Ý nghĩa thực sự của việc nuôi lợn đối với khoa học
Không thể phủ nhận rằng lợn luôn đồng nghĩa với việc lười biếng và vô dụng. Nhưng trên thực tế, loài lợn giống như một kho báu sống của khoa học.
Dưới con mắt của các nhà khoa học, loài lợn được coi là một kho báu sống, bởi chúng không chỉ là nguồn thực phẩm của nhân loại mà chúng có thể được dùng làm nguyên liệu, mẫu, hay bộ phận nuôi cấy trong khoa học, thậm chí có cả những dự án khoa học lớn chỉ tập trung vào loài lợn để nghiên cứu.
Trong khoa học hiện đại, loài vật 4 chân này là một trong những động vật thí nghiệm lý tưởng và quan trọng nhất, nó đóng một vai trò quan trọng trong y học và các lĩnh vực khác. Và có một thực tế, trong tương lai, tất cả các bộ phận cơ thể người của chúng ta có thể phải "vay mượn" từ loài động vật vốn bị coi là vô dụng và lười biếng này.
Từ lâu, loài lợn đã bị gắn liền với nhiều điều tiêu cực vì vẻ ngoài của chúng. Chẳng hạn như ngu như lợn, béo như lợn, lười như lợn,... Nhưng thực tế, loài lợn không hề kém cỏi như mọi người vẫn nghĩ. Ngược lại, nó có rất nhiều điều đáng để khen ngợi. Ví dụ, lợn có khả năng học tập và ghi nhớ rất nhanh, chúng cũng có khả năng tương tự như loài chó - "không quên mũi". Cái mũi to và vụng về của chúng có thể đánh hơi được mùi ở độ sâu 1-2 mét dưới lòng đất. Bởi vậy chúng hoàn toàn có khả năng thực hiện công việc đánh hơi của loài nó như đánh hơi kiểm tra ma túy, tìm kiếm chứng cứ vật chất trong các vụ án,... Không chỉ vậy, chúng còn có khả năng nhận thức khá cao. Khi được huấn luyện một cách bài bản, chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ như đánh trống, bơi lội, xoay người tại chỗ và đẩy xe trong tư thế đứng thẳng theo hướng dẫn của con người.
Vì là một trong những loài vật nuôi đầu tiên được con người thuần hóa nên chúng không có nhiều cơ hội để thể hiện sự khéo léo của mình. Loài vật này luôn bị nhốt trong một cái chuồng hoặc khu nuôi nhốt chật hẹp cả ngày, và khi lớn lên, chúng sẽ bị giết thịt để làm thức ăn cho người. Phần lông có thể được dùng để làm bàn chải, mỡ lợn có thể sản xuất xà phòng, phân lợn có thể được dùng làm phân bón cho hoa màu,... Có thể nói, toàn bộ cơ thể của loài lợn đều có thể được dùng để cung cấp nguồn lợi cho con người.
Trong quá trình thuần hóa kéo dài hàng chục nghìn năm, loài lợn đã trở nên "rất giống" với con người. Các nhà khoa học cũng coi chúng là một loài động vật thí nghiệm lý tưởng. Đúng như tên gọi, "heo mô hình" được dùng để chỉ việc sử dụng những con lợn để xây dựng các mô hình mô phỏng bệnh tật của con người.
Những động vật mô hình cổ điển mà chúng ta thường dùng trong nghiên cứu khoa học là chuột, ruồi giấm và cá ngựa vằn. Tuy nhiên, do khoảng cách sinh học giữa con người và chúng khá xa nhau, bởi vậy
chúng không thể bắt chước hoàn toàn việc phát sinh bệnh tật cho con người. Nhưng lợn thì khác, chúng gần với người hơn, có cấu tạo giải phẫu và chức năng sinh lý gần với con người. Đặc biệt là ở hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, quá trình trao đổi chất,… rất giống nhau. Vì vậy, giá trị nghiên cứu khoa học của việc sử dụng lợn làm mô hình nghiên cứu là rất lớn.
Có thể sẽ rất nhiều người thắc mắc rằng lợn có thể phát triển lên tới vài trăm kg, và làm thế nào để có thể nghiên cứu những thân hình to lớn như vậy? Trên thực tế, những giống lợn được dùng làm mô hình nghiên cứu chỉ phát triển tới trọng lượng khoảng 30 kg khi trưởng thành. Chúng là những loài lợn có kích thước nhỏ, ổn định về mặt di truyền và dễ nuôi, dễ nghiên cứu.
Ngày nay, trong y học lâm sàng đã chiết xuất được malate dehydrogenase, thymosin peptide, myosin ... từ tim lợn. Ngoài ra còn có heparin chiết xuất từ gan lợn, esterase gan lợn, lecithin, v.v. Có thể loại thuốc bạn đang dùng có thành phần chiết xuất từ lợn.
