Xương rồng vốn mọc hoang đang được ví là 'vàng xanh', giá dầu chiết xuất còn gây bất ngờ hơn: 55 triệu đồng/lít

25/11/2020 20:52 PM | Kinh doanh

Xương rồng lê gai đang được ví như một loại siêu thực phẩm với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Sự thật có đúng như vậy không?

Xương rồng lê gai là gì?

Cây xương rồng lê gai, còn được gọi là cây xương rồng Nopal, là loài cây bản địa ở các vùng phía tây nam của Hoa Kỳ và ở Mexico, theo Healthline. Lá và quả xương rồng lê gai đều có thể ăn được khi cây còn non. Xương rồng lê gai là thực phẩm phổ biến ở một số vùng của Mexico.

Trong những năm gần dây, xương rồng lê gai nổi lên như một loại "siêu thực phẩm". Nó được quảng cáo là có khả năng điều trị bệnh tiểu đường, cholesterol cao, béo phì và giúp giải rượu. Nó cũng được quảng cáo là có đặc tính kháng virus và chống viêm. Chính vì lẽ này, xương rồng lê gai trở nên nổi tiếng và rất được ưa chuộng.

Xương rồng vốn mọc hoang đang được ví là vàng xanh, giá dầu chiết xuất còn gây bất ngờ hơn: 55 triệu đồng/lít  - Ảnh 1.

Cây xương rồng lê gai, còn được gọi là cây xương rồng Nopal, là loài cây bản địa ở các vùng phía tây nam của Hoa Kỳ và ở Mexico

Tại Algeria (châu Phi), trước đây, xương rồng lê gai chỉ là cây mọc hoang và bán với giá rẻ "như bèo". Nhưng giờ đây, xương rồng lê gai được các nhà khoa học nước này ví như "vàng xanh", AFP đưa tin.

Loại cây này được trồng tại những cánh đồng rông mênh mông của Algeria. Các nhà khoa học nước này nói rằng xương rồng lê gai rất bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe.

Ở Algeria, các bộ phận của cây như lá, hoa, và quả đều được sử dụng làm thực phẩm và dược phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao.

Xương rồng vốn mọc hoang đang được ví là vàng xanh, giá dầu chiết xuất còn gây bất ngờ hơn: 55 triệu đồng/lít  - Ảnh 2.

Xương rồng lê gai là thực phẩm phổ biến ở một số vùng của Mexico.

Cụ thể, quả xương rồng lê gai có màu đỏ hoặc tím, phần thịt bên trong màu đậm và được cho là ngọt nhất. Quả có thể dùng làm mứt, thạch, kẹo, nước ép hoặc ăn trực tiếp sau khi nấu chín.

Ngoài ra, lá xương rồng lê gai có thể luộc hoặc nướng, chế biến thành món ăn ngon lạ. Hoa xương rồng lê gai được dùng làm trà thảo dược. Hạt xương rồng lê gai được chế biến thành dầu dưỡng da. Cần có 1 tấn hạt xương rồng lê gai để sản xuất ra 1 lít dầu xương rồng lê gai. Và 1 lít dầu này có giá cao bất ngờ, lên tới 2000 euro (~55 triệu vnđ) khi xuất khẩu sang châu Âu, theo AFP.

Theo nông dân Algeria, Djamal Chaib, xương rồng lê gai của Algeria được xuất khẩu sang Pháp, Đức, Qatar, và có kế hoạch bán sang Mỹ.

Tác dụng của xương rồng lê gai

Xương rồng vốn mọc hoang đang được ví là vàng xanh, giá dầu chiết xuất còn gây bất ngờ hơn: 55 triệu đồng/lít  - Ảnh 3.

Theo Web MD, xương rồng lê gai có lợi ích tiềm năng trong điều trị bệnh tiểu đường.

Theo Web MD, xương rồng lê gai có lợi ích tiềm năng trong điều trị bệnh tiểu đường. Loại cây này có thể làm giảm lượng đường trong máu từ 17% đến 48% ở một số người. Tuy nhiên, chưa rõ liệu sử dụng kéo dài hằng ngày có thể liên tục làm giảm lượng đường trong máu hay không.

