Xu hướng dòng tiền từ nay đến cuối năm sẽ thế nào?

06/09/2023 10:25 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, từ giờ đến cuối năm nền kinh tế và các thị trường đầu tư vẫn còn nhiều triển vọng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần sàng lọc kỹ các lớp tài sản để tìm ra kênh đầu tư tốt nhất.

Xu hướng dòng tiền từ nay đến cuối năm sẽ thế nào? - Ảnh 1.

Sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, cả 2 kênh đầu tư an toàn và rủi ro đều tăng giá. Cụ thể, ở kênh đầu tư rủi ro, VN-Index đã có phiên giao dịch khá tích cực khi đóng cửa ở mức 1.234,98 điểm, tăng 10,93 điểm so với trước lễ. Nếu tính từ đầu năm, chỉ số đã tăng hơn 227,89 điểm. Trên thị trường bất động sản, các số liệu mới nhất từ batdongsan.com cho thấy mức độ quan tâm đến thị trường nhà đất trong tháng 7 tại hầu hết các tỉnh thành tiếp tục cải thiện so với tháng trước. Thực tế tại nhiều phòng công chứng, lượng giao dịch nhà đất cũng đã nhiều hơn.

Với các kênh đầu tư an toàn, đầu ngày 6/9, vàng SJC có giá mua vào và bán ra là  67,75 - 68,35 triệu đồng/lượng, tăng 150 nghìn đồng ở cả 2 chiều so với trước lễ.  Với kênh tiền gửi, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm theo định hướng chung. Mặt bằng lãi suất huy động tại các nhà băng đã về ngưỡng 4,5-6%/năm, thấp đáng kể so với cuối năm 2022. Tuy lãi suất thấp nhưng các số liệu của NHNN cho thấy, lượng tiền gửi vào hệ thống của người dân vẫn liên tục tăng lên.

Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc các loại tài sản cùng lúc tăng giá không cho thấy sự bất thường và đây là thời điểm nhà đầu tư cần đánh giá kỹ và lựa chọn đúng lớp tài sản phù hợp với khẩu vị rủi ro của bản thân để có được lợi nhuận tối ưu.

Xu hướng dòng tiền từ nay đến cuối năm sẽ thế nào? - Ảnh 2.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Theo đó, với thị trường chứng khoán, chuyên gia cho rằng động lực tăng giá của VN-Index vừa qua chủ yếu đến từ kỳ vọng nền kinh tế phục hồi. Đến nay, các số liệu tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, đơn hàng của doanh nghiệp đã bắt đầu xác nhận điều này. Mới đây, tình hình trong và ngoài nước có một số biến động, do đó chỉ số chứng khoán đã có một nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, triển vọng của nền kinh tế vẫn còn nhiều, đầu tư công đang được đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng đều đã tốt hơn. Vì lẽ đó thị trường chứng khoán ngay sau đó đã quay lại tăng trưởng. Xét về dài hạn, kênh cổ phiếu vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Ông Thịnh nói thêm, từ đầu năm đến nay, DXY - chỉ số sức mạnh đồng đô la Mỹ đã liên tục hạ xuống. Trong khi đó, các thống kê quá khứ cho thấy, vàng có tương quan nghịch với USD. Vì thế trong suốt thời gian qua loại kim loại quý này đã nhích lên. Giá vàng trong nước cũng theo đó tăng lên. Tuy nhiên cần cân nhắc hiện giá vàng trong nước và thế giới đang chênh lệch khá cao. Ngoài ra, quá khứ cho thấy, kênh này thường có tỷ suất sinh lời không cao bằng so với các loại tài sản khác. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc khi đầu tư vào vàng.

Về việc dù lãi suất giảm nhưng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn liên tục tăng lên, PGS.TS Thịnh cho rằng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang là động lực chính thúc đẩy chỉ tiêu này tăng trưởng. Cụ thể, tình hình sản xuất kinh doanh cũng đã qua thời điểm khó khăn nhất. Do đó, lượng vốn lưu động nằm trong tài khoản thanh toán của các doanh nghiệp tại nhà băng đã tăng lên. Ngoài ra, hiện tại đang là giai đoạn tích trữ hàng hóa cho dịp kinh doanh cao điểm cuối năm. Vì vậy doanh nghiệp cũng sẽ có xu hướng trữ nhiều tiền mặt hơn để có thể mua nguyên vật liệu, máy móc thiết bị chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các khoản tiết kiệm lãi suất cao trong giai đoạn quý IV/2022 và quý I/2023 đang dần đáo hạn và lãi suất của kênh này lại đang giảm sâu. Trong khi đó từ đầu năm, các kênh tài sản tấn công như chứng khoán ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Điều này đã khiến cho việc tiếp tục phân bổ tài sản hoặc tái đầu tư vào tiền gửi tiết kiệm khó lòng là một lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư. Vì vậy PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đã có không ít nhà đầu tư để tiền ở tài khoản không kỳ hạn để chờ đợi các cơ hội đầu tư.

“Từ giờ đến cuối năm, triển vọng nền kinh tế vẫn tích cực, tình hình sản xuất kinh doanh đang được cải thiện. Các thị trường đầu tư nhìn chung vẫn có dư địa tăng trưởng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần sàng lọc kênh tài sản có triển vọng nhất, đồng thời cân nhắc khẩu vị rủi ro, cũng như tình hình tài chính cá nhân trước khi ra quyết định đầu tư”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

Theo Văn Tuệ

Cùng chuyên mục
XEM