Xót cảnh bác sĩ tận dụng găng tay nilon, kim để truyền dịch phải đi mượn... ở BV Bạch Mai
Sau sự việc hơn 200 cán bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc, nhiều lý do, nhiều câu chuyện xót xa đã được giãi bày. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến họ phải rời khỏi môi trường tốt nhất của ngành y.
Những ngày nay, nhiều người đang công tác làm việc tại bệnh viện Bạch Mai và cả nhiều người đã rời khỏi môi trường liên tục bàn tán xôn xao về vấn đề nhân sự sau thông tin hơn 200 cán bộ, nhân viên nghỉ việc, đổi lại 506 nhân sự được tiếp nhận mới.
Đối với nhiều người trong số họ, có lẽ đây là lần đầu tiên phải chứng kiến một giai đoạn chuyển tiếp của lãnh đạo đầy "sóng gió".
Môi trường đổi mới hoàn toàn
Để có cái nhìn khách quan và tổng thể, chúng tôi đã gặp nhiều người đang công tác tại bệnh viện, có cả những người mới chuyển công tác để tìm hiểu sự việc.
Trao đổi với chúng tôi, một bác sĩ hơn 20 năm công tác tại bệnh viện hết sức buồn bã, ông chia sẻ rằng: "Trải qua mấy đời lãnh đạo, chưa bao giờ Bạch Mai có sự thay đổi lạ kỳ như bây giờ. Chúng tôi muốn kiên trì chờ đợi sự thay đổi tốt đẹp và phát triển. Tất cả vì bệnh nhân, vì cuộc sống nên dù gì vẫn phải "rào" cây mình đang ăn".
Thế nhưng, vị bác sĩ lâu năm này vẫn không thể giấu được những gì đang đau đáu cùng đồng nghiệp và cả những nhân viên dưới quyền của ông phải chịu đựng.
"Hiện nay tất cả các cán bộ nhân viên đều phải làm việc với công suất rất căng thẳng, đã vậy tâm lý anh chị em bị xáo trộn. Không hiểu điều gì sẽ đến nếu tình trạng môi trường làm việc như bây giờ vẫn tiếp diễn, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 thì mọi thứ bắt đầu bị ảnh hưởng, không phải vậy mà coi đó là lý do khó khăn để tất cả đè lên vai đội ngũ cán bộ, nhân viên và người bệnh nhân..."
Hình ảnh các bác sĩ phải tận dụng găng tay ni lông
Nói xong, vị bác sĩ chia sẻ những câu chuyện chẳng khác gì bác sĩ thời chiến: "Chẳng khác gì thời chiến thật, chúng tôi phải tận dụng các loại vật tư tiêu hao trong điều kiện cực kỳ khan hiếm. Ví dụ găng tay phải tiết kiệm, thậm chí tận dụng loại găng tay ni lông".
Theo vị bác sĩ này, không chỉ khoa của ông mới trong tình trạng như vậy, mà mới đây ông đưa người thân đi mổ tại một khoa bên cạnh cũng chứng kiến cảnh tương tự.
"Trong lúc đó, tôi chứng kiến nhân viên kỹ thuật phải đi vay mượn cái kim 3 chạc để truyền, lẽ ra những thứ này không thể thiếu được và luôn có sẵn", bác sĩ cho biết, có thể do cơ chế bệnh viện trong thời gian này chưa mở được thầu...
Thông báo về vật tư tiêu hao
Tăng học phí đào tạo chuyên khoa
Một bác sĩ chia sẻ, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên có lớp đào tạo chuyên khoa cho các học viên ở tuyến dưới theo chỉ đạo tuyến, ngay sau khi dịch Covid-19 vừa hết, lãnh đạo bệnh viện lập tức tăng học phí, khiến cho bất cứ ai cũng đều thất vọng.
"Các thời lãnh đạo trước thường tạo mọi điều kiện để học viên các tỉnh về học nâng cao trình độ, nhờ đó mà bệnh nhân được hưởng. Thậm chí, để tạo thuận lợi, hỗ trợ các địa phương, Bệnh viện Bạch Mai đưa cả máy móc thiết bị, nhân lực về quê, hỗ trợ học viên bằng mọi cách. Cụ thể là học viên ở tỉnh lẻ về học sẽ được ở khu nhà lưu trú với giá ưu đãi, thế nhưng bây giờ thì phải tự lo, bên ngoài lập tức đưa chương trình home stay vào giới thiệu để học viên ra đấy ở", người này chia sẻ.
"Trong khi mọi tổ chức xã hội chung tay vì bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhưng học viên phải đóng học phí, có bảng giá, phiếu thu đàng hoàng", một học viên khẳng định rất nhiều người từng tham gia học nâng cao ở đây đều không hài lòng về quyết sách mới này.
Vị bác sĩ này nói rằng; những sự việc như trên đều được đưa ra các cuộc họp để tham mưu cho lãnh đạo nhưng không được lắng nghe, không được chấp nhận.
Đã từng có vị trưởng khoa chỉ vì bị lãnh đạo "chỉ mặt" tại cuộc họp, ức chế nên cuối cùng xin nghỉ hưu sớm: "Hôm nay các anh có thể được ngồi đây với tư cách trưởng khoa, nhưng ngày mai các anh có thể chỉ là một bác sĩ thường", lời thuật lại của một người nghỉ việc.
Khu căng tin dành cho cán bộ nhân viên, người nhà bệnh nhân đã bị đóng cửa hơn 1 năm, trong khi đó tại bệnh viện không có bất kỳ dịch vụ nào phục vụ nhu cầu người dân khi cần
Nhiều cán bộ nhân viên bệnh viện đã nghỉ việc đều khẳng định, họ ra đi không phải vì nhu cầu, mà do chế độ làm việc đổi mới quá nhanh, quá xa với thực tế.
221 người nghỉ việc và 506 nhân sự mới, con số mâu thuẫn?
Chiều 15/4, trao đổi với chúng tôi liên quan đến thông tin 221 cán bộ, nhân viên nghỉ việc nhưng Bệnh viện lại tuyển ồ ạt 506 nhân sự, ThS. BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, việc tuyển dụng hơn 500 nhân sự “không phải ồ ạt”.
Theo ông Thành, do nhu cầu của bệnh viện phát triển nhiều chuyên khoa mới nên phải tuyển dụng nhân sự mới phù hợp. Ông đưa ra ví dụ như phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ…
“Khi chuyên khoa chuyên môn sâu thì mở rộng nhân sự là điều cốt yếu. Bên cạnh đó, các yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ thì điều dưỡng được bổ sung, hộ lý, đội ngũ hướng dẫn viên lên đến hàng trăm người…. Tất cả nhân sự nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Không phải vì không có tiền mà bệnh viện không tuyển dụng nhân sự thêm”, ông Thành nói.
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ thêm: “Tuyển nhiều nhân lực như vậy nhưng nhiều bộ phận còn kêu đang quá vất vả. Phải đủ nhân lực mới vận hành được bệnh viện, không tuyển lấy đâu ra người làm”.