Những con lợn được sử dụng để cung cấp vật liệu sinh học và sản phẩm sinh học còn được gọi là "lợn nguyên liệu." Ví dụ, da lợn được sử dụng để bảo vệ vết thương bỏng trong điều trị y tế, giác mạc và van tim lợn được sử dụng trong một số phẫu thuật. Thậm chí insulin được sản xuất bởi các tế bào lợn còn được dùng để giúp điều trị bệnh tiểu đường.
Điều bất ngờ hơn là nội tạng của lợn có thể được làm thành một lớp giấy mỏng. Chỉ là tờ giấy này không phải tờ giấy thông thường, bởi chúng có đặc điểm của tế bào. Nghe có vẻ khó tin, nhưng những nghiên cứu đã được công bố gần đây cho thấy loại giấy sinh học làm từ nội tạng này thậm chí có thể được đông lạnh để bảo quản sử dụng lâu dài. Ngay cả khi bị ướt, loại giấy này vẫn có thể duy trì các đặc tính cơ học của chúng.
Hiện các nhà khoa học đang cố gắng cuộn giấy sinh học này lại, gấp, cắt và khâu nó vào các mô trong cơ thể. Loại giấy mềm này có chức năng giúp cơ thể con người mau lành vết thương, liền sẹo hoặc bổ sung các hormone bị thiếu ở bệnh nhân ung thư.
Tuy nhiên, điều mà khoa học đang chờ đợi nhất đó chính là việc sử dụng và cấy ghép nội tạng của lợn. Hiện tại, nhiều bệnh nhân trên thế giới đang chờ được ghép tạng, nhưng nguồn tạng hiến tặng không thể đáp ứng được nhu cầu, bởi vậy có rất nhiều bệnh nhân đã phải thiệt mạng trong quá tình chờ đợi.
Chính vì điều này, các nhà khoa học đã khám phá ra quá trình Xenotransplantation (dị ghép, ghép dị chủng) ngay từ những năm 1960, tức là cấy ghép nội tạng động vật vào cơ thể con người.
Đối tượng hiến tạng được ưu tiên là các loài linh trưởng, bởi chúng là họ hàng gần của con người. Vào thời điểm đó, các bác sĩ phẫu thuật đã cố gắng cấy ghép nội tạng của tinh tinh cho con người, nhưng tất cả các ca phẫu thuật đều kết thúc trong thất bại. Nhưng tới nay, người ta phát hiện ra rằng việc sử dụng động vật linh trưởng làm người hiến tặng phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau. Ví dụ, sự lây lan bệnh tật giữa các loài, phản ứng đào thải và chu kỳ sinh trưởng dài. Trong trường hợp này, loài lợn trở thành lựa chọn thứ hai của nhà khoa học.
Thông qua phân tích và nghiên cứu, giới y học biết được rằng tim lợn rất giống tim người về cấu tạo giải phẫu. Do khoảng cách giữa các loài tương đối xa nên khả năng lây truyền bệnh sẽ suy giảm nhiều hơn khi so với các loài linh trưởng.
Kể từ những năm 1990, các nhà khoa học đã cố gắng thực hiện việc cấy ghép Xenotransplantation từ lợn. Nhưng các thí nghiệm đã phát hiện ra rằng nội tạng lợn không chỉ có vấn đề về đào thải miễn dịch trong cơ thể người mà chúng còn có thể là "chất độc". Bộ gen của lợn có chứa các virus nội sinh. Nhưng ngày nay, công nghệ chỉnh sửa gen đã biến ý tưởng này thành hiện thực. Năm 2017, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ của Đại học Harvard, Yang Luhan và những người khác đã thành công trong việc nuôi dưỡng lứa lợn đầu tiên trên thế giới có các virus nội sinh bị bất hoạt. Điều này giải quyết được vấn đề an toàn sinh học của việc sử dụng lợn làm vật hiến tạng, và công nghệ cấy ghép Xenotransplantation đã tiến thêm một bước quan trọng.
Vào cuối tháng 12/2018, bốn con khỉ đầu chó từ phòng thí nghiệm của Bruno Richter tại Đại học Munich, Đức đã được cấy ghép thành công tim của một con lợn. Tất những con khỉ đầu chó này đều sống sót sau hơn 90 ngày sau khi được ghép tim lợn. Con khỉ đầu chó tồn tại được 195 ngày, vượt xa kỷ lục về việc cấy ghép Xenotransplantation của loài linh trưởng không phải con người. Điều này cũng đồng nghĩa với việc việc cấy ghép Xenotransplantation có thể thành công trong tương lai.
Khi các nhà khoa học tìm ra gen gây ra phản ứng đào thải trong tương lai và thay thế nó bằng một gen khác có thể chấp nhận những bộ phận có cùng thuộc tính với con người thì có lẽ việc sử dụng lợn làm vật hiến tạng sẽ là điều trong tầm tay. Nhưng có một thực tế, dù gặt hái được nhiều thành công trong nghiên cứu, nhưng điều này vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan tới đạo đức.