Cuộc chiến hệ điều hành di động 2012 có gì hấp dẫn?

27/01/2012 10:25 AM |

Android (Google), iOS (Apple) và Windows Phone 7 (Microsoft) sẽ là 3 ông lớn trong thế chân vạc của cuộc chiến hệ điều hành năm nay. Cùng quan sát các đại gia công nghệ này sẽ dùng vũ khí nào cho thế trận năm 2012.


Chỉ còn 3 kẻ mạnh

Năm 2011 chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của Android. Hệ điều hành nguồn mở từ Google này ban đầu cạnh tranh khá gay gắt với iOS của Apple. Nhưng tới nửa cuối năm, Android vụt lên và chiếm tới hơn 52% thị phần HĐH điện thoại thông minh. Với sự ủng hộ nhiệt thành của người hâm mộ, iOS sẽ tiếp tục là kẻ ngáng đường giấc mơ thống trị của Android. Ở một góc nhìn khác, Windows Phone 7 của Microsoft tuy chiếm lĩnh rất ít thị phần (chỉ khoảng 2%) nhưng lại được sự hỗ trợ của nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, tính theo số lượng máy xuất xưởng, Nokia. Là sản phẩm hợp tác giữa 2 gã khổng lồ phần cứng và phần mềm, Windows Phone 7 là một đối thủ tiềm tàng cho cả iOS và Android.

Android có một năm thắng lợi gần như toàn mỹ. Những phiên bản của HĐH này khi ra mắt đều nhận được sự đón nhận nhiệt thành từ phía người tiêu dùng. Giá thành các sản phẩm Android cũng dần hạ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người mua bình dân và trung cấp. Với sự hỗ trợ của Samsung, HTC, LG, Sony Ericsson,... Android vươn lên mạnh mẽ và chiếm phần lớn phân khúc trung cấp và cạnh tranh quyết liệt với Apple ở phân khúc cao cấp. Sự lớn mạnh của Android là cái gai trong mắt của Apple và Microsoft, nên 2 hãng này dùng khá nhiều phương thức để ngăn chặn cuộc xâm lăng của binh đoàn robot xanh. Được nhiều hãng sản xuất, có nhiều phần mềm ứng dụng và nhận sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng, năm 2012 sẽ lại tiếp tục là một năm thắng lợi của Android.

Tuy bị Android chèn ép, nhưng Apple vẫn kiếm lớn từ iOS khi lợi nhuận bán ứng dụng của HĐH này gấp 6 lần Android, lợi nhuận biên của việc bán các thiết bị iOS cũng được đánh giá là cao khó tưởng tượng. Năm 2012, thế giới lại tiếp tục chào đón iPad và iPhone thế hệ tiếp theo. Những lời đồn, theo như thông lệ lại tiếp tục hâm nóng không khí chờ đợi siêu phẩm tới từ Apple. Điều này cho thấy Apple sẽ vẫn giữ thế mạnh của mình, một công ty không chiếm thị phần lớn nhưng lại có lợi nhuận cao từ các thiết bị được người hâm mộ đánh giá là tinh tế và thời thượng.

Vào giữa năm trước, cả thế giới công nghệ bàng hoàng trước hợp đồng đối tác chiến lược giữa Nokia và Microsoft. Hợp đồng đã đem tới cho Windows Phone 7 một đồng minh to lớn, khiến HĐH mới đón nhận được nhiều sự chú ý của giới truyền thông và các nhà lập trình ứng dụng. Cuối năm 2011 tới đầu năm 2012, Nokia ra mắt 3 mẫu Windows Phone 7 và đã làm tốn khá nhiều giấy mực của giới truyền thông. Với thế mạnh của nhà sản xuất phần cứng di động hàng đầu, Nokia là một động cơ tên lửa mạnh mẽ có thể nâng WP7 lên một tầm cao mới, cùng với đó chính là những đối tác được dụ dỗ, lôi kéo hoặc “hăm dọa” tham gia với WP7. Phiên bản WP 7.5 Mango đem tới cho HĐH của Microsoft thêm một sức sống cuốn hút mới với khách hàng. Dự đoán năm 2012 WP7 sẽ chật vật để có thể chiến đấu với 2 gã khổng lồ Android và iOS.

