Bitcoin sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân hàng trên thế giới?
Bitcoin có thể là sự chuyển đổi mô hình dành cho những người không có ngân hàng.
Trong khi bitcoin còn phải vất vả để hấp dẫn được nhiều người sử dụng hơn thì những người ủng hộ đồng tiền kĩ thuật số này đang quay sang một lượng “khán giả” mới để quảng bá cho nó: những người sống trong các vùng không có ngân hàng
Theo Ngân hàng thế giới (WB), hiện có hơn 2 tỉ người trưởng thành thiếu sự tiếp cận những dịch vụ tài chính như tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng để tiết kiệm và vay mượn tiền, phần lớn trong số này hiện đang sống tại các vùng nông thôn và thường có mức sống dưới 5 USD/ngày.
“Bitcoin có thể là sự chuyển đổi mô hình dành cho những người không có ngân hàng,” Michael Fraser, trưởng bộ phận tin tức tại Hiệp hội Kế toán Úc và New Zealand (CAAZ), nói với CNBC. “Những tác động do điều này mang lại là rất nhiều: sẽ có thay đổi về công nghệ, chính trị và kinh tế.”
“Lợi ích lớn nhất của bitcoin đối với nhóm người này nằm ở khả năng chuyển tiền và thanh toán của nó,” Fraser nói. Khi số người sở hữu điện thoại thông minh ở các quốc gia đang phát triển bùng nổ, bitcoin là sự thay thế rẻ hơn cho những công ty chuyển tiền truyền thống như Western Union. “Nó có mức phí rẻ hơn, chỉ 1% so với mức tiêu chuẩn là 5%, ngoài ra nó rất nhanh chóng, không giống như những dịch vụ truyền thống khác phải xử lý nhiều lần,” Fraser nói thêm.
Giá cả không ổn định là một lý do lớn khiến cho đồng tiền kĩ thuật số này vẫn chưa chinh phục được phần lớn người dùng. Theo chỉ số giá của Coindesk, cách đây một năm 1 bitcoin tương đương với 665 USD nhưng hiện tại chỉ giao dịch ở mức 267 USD/bitcoin. Tuy nhiên, mối đe dọa của sự không ổn định này sẽ không còn tồn tại trong những vụ chuyển tiền.
“Một số giải pháp thanh toán bằng bitcoin trên thị trường cho phép người dùng ấn định tỉ giá trước khi thực hiện thanh toán. Với một tỉ giá được thỏa thuận trước, sẽ không có rủi ro nào về sự thay đổi tỉ giá vì người gửi sẽ biết người nhận sẽ nhận được bao nhiêu trước khi nó được gửi,” Zennon Kapron, giám đốc điều hành tại KapronAsia và cũng là người theo dõi bitcoin lâu nay, cho biết.
Thêm vào đó, bitcoin cũng có thể thúc đẩy những doanh nghiệp nhỏ và trung bình (SMEs) ở các quốc gia đang phát triển. “Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang vất vả cạnh tranh với quốc tế vì những chi phí liên quan đến việc chấp nhận những loại tiền tệ khác và phí giao dịch. Bitcoin cơ bản loại bỏ được những mối lo lắng này bằng cách vận hành theo một định dạng thuần kĩ thuật số,” một bản báo cáo của PwC và CAAZ cho biết.
Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là hiện còn rất nhiều thử thách phía trước. “Sự khác biệt về công nghệ vẫn là trở ngại lớn,” Vishal Gupta, đồng sáng lập Liên minh Bitcoin Ấn Độ, cảnh báo. “Hầu hết những khu vực không có ngân hàng (ở Ấn Độ) đều có trình độ dân trí thấp, thậm chí là không biết đọc, biết viết. Thuyết phục được họ tin tưởng vào bitcoin sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.” Ông cũng lưu ý rằng hiện chỉ có khoảng 15-20,000 người đang sử dụng bitcoin ở quốc gia lên tới 1.2 tỉ dân này.
Giải pháp cho những đồng tiền dễ thay đổi giá trị?
Nghèo đói thường được cho là yếu tố chính đứng sau nhóm người không có khả năng tiếp cận ngân hàng, nhưng những yếu tố khác như sự thay giá trị liên tục của tiền tệ cũng được cho là một nguyên nhân. Chẳng hạn như theo Franco Amati, đồng sáng lập của trung tâm tiền tệ ảo Espacio Bitcoin, ở Argentina, một tỉ giá hối đoái “giả tạo” do chính phủ quy định đang bắt buộc mọi người tránh xa đồng peso.
“Nếu bạn nhận được USD ở Argentina, Ngân hàng trung ương nước này sẽ giao cho bạn ít peso hơn (khoảng 30 - 35%) so với giá thật sự trên thị trường. Nhưng nếu bạn mua bitcoin ở nước ngoài và gửi chúng cho ai đó ở Argentina thì người Argentina sẽ có thể bán chúng theo một tỉ giá thực và nhận được 100% số tiền, trừ đi một mức phí nhỏ.”
Fraser cũng đồng ý rằng cất giữ bitcoin từ trung hạn đến dài hạn có thể là một giải pháp thay thế hấp dẫn cho những tiền tệ dễ thay đổi giá trị. Nga, một quốc gia đang phải gánh chịu khủng hoảng tiền tệ, đã chứng kiến lượng giao dịch giữa đồng ruble và bitcoin tăng gần 250% trong tháng 12 năm ngoái, thời điểm mà đồng ruble sụp đổ vì giá dầu rớt thê thảm.