Xuất thân trường nhạc, chẳng nổi bật, đã về hưu nhưng người đàn ông này chỉ cần nói một tiếng là đủ để kinh tế cả thế giới rung chuyển
Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Alan Greenspan có lẽ là một trong những người Do Thái hiếm hoi ngày nay có thể đứng trước màn hình, tuyên bố rằng các nền kinh tế đang lâm vào suy thoái và khiến hàng loạt thị trường quay đầu đi xuống.
Xem thêm:
Rõ ràng, sức mạnh và ảnh hưởng của vị cựu chủ tịch FED này vẫn còn dù đã nghỉ hưu từ năm 2006. Nguyên nhân rất đơn giản là nhà lãnh đạo này đã từng chèo lái hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế trong 19 năm, qua 4 đời tổng thống, vượt qua nhiều khó khăn và khủng hoảng.
Vậy bí quyết nào khiến người đàn ông quyền lực nay giữ ghế được trong ngần ấy thời gian khi các đời Tổng thống Mỹ thay nhau vào Nhà Trắng rồi lại đi ra?
Trên thực tế, ông Greenspan ban đầu theo học âm nhạc tại trường JuilliardSchool của New York trước khi rẽ ngang sang ngành kinh tế. Vị cựu chủ tịch FED này không phải là nguồn cảm hứng cho giới doanh nhân, cũng không có phát minh gì quá gây tiếng vang trong giới chuyên gia kinh tế, nhưng mỗi lần phát biểu, ông đều khiến cả thế giới phải lắng nghe.
Ý chí của một cậu bé Do Thái nghèo
Ít ai biết rằng ông Alan Greenspan sinh ra trong một gia đình Do Thái nghèo vào năm 1926 khi cuộc khủng hoảng kinh tế cuối thập niên 20, đầu thập niên 30 tại Mỹ diễn ra. Hàng loạt các công ty phá sản, thị trường chứng khoán lao dốc thê thảm. Bố của ông Alan Greenspan, ông Herbert Greenspan với vai trò là một nhà môi giới chứng khoán cũng bị vạ lây.
Tuy nhiên, bằng nghị lực và trí thông minh của mình, ông Greenspan đã svươn lên để tốt nghiệp tiến sỹ trường đại học New York, thành lập công ty tư vấn tài chính và thậm chí làm cố vấn kinh tế quốc gia trước khi trở thành chủ tịch FED.
Theo nhiều chuyên gia, việc ông Greenspan đã từng tham gia hoạt động tài chính tại Phố Wall trước khi trở thành chủ tịch FED đã ảnh hưởng lớn đến phong cách điều hành của ông.
Trong khoảng 1955-1987, ông Greenspan mở công ty Townsend-Greenspan & Co tại Phố Wall và là thành viên hội đồng quản trị của một số tập đoàn như Alcoa, General Foods, JP Morgan...
Khác với vị chủ tịch FED hiện nay là bà Janet Yellen, người đã từng làm trợ lý giáo sư tại đại học Havard và tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, ông Greenspan có nhận thức cũng như cách nhìn khác rất nhiều so với các vị chủ tịch FED trước đó cũng như sau này.
Do tham gia trực tiếp vào hệ thống tài chính, làm môi giới và doanh nhân chứ không đi lên từ mảng học thuật, giáo dục nên tầm nhìn và nhận thức của ông Greenspan khá thực tế chứ không dựa dẫm quá nhiều vào lý thuyết.
Chuyên gia kinh tế Evan A.Schnidman và là đồng dáng lập Prattle Analytics nhận định xuất phát điểm của Alan Greenspan là cố vấn tài chính, vì vậy phong cách điều hành của ông khác biệt rất lớn so với những vị chủ tịch đi lên từ giới học thuật như bà Yellen.