Những cái tên Blackberry từ RIM, webOS của HP và Bada của Samsung sẽ tiếp tục bị chìm xuống giữa cuộc cạnh tranh của 3 HĐH tốp trên. Blackberry OS hiện là nền tảng chiếm tới hơn 11% thị phần HĐH điện thoại thông minh, nhưng điều đó không giúp HĐH này tránh khỏi sự sụt giảm. Có một hệ sinh thái yếu chính là nguyên nhân khiến Blackberry bị diệt vong, hoặc phải chịu sát nhập vào một HĐH khác; khi mà ngày càng có thêm nhiều tin đồn về những hãng công nghệ sẵn lòng mua RIM. Microsoft, Samsung hay HTC sẽ tiếp quản hãng đây, khi giá trị thị trường của hãng này liên tục rơi tự do?

Bada là HĐH do Samsung phát triển và hiện cũng chỉ có hãng này sản xuất phần cứng cho nó. Tuy cùng chiếm 2% thị phần như WP 7, nhưng Bada không có lực hỗ trợ. Lực này, được tính bằng sự chú ý của người dùng, hệ sinh thái ứng dụng xung quanh nó. Hơn nữa, Samsung vẫn còn đang ngây ngất trên ngôi vương Android, nên Bada vẫn chỉ như một đứa con thứ trong gia đình những chiếc điện thoại thông minh của nhà sản xuất Hàn Quốc mà thôi. Đầu năm nay, Samsung tuyên bố sẽ hợp tác với Intel để ra mắt HĐH Tizen, kẻ kế tục Meego và tính kế hoạch sát nhập Bada vào với Tizen. Tizen nhận được khá nhiều sự hợp tác từ các nhà sản xuất điện thoại di động như Panasonic Mobile,NEC Casio ,NTT Docomo,.. Tizen chính là nỗ lực thứ 3 của Intel trong xây dựng HĐH di động, sau Maemo và Meego bất thành. Được sự hỗ trợ của một đại gia như Intel, Samsung có một chỗ dựa vững chắc để xa rời Android và tiếp sức cho Bada. Nhưng đoan chắc, Android vẫn là lựa chọn số 1 của Samsung trong năm nay.

WebOS – HĐH đã gần sát bờ vực diệt vong đã được HP vãn hồi lại khi hãng công nghệ này thay CEO mới. Nhưng tương lai webOS cũng quá mờ mịt: đội ngũ lập trình viên chán nản sau tuyên bố khai tử hồi tháng 6 đã bỏ chạy sang các nền tảng khác, chưa có nhà sản xuất nào cam kết sẽ sử dụng nền tảng webOS khi mà chính cha đẻ HP phủ nhận việc tiếp tục sản xuất điện thoại thông minh.

Bản quyền sáng chế – vũ khí sắc bén

Năm 2011 chứng kiển rất nhiều vụ kiện bản quyền sáng chế giữa các nhà sản xuất điện thoại, và năm nay những vụ lùm xùm này có xu hướng tăng lên. Android với vị thế là HĐH chiếm hơn phân nửa thị trường sẽ trở thành mục tiêu nhắm tới của 2 đối thủ nặng ký Microsoft và Apple, cùng rất nhiều công ty khác.

Những công ty như Oracle muốn dùng các vụ kiện bản quyền để kiếm tiền từ Android.Apple vừa muốn hướng tới việc kiếm được tiền và ngăn chặn sự phát tác của Android. Microsoft vừa kiếm tiền, vừa ngăn bước Android, vừa để làm chiêu bài ép các công ty dùng Android chế tạo thêm di động chạy WP 7. Mỗi công ty một mục đích, nhưng cũng đủ để làm Android liêu xiêu, các nhà sản xuất di động tổn hại cả về kinh tế và niềm tin với HĐH nguồn mở dẫn đầu thị trường.

Chính sức ép từ quá nhiều đối thủ đã dẫn tới việc Google chịu chi 12,5 tỷ USD để mua lại công ty di động Motorola Mobility. Nhưng thương vụ chấn động đó lại có nguy cơ trở thành con dao hai lưỡi. Một mặt Google có thể dùng “chiếc ô hạt nhân” từ kho 17.000 bằng sáng chế của Motorola để bảo vệ các đối tác. Nhưng một mặt cũng các đối tác này lại lo sợ khả năng Google độc chiếm cả việc sản xuất cả phần cừng và phần mềm để tối đa hóa lợi nhuận theo tấm gương từ Apple.

Thương vụ Google – Motorola khiến RIM, webOS trở thành đối tượng mua lại; Samsung, LG và các nhà sản xuất di động Hàn Quốc khác thì được lệnh của chính phủ để hợp tác sản xuất một HĐH khác, Samsung đổ thêm tiền vào nghiên cứu phát triển Bada để tránh quá phụ thuộc vào Android, Microsoft có thêm cơ hội mồi chài các nhà sản xuất khác để họ chuyển một phần năng lực của mình sang sản xuất WP7.