Ngoài ra, xương rồng lê gai được tin là có một số tác dụng khác - nhưng chưa đủ bằng chứng khoa học để kết luận. Dưới đây là một số ví dụ:

Phì tuyến tiền liệt: Nghiên cứu ban đầu cho thấy dùng bột hoa xương rồng lê gai có thể làm giảm các triệu chứng của phì tuyến tiền liệt, ví dụ như tiểu nhiều lần hoặc cảm giác bàng quang căng đầy.

Cholesterol cao trong máu do di truyền: Nghiên cứu ban đầu cho thấy ăn xương rồng lê gai hằng ngày trong 4 tuần cùng với chế độ ăn kiêng được khuyến nghị làm giảm mức cholesterol toàn phần và cholesterol LDL (cholesterol xấu) ở những người có cholesterol cao di truyền.

Xương rồng vốn mọc hoang đang được ví là vàng xanh, giá dầu chiết xuất còn gây bất ngờ hơn: 55 triệu đồng/lít  - Ảnh 4.

Quả xương rồng lê gai có màu đỏ hoặc tím, phần thịt bên trong màu tím đỏ đậm và được cho là ngọt nhất.

Say rượu: Uống chiết xuất cây xương rồng lê gai trước khi uống rượu có thể làm giảm một số triệu chứng nôn nao do rượu vào ngày hôm sau. Nó dường như làm giảm các triệu chứng như buồn nôn, chán ăn và khô miệng. Tuy nhiên, nó dường như không làm giảm các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy hoặc đau người.

Cholesterol cao: Nghiên cứu ban đầu cho thấy ăn xương rồng lê gai hằng ngày, kết hợp cùng chế độ ăn kiêng, có thể làm giảm cholesterol toàn phần, cholesterol LDL (cholesterol xấu) và chỉ số mỡ máu triglyceride ở những người có cholesterol cao. Mức độ cholesterol HDL – cholesterol tốt - dường như không bị ảnh hưởng.

Hội chứng chuyển hóa: Nghiên cứu ban đầu cho thấy dùng một sản phẩm có nguồn gốc xương rồng lê gai trong 6 tuần KHÔNG làm giảm mỡ máu ở phụ nữ mắc hội chứng chuyển hóa.

Xương rồng vốn mọc hoang đang được ví là vàng xanh, giá dầu chiết xuất còn gây bất ngờ hơn: 55 triệu đồng/lít  - Ảnh 5.

Salad xương rồng lê gai

Béo phì: Nghiên cứu cho thấy xương rồng lê gai KHÔNG làm giảm trọng lượng cơ thể ở những bệnh nhân có trọng lượng bình thường hoặc thừa cân.

Cần có thêm bằng chứng để đánh giá hiệu quả của cây xương rồng lê gai đối với những công dụng này.

Cảnh báo đặc biệt khi sử dụng xương rồng lê gai

Cũng theo Web MD, xương rồng lê gai hầu như an toàn khi ăn như thực phẩm. Khi dùng làm dược phẩm, lá, hoa và quả của xương rồng lê gai nhiều khả năng an toàn với lượng thích hợp trong một thời gian ngắn.

Ở một số người, xương rồng lê gai có thể gây ra một số tác dụng phụ nhỏ như tiêu chảy, buồn nôn, đầy bụng và đau đầu. Trong một số trường hợp hiếm, ăn một lượng lớn quả xương rồng lê gai có thể gây tắc nghẽn đường ruột.

Xương rồng vốn mọc hoang đang được ví là vàng xanh, giá dầu chiết xuất còn gây bất ngờ hơn: 55 triệu đồng/lít  - Ảnh 6.

Xương rồng lê gai hầu như an toàn khi ăn như thực phẩm.

Cảnh báo đặc biệt:

Phụ nữ mang thai và cho con bú: Không có đủ thông tin đáng tin cậy để biết liệu xương rồng lê gai có an toàn để sử dụng khi mang thai hoặc cho con bú hay không. Do đó, tốt nhất phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng dược phẩm làm từ loại cây này.

Bệnh tiểu đường: Cây xương rồng lê gai có thể làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường. Vì thế, khi sử dụng xương rồng lê gai, hãy theo dõi các dấu hiệu của lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết).

Phẫu thuật: Cây xương rồng lê gai có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, khiến việc kiểm soát đường trong máu trở nên khó khăn trong và sau khi phẫu thuật. Ngừng sử dụng cây xương rồng lê gai ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.

(Tổng hợp từ: AFP, Web MD, Mayo Clinic, Healthline)

Theo Trà My

Cùng chuyên mục
XEM