Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nông dân vẫn nghèo: Sẽ giảm trồng lúa

03/09/2016 08:41 AM | Kinh tế vĩ mô

Việt Nam trong suốt nhiều năm lấy số lượng xuất khẩu gạo làm niềm tự hào, nhưng thực tế thu nhập của người trồng lúa vẫn thấp. Cây lúa, người nông dân hay chính sách có lỗi? Giảm diện tích trồng lúa là một hướng đi đúng.

Xuất gạo nhiều vẫn nghèo

Cả nước hiện có 3,8 triệu ha đất lúa và khoảng 7 triệu ha diện tích lúa 2 vụ. Lúa trồng ở miền Trung trở ra phía Bắc chủ yếu tiêu thụ nội địa, còn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ xuất khẩu. Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết, thu nhập của bà con nông dân trồng lúa đang ở mức thấp. Theo ông, nếu 1 ha lúa, trồng một năm 2 vụ, được hơn 10 tấn, thu được 60-70 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cho mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công… (thường chiếm khoảng 70%), nông dân thu được chỉ khoảng 20 triệu/ha, rất thấp.

Theo ông Trung, hiện mỗi năm, chúng ta sản xuất thừa khoảng 7-8 triệu tấn gạo, gây sức ép rất lớn về tiêu thụ, nhưng thu nhập của nông dân không cao. Giá trị xuất khẩu gạo mỗi năm chỉ khoảng 3 tỷ USD. “Chủ trương của Chính phủ là để nông dân trồng lúa lãi khoảng 30%, nhưng thực tế không đạt được”-ông Trung nói.

Vì sao nông dân trồng lúa mãi nghèo? Một lý do quan trọng được chuyên gia chỉ rõ là chính giá gạo xuất khẩu thấp, vì không có thương hiệu, còn nông dân bị ép giá. GS. TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết, Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu lúa gạo vì để cho dân phát triển quá nhiều giống, còn DN thu mua xuất khẩu hàng chục loại nên giá trị thấp. Khác với Thái Lan, chủ yếu 1-2 loại giống, giá trị cao tới 800-1.000 USD/tấn.

Theo GS Quý, lâu nay, chúng ta đầu tư còn dàn trải, không có tính kế thừa, liên tục, mà chỉ theo “nhiệm kỳ”. Một giống lúa thuần có thể phải mất 10 năm nghiên cứu, nhưng làm được 5 năm rồi bỏ đấy, không ra kết quả, sẽ mất hết. “Trong khi đó, anh em nghiên cứu giờ lương thấp, nhìn thấy kiểu lội ruộng, nắng nóng như thế ai họ đi làm, không còn kiểu say mê như ngày xưa, nên phải trả lương cao họ mới làm”- GS Quý nói.

Mặt khác, GS Quý cho rằng, lâu nay, “mấy ông lương thực” không bỏ tiền ra xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, đẩy việc làm thương hiệu cho nông dân chính là lỗ hổng. “Muốn làm thương hiệu, phải xây dựng từ giống, cách thu hoạch, bảo quản, chế biến, mẫu mã… Chỉ lo đi buôn, lúc nào thua lỗ, lại kêu gọi trợ giá của nhà nước, cái này nhiều vấn đề phức tạp. Ở các nước, doanh nghiệp phải bỏ ra hết, nhà nước chỉ tạo cơ chế, hành lang pháp lý”- GS Quý nói.

Với cách làm trên, theo GS Quý, dù không thua lỗ, thu nhập người dân vẫn nghèo. Đã đến lúc, cần chuyển đổi mạnh, có thể mình làm nhiều cây thức ăn chăn nuôi, hoa quả… có giá trị cao để tăng thu nhập cho người dân.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng, bây giờ làm nông nghiệp không thể vì số lượng, năng suất nữa, mà hướng sản phẩm theo nhu cầu thị trường, giá trị, hiệu quả cao nhất. Ông Lịch tính toán, làm một 1 ha lúa, không bằng một góc dùng diện tích đó để trồng cỏ nuôi bò, trong khi chúng ta đang phải tốn rất nhiều tiền nhập thịt bò, sữa. Sao chúng ta không chuyển đổi?

