Xin hãy tôn trọng "nhịp điệu" chậm chạp của con: 99% cha mẹ đều không biết tác hại của việc hối thúc con nghiêm trọng đến thế nào!

08/05/2022 14:50 PM | Sống

Ngày xưa, các bậc cha mẹ hay dặn con cái là "đi chậm thôi, coi chừng té", "ăn từ từ thôi, mắc nghẹn đó con", nhưng ngày nay đã khác, hầu như trẻ con đều phải nghe cha mẹ mình nói như thế này, "ăn cơm nhanh lên", "đàn nhanh lên", "học nhanh lên", thậm chí là "chơi nhanh lên".

Có thể nói đây là một phương pháp "huấn luyện" chứ không còn là phương pháp dạy con nữa, cũng chính vì tính khắc nghiệt của nó nên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của trẻ sau khi trưởng thành.

Mỗi lần nhìn thấy cô con gái hai tuổi vụng về nhấc thìa nhỏ ăn từng muỗng, phải 5 phút mới cắn được một miếng, Lâm lại không kìm lòng được mà bắt đầu liên tục thúc giục con "nhanh lên, nhanh lên", nếu cảm thấy thúc giục không hiệu quả, thì cô ấy sẽ chủ động giành lấy cái thìa và đút cho con luôn.

Mỗi sáng lúc 6 giờ 30 phút, tôi đều rất bực bội, giờ học đã sắp muộn vậy mà cậu con trai năm tuổi của tôi vẫn còn đang "từ tốn" soạn cặp sách. Thông thường thì tôi sẽ nhẹ nhàng thúc giục con, nhưng hầu như chẳng có chút hiệu quả gì, vì vậy ngày nào đưa con đi học cũng giống như ra chiến trận vậy.

Trong công viên trẻ em, một đứa bé cứ mãi đứng nhìn trái bóng được treo trên sợi dây, đưa tới rồi lại đưa lui… Bà mẹ ở bên cạnh cáu gắt đi lại nói: "Chơi mãi một trò thì có gì vui? Nếu con cứ chơi trò này mãi thì sẽ chẳng có thời gian chơi những thứ khác đâu!" Nói xong bà mẹ đó cũng đã mất kiên nhẫn, liền dắt tay đứa con kéo đi. Còn đứa trẻ thì cứ loay hoay luyến tiếc ngoáy đầu nhìn lại món đồ chơi đó.

Cảnh thúc giục, thậm chí làm thay con mọi việc đã không còn quá xa lạ với các bậc phụ huynh ngày nay nữa phải không? Người lớn luôn muốn trẻ em phải hành động theo nhịp điệu của mình, làm theo cách của mình. Nhưng thực tế, nhịp sống của người lớn và trẻ em rất khác nhau. Trẻ em có nhịp điệu riêng, nếu muốn tốt cho chúng thì chúng ta nên thuận theo nhịp điệu sinh lý tự nhiên này. Nếu nhịp sống của trẻ quá nhanh sẽ ảnh hưởng đến quá trình bài tiết hormone của cơ thể, gây tổn thương cho cả thể chất và tinh thần.

Xin hãy tôn trọng nhịp điệu chậm chạp của con: 99% cha mẹ đều không biết tác hại của việc hối thúc con nghiêm trọng đến thế nào! - Ảnh 1.

Tại sao cha mẹ cứ thúc giục con cái? Vì các bậc cha mẹ cảm thấy con mình quá chậm chạp, làm ảnh hưởng đến nhịp điệu của chính mình, nên họ thường muốn can thiệp vào nhịp điệu của con.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng cha mẹ hiện nay hoàn toàn không quan tâm đến nhịp điệu của con cái vì họ trong vô thức luôn đặt bản thân lên hàng đầu, muốn con mình đồng điệu với mình. Cha mẹ thường nghĩ rằng chúng ta là một gia đình, một chỉnh thể, nên có nhịp sống đồng điệu với nhau là điều đương nhiên.

Tiềm thức ăn sâu này chính là nguyên nhân ngăn cản các bậc cha mẹ quan tâm hơn đến những cảm xúc đặc biệt của con cái. Thứ hai là vì họ nghĩ nếu hành vi hằng ngày của trẻ quá chậm chạp thì tương lai khi chúng trưởng thành cũng sẽ như thế.