Thông thường, những vị quản lý đi lên từ giới học thuật thường tập hợp mọi yếu tố, thông tin trước khi xác định rõ tình hình và ra quyết định. Trái lại, những người từng làm nghề tài chính như ông Greenspan lại thường giải quyết trực tiếp vấn đề phát sinh chứ không chờ đợi trước khi quá muộn.
Mỗi phong cách có ưu nhược điểm khác nhau và không thể nói cái nào phù hợp hơn cho vị trí chủ tịch FED. Tuy nhiên, rõ ràng là phương pháp quản lý gắn liền với thực tế của Alan Greenspan đã giúp ông đưa nước Mỹ vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trong giai đoạn 1987-2006.
Theo thống kê, kinh tế Mỹ đã có 3 chu kỳ tăng trưởng mạng và chỉ có 2 chu kỳ ngưng trệ ngắn trong thời kỳ ông Greenspan làm chủ tịch FED. Khoảng 27 triệu việc làm đã được tạo ra cho nước Mỹ trong thời kỳ này.
Ông Alan Greenspan (ngoài cùng bên trái) cùng Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (đang phát biểu) năm 1987
Tôn trọng thị trường
Xuất thân là một nhà tư vấn tài chính tại Phố Wall, ông Alan Greenspan tin vào sự tự điều chỉnh của thị trường, lực lượng bàn tay vô hình sẽ tự hiệu chỉnh nền kinh tế đến mức cân bằng của chúng.
Điều này rất khác so với nhiều vị chủ tịch FED khác bởi với vai trò là người lãnh đạo hệ thống tài chính Mỹ, những vị chủ tịch này cần phải có động thái can thiệp thị trường nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Mặc dù vẫn sử dụng các chính sách tiền tệ và lãi suất để bình ổn nền kinh tế Mỹ, nhưng Greenspan không cho rằng FED nên dùng một công cụ nào đó để định hướng mục tiêu kinh tế vĩ mô. Thay vào đó, ông Greenspan cho rằng chính phủ chỉ nên hỗ trợ và để thị trường tự điều chỉnh.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua những bài phát biểu thường niên của chủ tịch FED. Trong khi chủ tịch Janet Yellen thường công khai tuyên bố thẳng những quyết định của hội đồng chủ tịch cũng như giải thích cặn kẽ ngôn từ thì ông Greenspan lại hiếm khi nói rõ vấn đề, qua đó buộc nhiều chuyên gia phải phán đoán và phân tích những lời nói của ông.
Quan điểm của bà Yellen là cung cấp đầy đủ thông tin cho thị trường, nói rõ quan điểm của FED nhằm định hướng nền kinh tế vĩ mô, cho rằng chính phủ có vai trò chủ chốt trên thị trường. Trái lại, Alan Greenspan không muốn những bản thông báo của FED ảnh hưởng đến thị trường. Ông muốn thị trường tự điều chỉnh và FED chỉ đứng ngoài hỗ trợ nếu cần thiết.
Ngay từ khi nhậm chức vào năm 1987, trước tình hình chứng khoán Mỹ chao đảo mạnh, ông Greenspan quyết định cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường mà không chờ đợi kết quả tranh luận của các chuyên gia hay dựa trên một lý thuyết cơ sở vững chắc hoặc tốn thời gian thu thập số liệu đầy đủ. Kết quả là thị trường tài chính Mỹ nhanh chóng hồi phục sau cuộc khủng hoảng này.
Một điều thú vị là do FED có cơ chế hoạt động khá độc lập với chính quyền Washington nên đôi khi có sự bất đồng giữa chủ tịch FED và ông chủ Nhà Trắng. Điển hình là sau cuộc khủng hoảng 1987, Cựu tổng thống Mỹ George H. Bush (Bush cha) đã đổ trách nhiệm lên ông Greenspan cho việc thất bại khi tranh cử nhiệm kỳ mới. Ông Bush cho rằng việc Alan Greenspan cắt giảm lãi suất quá nhỏ đã hạn chế sự hồi phục của kinh tế Mỹ sau này.