Ông Lịch cho biết, hiện Việt Nam đã nhập khẩu thức ăn chăn nuôi mỗi năm khoảng 5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu gạo chỉ hơn 3 tỷ USD. “Hơn chục năm qua, chúng ta đầu tư tiền của nghiên cứu cây lúa, nhưng đến nay, giá gạo Việt Nam chỉ trên dưới 400 USD/tấn, còn rẻ hơn gạo Campuchia (500 USD/tấn), chưa kể so với Thái Lan. Vậy tiền đó đổ đi đâu, tác dụng gì”- ông Lịch nói.

Tôm, ngô sẽ cứu lúa?

Trong nửa đầu năm 2016, lần đầu tiên trong vòng nhiều năm gần đây, nông nghiệp tăng trưởng âm. Trong đó sản lượng lúa tụt khoảng 1,3 triệu tấn. Trong bối cảnh hạn mặn, biến đổi khí hậu khó lường, ngành nông nghiệp “bốc thuốc”: Lấy tôm để cứu lúa vì 1 kg tôm có thể bằng 20 kg lúa.

Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến năm nay, cả nước có thể tăng diện tích tôm nước lợ lên 690 ngàn ha để có được sản lượng vào khoảng 680 ngàn tấn. Nếu như làm được điều này, có thể tăng được 50 ngàn tấn tôm, tương đương trị giá của 1 triệu tấn lúa… Tuy nhiên là phải kiểm soát được chất lượng giống, quy trình chăm sóc, xúc tiến thương mại. Nếu sản xuất ồ ạt mà không quản trị tốt thì chắc chắn chỉ có sản phẩm xấu và khó khăn về đầu ra.


Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng thu nhập của nông dân Việt Nam ở mức rất thấp. Ảnh: Phương Chăm

Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng thu nhập của nông dân Việt Nam ở mức rất thấp. Ảnh: Phương Chăm

TS Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, cho rằng: “Chúng ta chưa cắt được quả tạ 3,8 triệu ha lúa trên đầu”. Theo ông Vinh, cần thay đổi tư duy vai trò của lúa gạo, trong đó thu nhập trực tiếp của nông dân là quan trọng nhất.

Theo ông, không cần phải giữ 3,8 triệu ha đất lúa, nên khuyến khích trồng và xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao dù sản lượng nhỏ. Ông Vinh cũng kiến nghị, có chính sách xã hội trực tiếp hướng tới nông dân và người nghèo thay vì bình ổn giá- chỉ trợ cấp người giàu và tạo cơ hội trục lợi. Chính phủ đã có chủ trương, đến năm 2020, giảm khoảng 400 nghìn ha đất lúa và 700-800 ha diện tích lúa sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Ma Quang Trung, việc chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện phù hợp, để khi cần có thể trồng lúa trở lại. Bộ NN&PTNT cũng đã có đề án chuyển đổi, trên cơ sở duy trì linh hoạt 3,8 triệu ha để đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm áp lực cho xuất khẩu gạo. Trong 2 năm qua, cả nước đã chuyển 204.000 ha lúa, trong đó các tỉnh ĐBSCL chiếm một nửa. Bộ đang hướng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, vì đây là mặt hàng Việt Nam đang tốn rất nhiều đô la Mỹ để nhập khẩu. Hơn nữa, ngô là cây dễ canh tác, nhiều loại giống năng suất cao.

Cục trưởng Trồng trọt cho biết, hiện Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cả nước chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô là 3 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, ông Trung cũng lưu ý rằng, việc chuyển đổi không nên làm ồ ạt, nếu không sẽ “dính” ngay về bài toán thị trường. Mặt khác, việc bà con thay đổi tập quán canh tác không thể một sớm, một chiều, phải có lộ trình phù hợp.

Theo Phạm Anh

Cùng chuyên mục
XEM