trở lại và cử chỉ nhẹ nhàng trở lại, ánh mắt yêu thương và lời khen ngợi động viên con và tèo chuyện về đôi giày dép của con, trò chuyện với con để kết thân trở lại với con. Gợi lại câu chuyện về lòng biết ơn đôi giày dép của con để con hiểu sâu hơn và có lí trí để thực hiện tốt hơn các kỉ luật của tập thể vào các lần sau.

Yêu thương cần tàn nhẫn -  Triết lý giáo dục của một ngôi trường ở Hà Nội và câu chuyện xử lý trẻ không bỏ dép đúng nơi quy định - Ảnh 2.

Yêu thương và Tàn nhẫn cần được áp dụng một cách linh hoạt và sáng tạo trong ứng xử với trẻ. Một người giáo viên giỏi là một người giáo viên có ấm có lạnh, có mềm có cứng, có yêu thương có tàn nhẫn xen lẫn nhau ở những liều lượng phù hợp.

Một người thầy giỏi là một người thầy được học trò yêu và nể phục. Người thầy mà chỉ có lòng yêu thương thôi không thì cực kì khó để giáo dục trẻ, nhất là trẻ con trong thời đại ngày nay. Nhớ là thầy cô giỏi là thầy cô được học sinh yêu thương và nể phục, chỉ có yêu thương thôi thì không phải là người thầy giỏi.

Thế nên nhiều cha mẹ mới đến đồi hoặc sang Ecopark xem cách các thầy cô vận hành trường lớp, nếu gặp phải các khoảnh khắc mà lúc đó thầy cô phải tỏ ra tàn nhẫn thì có thể nghĩ thầy cô đồi quân phiệt và ác độc. Nhưng hãy kiên trì ngắm cả 1 quá trình để hiểu rõ hơn. Ngắm một bức tranh chứ đừng chỉ biết nhìn vào 1 chi tiết. Hãy nhìn vào những đôi mắt của trẻ xem chúng đi học có vui không, có tự tin không, có nền nếp không, học hành vui chơi có hiệu quả không.

Thầy cô theo hệ thống đồi toàn chân đeo dép lê, quần áo thì thường phục, mặt mũi mộc mạc nhưng tình yêu trẻ luôn đầy ắp và sự tàn nhẫn thì cũng đủ liều để giáo dục trẻ."

V.D

Cùng chuyên mục
XEM