Thung lũng Silicon: Vương quốc của những 'gã lập trình quái gở' ôm mộng thay đổi thế giới

27/07/2015 09:08 AM | Công nghệ

Các doanh nhân, nhà cải cách và kỹ sư công nghệ tại thung lũng Silicon đang bận rộn cách mạng hóa gần như mọi mặt của nền kinh tế toàn cầu.

Nội dung nổi bật:

- Thung lũng Silicon tại San Francisco, Mỹ được coi là cơ quan đầu não của nền công nghệ thế giới.

- Hiện tại, các doanh nhân, nhà cải cách và kỹ sư công nghệ tại đây đang bận rộn cách mạng hóa gần như mọi mặt của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, họ cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định.


Nước anh có Silicon Fen và Silicon Roundabout, Scotland có Silicon Glen, Berlin thì tự hào có Silicon Allee còn New York có Silicon Alley. Tuy nhiên, cơ quan đầu não của nền công nghệ thế giới là hệ sinh thái bên trong và xung quanh San Francisco. Các doanh nhân, nhà cải cách và kỹ sư công nghệ tại thung lũng Silicon đang bận rộn cách mạng hóa gần như mọi mặt của nền kinh tế toàn cầu.

Nơi đây đang làm thay đổi cách các công ty ra quyết định, phương thức kết bạn của con người hay cách những người biểu tình thực hiện hành vi phản đối. Các công ty khởi nghiệp hiện tiếp cận được nhiều người hơn, với tốc độ nhanh hơn so với trước kia. Ví dụ điển hình là Airbnb – công ty non trẻ mới 7 năm tuổi này đã giúp mọi người biến nhà của mình thành khách sạn, hoạt động tại 34.000 thành phố và thị trấn khắp thế giới. Trong khi đó, những công ty hoạt động theo mô hình phục vụ theo yêu cầu như Uber đang thay đổi định nghĩa về cách thuê nhân viên.

Kết quả là, những người theo chủ nghĩa tư bản Mỹ có một trung tâm kinh doanh mới tại phía Tây. Phố Wall từng là nơi tìm kiếm nguồn vốn và kiến tạo những thỏa thuận. Hiện tại, nó đã được thay thế bởi thung lũng Silicon. Tổng cộng tất cả những công ty công nghệ tại khu vực này trị giá khoảng trên 3 nghìn tỷ USD.

Năm ngoái, cứ 1 trong 5 sinh viên Mỹ tốt nghiệp ra trường nộp hồ sơ vào các công ty công nghệ. Ngay cả Jamie Dimon – ông chủ của ngân hàng JPMorgan Chase cũng phải lên tiếng cảnh báo về mức độ cạnh tranh khốc liệt dành cho phố Wall.

Sự to lớn và sáng tạo đột phá của thung lũng Silicon không giống với bất kỳ phát minh vĩ đại nào thuộc thế kỷ 19. Những chiến công của họ đã được tôn vinh. Nhưng việc tích lũy tài sản một cách nhanh chóng của những người này sớm gặp nhiều rủi ro. Năm 1990 chứng kiến sự đổ vỡ bong bóng tài chính. Thời gian này, những người đam mê lập trình sống trong bong bóng công nghệ và cô lập đế chế của họ so với thế giới mà họ đang làm rất nhiều thứ để thay đổi.

Kinh tế Mỹ sẽ gặp khó khăn bởi những cơn sốc tài chính lặp đi lặp lại theo sau bởi sự sụp đổ của bong bóng dotcom vào năm 2000. Khi chỉ số Nasdaq gần lập đỉnh, nỗi sợ hãi ngày càng dâng cao. Thật may mắn, mặc dù tiền và nhân tài đang chảy vào thung lũng Silicon nhưng vẫn chưa hề có dấu hiệu của sự đổ vỡ bong bóng. Đó là bởi các công ty công nghệ cao hiện nay không chỉ có mô hình kinh doanh tốt hơn những người đi trước mà họ còn phụ thuộc vào những nhóm nhỏ người ủng hộ tài chính.