Trong thời kỳ đầu thập niên 90, kinh tế Mỹ tăng trưởng khá tốt với mức 6% vào năm 1996 và tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5,5%. Các chuyên gia kinh tế và thậm chí cả Tổng thống Bush (cha) khi đó đều cho rằng FED nên tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát theo đúng những gì lý thuyết kinh tế viết.
Bất chấp những lời chỉ trích đó, ông Greenspan vẫn trung thành với triết lý quản lý dựa trên thực tế của mình và đạt được nhiều thành công.
Ông Greenspan khi đó cho rằng chính sự tăng tốc của toàn cầu hóa và phát triển kỹ thuật sẽ thúc đẩy một làn sóng tăng trưởng mới cho kinh tế Mỹ mà không gây ra lạm phát. Các tập đoàn lớn sẽ tăng cường thuê ngoài (outsourcing) trong khi những công ty nước ngoài sẽ hạn chế tăng giá để giữ lợi thế cạnh tranh.
Khi đó, việc giữ lãi suất thấp sẽ thúc đẩy thanh khoản, đầu tư nhưng không gây ra lạm phát quá cao. Hệ quả là kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển thần kỳ với mức lãi suất thấp, gây bất ngờ cho nhiều chuyên gia kinh tế.
Nhờ những thành công to lớn đó, ông Alan Greenspan tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của các đời tổng thống tiếp theo cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 2006.
Ông Alan Greenspan thời trẻ
Sự quyết đoán của một người làm tài chính và quản lý dựa trên thực tế
Như đã nói, ông Greenspan xuất thân từ một gia đình Do Thái nghèo, tham gia giới tài chính, chứng khoán trước khi làm chủ tịch FED nên có tính tự chủ, quyết đoán và nhạy bén rất cao.
Nếu những phản đối của ông dưới thời cựu Tổng thống Bush (cha) cho thấy tính tự chủ thì những quyết định nhanh chóng mà không cần chờ đợi phân tích lý luận tốn thời gian cho thấy tính quyết đoán của người làm tài chính.
Thông thường, các quan chức thường họp cố vấn, chuyên gia sau đó tranh cãi, dựa trên cơ sở lý luận rồi mới đưa ra quyết định. Tuy nhiên, ông Greenspan lại quan tâm đến diễn biến thị trường, những con số hơn là tốn quá nhiều thời gian nghe lý thuyết.
Chúng ta có thể thấy rõ FED đưa ra nhiều quyết định mạnh tay nhất trong khoảng thời gian Alan Greenspan làm chủ tịch. Những đợt cắt giảm lãi suất rồi tăng lãi suất của FED thời kỳ này đều có những ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường và tạo nên những thay đổi khá lớn.
Trái ngược lại, những vị lãnh đạo từ giới học thuật như chủ tịch Yellen hiện nay lại khá chừng mực, dựa trên nhiều lý thuyết và cẩn trọng trong từng bước đi. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến FED không có quyết định thực sự rõ ràng nào về việc tăng lãi suất hay không trong thời gian tới. Trong khi đó, ông Greenspan tốn chưa đến vài tuần để quyết định hạ lãi suất mạnh khi chứng khoán Mỹ chao đảo vào năm 1987.
Phương pháp điều hành của Alan Greenspan khiến nhiều người nể phục bởi chúng không có học thuyết, chiến lược cụ thể hay bài bản sẵn có nào cả. Tất cả đều dựa trên tình hình thực tế và kết quả cho thấy ông Greenspan đã thành công đưa nước Mỹ vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn.
Dù bị cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng năm 2008 với những chính sách quyết đoán của mình, nhưng không thể phủ nhận rằng chính tính cách mạnh mẽ, kiên cường với lỗi suy nghĩ thực tế đã giúp vị chủ tịch Do Thái này giữ ghế được qua 4 đời tổng thống Mỹ.