Việc này có thể khiến trẻ nhận định rằng mình đúng là một người chậm chạp, ảnh hưởng đến các bé khi trưởng thành sẽ mang theo một bóng ma tâm lý. Đáng buồn là, hầu hết các bậc cha mẹ đều không nhìn thấy điều này, tất cả những gì họ thấy chỉ là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong tương lai, nên họ đã trở nên lo lắng, nhạy cảm và đầy hoang mang. Vì vậy họ nghiễm nhiên cho mình cái tư cách "huấn luyện" con mình một cách khắc nghiệt.

Xin hãy tôn trọng "nhịp điệu" của con!

Tôn trọng sự chậm chạp của trẻ!

Thúc giục trẻ là một hiện tượng bình thường trong cuộc sống, có tác dụng giáo dục trẻ và giúp trẻ thích nghi với thế giới bên ngoài. Nhưng khi sự thúc giục xuất hiện quá nhiều trong cách dạy trẻ, thì ngược lại nó thường biểu thị cho sự lo lắng của chính cha mẹ. Những bậc cha mẹ không vượt qua được những nỗi lo này, nên đã truyền chúng cho con cái của họ mà chẳng để tâm rằng tác hại sẽ khủng khiếp đến cỡ nào.

Thường xuyên bị cha mẹ thúc giục, trẻ em sẽ tự hỏi, có phải mình đã sai thật không? Mình thật sự vô dụng như vậy sao? Sự lo lắng được cha mẹ "ban tặng" cũng sẽ lớn dần lên, những điều tiêu cực đó sẽ tiếp tay cho những suy nghĩ chán ghét cha mẹ được hình thành trong trẻ. Lúc đó, trẻ từ "chậm chạp tự nhiên" sẽ trở thành "cố ý chậm chạp" để chọc tức cha mẹ.

Đương nhiên, đổ hết lỗi cho cha mẹ như vậy là không công bằng, bởi cha mẹ cũng đang phải chịu áp lực rất lớn. Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, nhịp sống vội vã vốn cũng không có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần của cả người trưởng thành, nên việc tìm ra một nhịp điệu thích hợp để chăm sóc con cái là điều rất cần thiết.

Xin hãy tôn trọng nhịp điệu chậm chạp của con: 99% cha mẹ đều không biết tác hại của việc hối thúc con nghiêm trọng đến thế nào! - Ảnh 2.

Nếu chúng ta thường xuyên cảm thấy bản thân bị buộc phải tăng nhanh nhịp sống, mệt mỏi nhưng không thể dừng lại, đó là bởi vì trong tiềm thức chúng ta tồn tại một số nỗi sợ nhất định cần phải được chữa lành, ví như: nỗi sợ thời thơ ấu với người lớn tuổi hoặc giáo viên, sợ chết, sợ trạng thái tiêu cực và trầm cảm, sợ trống rỗng và hoang mang, v.v..

Giáo dục con cái là một quá trình dài, chúng ta phải biết tích tiểu thành đại, không tích những nguồn nước nhỏ thì làm sao tạo nên được một dòng suối to? Tâm lý xã hội vội vã đã ảnh hưởng đến ý thức của phụ huynh, khiến chúng ta nóng vội muốn xem kết quả, mà thường bỏ qua tầm quan trọng của quá trình. Đối với sự phát triển lâu dài của trẻ em, việc đưa sự cạnh tranh vào cuộc sống của chúng quá sớm sẽ mang tính phá hoại hơn là xây dựng. Những đứa trẻ lớn lên trong bầu không khí lo lắng, cạnh tranh sẽ dễ có cảm giác bất lực, tự ti và mất cân bằng tâm lý.

Thân là cha mẹ, chúng ta phải biết thử sống chậm lại cùng con. Làm như vậy không chỉ là vì chất lượng cuộc sống gia đình mà còn có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của trẻ.

Một nữ nhà văn người Đài Loan rất nổi tiếng, tên Long Ứng Đài, với tư cách là một người mẹ, bà rất tôn trọng nhịp điệu của con trẻ, và bằng trí tuệ của mình, bà đã giải quyết được mâu thuẫn giữa sự nghiệp cá nhân và việc làm mẹ, chuyện này đã gây xúc động và truyền cảm hứng cho vô số độc giả.

Bà viết trong cuốn sách "Child, Take Your Time" rằng: "Tôi, đang ngồi trên bậc thềm nơi tịch dương đang chiếu rọi, nhìn đứa trẻ có đôi mắt trong veo đang chăm chú làm một việc. Đúng vậy, tôi sẵn sàng đợi con cả đời chỉ để nó thắt thành công một chiếc nơ với bàn tay nhỏ nhắn mới 5 tuổi của mình. Con à, từ từ thôi, từ từ thôi..."

Trần Anh

Cùng chuyên mục
XEM