Bằng sáng chế sẽ là mục tiêu cho nhiều thương vụ mua lại trong năm nay. RIM và bộ phận di động của HP là những cái tên đứng đầu danh sách. RIM sở hữu HĐH đang đứng thứ 3 thị trường và có một lượng khách hàng lớn trong giới doanh nghiệp. Nên nếu các nhà sản xuất điện thoại Android muốn có lối thoát khỏi HĐH này khi nó trở nên quá phụ thuộc vào Google, RIM là một lựa chọn không tồi. WebOS thực tế hiện tại chỉ có giá ở những bản quyền của Palm ở mảng di động. Bởi Palm trước khi bị HP mua lại đã là một hãng có thâm niên sản xuân di động trong gần 20 năm, từ sơ kỳ của ngành sản xuất điện thoại di động. Vì thế bộ phận này nắm giữ khá nhiều bản quyền công nghệ di động, vũ khí quan trọng trong cuộc chiến bản quyền gay gắt hiện nay.

Những công nghệ kết nối mới dần phổ biến

Năm nay sẽ chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của các mẫu điện thoại có kết nối 4G. Hai trong số những chiếc điện thoại xuất sắc nhất tại CES 2012 chính là HTC Titan II và Nokia 900, những chiếc điện thoại sử dụng công nghệ kết nối tân tiến nhất này. So với chỉ một số ít mẫu xuất hiện, và không được thành công lắm trong năm 2011, thì mẫu mã các điện thoại kết nối 4G năm nay đa dạng hơn nhiều. Với khả năng cung cấp đường truyền tải xuống lên tới 75Mbps và tải lên 25Mbps.

Hiện những chiếc điện thoại 4G phát triển chủ yếu ở Mỹ và công nghệ 4G áp dụng trên di động LTE đang thắng thế. Gần đây Sprint Tel, mạng di động lớn thứ 4 của Mỹ đã tuyên bố không ra thêm điện thoại 4G-WiMAX để tập trung vào LTE, dù đây là hãng viễn thông ra mắt chiếc điện thoại 4G-WiMAX đầu tiên: HTC EVO 4G. Như thế chuẩn 4G LTE đã trở thành chuẩn chung cho những di động siêu kết nối thế hệ mới nhất một cách không chính thức.

Công nghệ tiếp theo gây được sự chú ý gần đây là NFC (Giao tiếp tầm gần). NFC được biết đến với khả năng truyền tải dữ liệu cực nhanh, cho phép thanh toán như thẻ tín dụng và có thể dùng cho các quảng cáo tương tác. NFC được nhiều hãng công nghệ hỗ trợ và hứa hẹn sẽ phổ biến trên thị trường trong năm nay. Nokia đã tuyên bố từ năm 2011, tất cả smartphone của hãng này sẽ dùng công nghệ NFC. Google cũng rất hào hứng với NFC, HĐH Android 4.0 Ice Cream Sandwich đã hỗ trợ hoàn chỉnh NFC. Với sự hỗ trợ của nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới và HĐH đang chiếm hơn nửa thị phần điện thoại thông minh, NFC có rất nhiều không gian để phát triển. Hiện Apple chưa có thông báo rõ ràng về việc có áp dụng NFC trên các sản phẩm chạy iOS hay không. Nhưng dù có thiếu vắng Apple, con thuyền NFC cũng đã no gió và sẽ trở thành một nền tảng thông dụng, một kết nối không thể thiếu như WiFi hay Bluetooth hiện tại.

Sự phổ thông của NFC sẽ kích thích việc ra đời các thiết bị phù hợp chuẩn này và tạo ra một số thay đổi quan trọng trên thị trường. Thứ nhất, thanh toán di động nhờ NFC sẽ phát triển lên một bước mới, các điểm tích hợp thanh toán sẽ được hỗ trợ thêm công nghệ NFC. Thứ hai, năm nay chúng ta sẽ chứng kiến nhiều chiến dịch marketing và quảng bá cho công nghệ mới này. Rõ ràng, các công ty như Google, Nokia và các hãng sản xuất điện thoại hỗ trợ NFC khác sẽ chi đậm tiền để giới thiệu cho khách hàng và người dùng những lợi thế của NFC. Qua đó, hướng khách hàng tới mua sắm những chiếc hỗ trợ chuẩn kết nối mới này.

Miên Viên

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM