Xuất hiện giả thiết chấn động về thảm kịch MH370
Một nhà điều tra độc lập người Ireland tin rằng chiếc máy bay của Malaysia Airlines đã vô tình bị bắn hạ trên không phận Malaysia và Kuala Lumpur đang cố gắng che giấu sự thật này.
Noel O'Gara, người dành nhiều năm để nghiên cứu về thảm kịch MH370 cho biết nhiều nhân chứng đã trông thấy một chiếc máy bay gặp nạn ở khu vực giữa Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
"Nhiều nhân chứng nói thấy chiếc máy bay quay đầu và báo lại cho cảnh sát nhưng không hề nghe thấy về những điều này sau đó", bà này cho biết.
Một trong các nhân chứng, cô Raja Dalelah Raja Latife tới từ Malaysia khẳng định đã nhìn thấy một vật thể bạc trông giống một chiếc máy bay giữa đại dương vào thời điểm MH370 mất tích khi chiếc phi cơ của hãng hàng không Ả-rập Xê-út chở cô bay qua thành phố Chennai, Ấn Độ.
Người phụ nữ quả quyết đã phát hiện thứ gì đó rất giống với đuôi và cánh của máy bay trôi dạt trên nước mặc dù nhiều phi công cho rằng tuyên bố này có phần hoang đường bởi máy bay Latife bay ở vị trí quá cao và cô không thể tinh mắt đến độ có thể nhìn thấy vật gì đó trôi nổi trên mặt nước.
"Trong khi không quan chức nào trong chính quyền tin cô ấy, cô ấy vẫn rất quả quyết và cho thấy mình rất đáng tin cậy. Tôi nghĩ rằng có ấy đã nhìn thấy nó qua cửa sổ vài giờ trước khi nó nổi trên mặt biển rồi chìm", Noel cho hay.
Katherine Tee, một thủ thủy tới từ Anh cũng khẳng định đã nhìn thấy vật thể tương tự một chiếc máy bay lớn bốc cháy vào thời điểm MH370 gặp nạn, cũng là khi cô và chồng đang trên hành trình đi thuyền từ Kochi, Ấn Độ tới Phuket, Thái Lan.
Nhiều ngư dân đánh cá gần tỉnh Banda Aceh, Indonesia tiếp tục củng cố giả thiết này khi nói rằng trông thấy một chiếc máy bay trên mặt nước nhưng khẳng định lời khai của họ cũng như Latife và Tee bị chính quyền bỏ qua, phớt lờ.
Theo Sputnik, Noel từ đó tin rằng, chính quyền Malaysia đang cố gắng che đậy, bưng bít lời khai của các nhân chứng để giấu nhẹm những gì đã xảy ra với MH370 và thậm chí còn lan truyền giả thiết cơ trưởng MH370 lao máy bay tự sát làm bình phong chống đỡ.
Ngày 8/3/2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur, Malaysia cất cánh đi Bắc Kinh, Trung Quốc chở theo 239 người.
Theo dữ liệu radar quân sự thu được, máy bay lệch khỏi tuyến đường dự kiến khoảng 2 giờ sau khi cất cánh, trong khi không có ghi chép nào về thời tiết xấu hoặc các cuộc gọi đáng lo ngại. Tín hiệu vệ tinh tự động cuối cùng được phát đi lúc 8h sáng. Tín hiệu này được tiếp nhận nhưng không có thông tin về vị trí máy bay.
Trong những ngày đầu sau khi MH370 mất tích, các nhà tìm kiếm đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích các giao tiếp điện tử tự động giữa máy bay và phần cứng quỹ đạo. Chính quyền Australia dựa vào đó đã khoanh vùng một khu vực gọi là vòng cung thứ 7 ở Ấn Độ Dương để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Khu vực này sau đó được mở rộng ra 120.000 km2, tuy nhiên không tìm được bất cứ dấu vết nào của chiếc Boeing 777-200.