Các hãng công nghệ hiện nay cũng kéo dài thời gian là công ty tư nhân hơn. Bằng chứng là các hãng IPO trong năm 2014 có tuổi trung bình là 11. Trong khi đó, vào năm 1999, trước khi lên sàn, các công ty chỉ phải chờ khoảng 4 năm. Là công ty tư nhân cũng cho phép các doanh nhân có thể tránh "cơn đau đầu" liên quan tới các vấn đề như: Sự phiền toái của các nhà đầu tư, sự nhàm chán trong việc tuân thủ các quy tắc, báo cáo hàng quý. Về lý thuyết mà nói, một nhóm các nhà đầu tư sẽ tốt hơn so với đám đông những cổ đông vô danh.

Tuy nhiên, là công ty tư nhân cũng có nhiều rủi ro. Một trong số đó là họ không có nghĩa vụ phải công khai tài chính từ đó có thể dẫn đến những hành động thiếu trách nhiệm. Hiện các công ty công nghệ của Mỹ được định giá hơn 1 tỷ USD tổng cộng có giá trị khoảng 300 tỷ USD. Như vậy, nguy cơ số vốn này được phân bổ sai là rất cao.

"Vương quốc của những gã lập trình" có điểm mạnh là văn hóa cho phép các doanh nhân nghĩ lại những hệ thống cũ và mở ra những điều mới. Nhiều cư dân tại thung lũng Silicon tin rằng công nghệ là giải pháp chữa khỏi mọi “bệnh tật”. Hơn nữa, mối quan hệ của công chúng với những gã khổng lồ công nghệ gần như rất hài hoà. Người tiêu dùng thích dịch vụ gọi taxi, streaming nhạc và phần mềm xác nhận giọng nói.

Tuy nhiên, thay đổi một ngành công nghiệp vốn đã hình thành không tránh khỏi việc gây ra những xung đột. Uber là một trong những công ty vướng vào nhiều tranh cãi nhất. Các nhà chức trách châu Âu cũng đang “soi” những công ty như Facebook và Google về mọi thứ từ việc lo ngại thế độc quyền đến bảo mật dữ liệu. Trong khi đó, các nhà chức trách Mỹ nói rằng đang xem xét liệu Apple có lạm dụng sức ảnh hưởng của công ty trong mảng kinh doanh âm nhạc hay không.

Thông thường, chỉ trích sẽ đến từ các ngành công nghiệp muốn bảo vệ đặc quyền của mình. Tuy nhiên, đó không phải là nguồn cơn duy nhất gây ra sự giận dữ. Thung lũng Silicon còn chi phối thị trường, tìm kiếm giá trị từ những dữ liệu cá nhân và trốn thuế. Chính vì vậy, nếu toàn bộ lợi nhuận từ việc khai thác dữ liệu hay trốn tránh các loại thuế được tập hợp duy nhất vào một vài người sống tại khu vực gần San Francisco thì chắc chắn sẽ tạo ra một phản ứng dữ dội.

Dĩ nhiên, những công ty thuộc thung lũng Silicon cũng không thể dễ dàng chống lại thuế và các quy định. Dù được tự do hoạt động nhưng các rủi ro sẽ ập đến khi họ tiến ra toàn cầu. Cần phải nhớ rằng, luật hoàn toàn có thể thay đổi. Nếu muốn đứng vững, họ nên trở thành 1 phần của thị trường thay vì cô lập với nó. Ngay cả những công ty tư nhân hùng mạnh nhất muốn hoạt động được cũng cần phải có “giấy phép mềm” - tức là sự chấp thuận của xã hội.

Điều đáng trân trọng nhất của thung lũng Silicon là sự tự do và sáng tạo không theo lề thói. Vì vậy, sẽ thật xấu hổ nếu nó trở thành biểu tượng không được ưa chuộng và không còn đi theo sự phát triển như một tầng lớp ưu tú trong xã hội.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM