Xác định cho được phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa

25/07/2018 20:45 PM | Xã hội

Phát biểu tại Hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngày 25/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo chỉ ra một thực tế là nhiều nhà đầu tư không đầu tư vào lĩnh vực hoạt động chính mà nhằm chủ yếu vào giá trị quỹ đất, mà việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là một ví dụ. Phó Thủ tướng chỉ đạo cần xác định cho được phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa.

IPO và bán cho cổ đông chiến lược 16 doanh nghiệp

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, 6 tháng đầu năm, có 19 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa với số vốn điều lệ 22.026,38 tỷ đồng. Đã bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và bán cho cổ đông chiến lược 16 doanh nghiệp (8 doanh nghiệp phê duyệt phương án cổ phần hóa năm 2017, 8 doanh nghiệp của năm 2018), thu về 22.457,29 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, 16 doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 136.205,37 tỷ đồng; trong đó có một số doanh nghiệp quy mô lớn như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam…

Về thoái vốn, có 42 doanh nghiệp được thoái vốn nhà nước với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng (gấp 3,08 lần giá trị sổ sách). Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055,29 tỷ đồng, trong đó thu từ cổ phần hóa 22.457,29 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 5.598 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hầu hết các phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bao gồm 249 doanh nghiệp phải thực hiện sắp xếp theo quy định; còn 1 địa phương là Hà Nội chưa phê duyệt. Có 160/249 đơn vị đã thực hiện sắp xếp lại, trong đó Nhà nước tiếp tục duy trì giữ 100% vốn điều lệ 78 đơn vị; hoàn thành phương án cổ phần hóa 42 doanh nghiệp; chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên 12 doanh nghiệp; phê duyệt phương án và thực hiện giải thể được 23 doanh nghiệp, chuyển thành Ban quản lý rừng 5 doanh nghiệp.

Sau hơn một năm triển khai xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, 2 trong số 6 nhà máy trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung đến nay đã có lãi, 4 dự án còn lại (Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2-Lào Cai, Công ty đóng tàu Dung Quất) đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định. Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần (Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ).

Đối với ba dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 2 dự án còn lại là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng.

Các dự án đi vào hoạt động ổn định và các dự án vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã bảo đảm duy trì việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị-xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc xử lý dứt điểm, hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch, lộ trình đề ra; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, danh mục doanh nghiệp thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) giai đoạn từ 2017 - 2020 là 62 doanh nghiệp. Tổng hợp của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2017 có 24 doanh nghiệp đã chuyển giao về SCIC với số vốn là 821,14 tỷ đồng, còn lại 38 doanh nghiệp chưa chuyển giao với số vốn nhà nước là 10.460 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SCIC tiếp nhận được 3 doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước là 64.531 doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 648,967 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Vấn đề vướng mắc nhất trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, được các đại biểu trao đổi tại Hội nghị là việc định giá đất. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, hiện mới sắp xếp được 160/289 công ty nông, lâm nghiệp là do phương án tổng thể khi xây dựng chưa sát với thực tế, chủ yếu là vấn đề đất đai, rà soát sử dụng đất hầu hết trên sổ sách, chưa triển khai trên thực địa nên sau sắp xếp điều chỉnh quy hoạch không phù hợp. Việc khoán đất rừng phức tạp, sau khi nhận khoán chuyển đổi qua nhiều chủ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các công ty nông, lâm trường chậm.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, khó khăn chủ yếu là xác định nguồn gốc đất đai, khó xác định được qua các thời kỳ để đảm bảo tính pháp lý. Theo số liệu của 47/63 tỉnh và 36/74 tập đoàn có báo cáo, đất do các doanh nghiệp trực thuộc tỉnh, thành phố quản lý thì việc lấn chiếm, tái lấn chiếm không đáng kể, nhưng của các tập đoàn, tổng công ty thì tình trạng tái lấn chiếm, chưa đưa vào sử dụng là rất lớn, số bị tái lấn chiếm trong năm 2017 là 4.639ha.

Xác định cho được phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa  - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Không cổ phần hóa bằng mọi giá

Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước từ 2016 đến nay là 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng thu của cả 5 năm 2011 – 2015 (cổ phần hóa đến hơn 90% số lượng doanh nghiệp nhưng chỉ thu về 78.000 tỷ đồng), cho thấy chất lượng và độ sâu của cổ phần hóa, thoái vốn. Nhờ đó, tổng số tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước nộp ngân sách đã đạt được 115.000 tỷ đồng trên tổng kế hoạch của cả 5 năm là 230.000 tỷ đồng, xấp xỉ 50% kế hoạch tài chính công trung hạn 5 năm.

Phó Thủ tướng cho biết, toàn bộ tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về ngân sách để đầu tư xây dựng cơ bản.

“5 năm đầu tư công vốn ngân sách Trung ương là 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó có 250.000 tỷ đồng là tiền bán vốn và cổ phần hóa. Tất cả được đưa vào ngân sách và Quốc hội lập dự toán, quyết định theo quy trình kế hoạch đầu tư công,” Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng ghi nhận những kết quả tích cực trong sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp; cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển doanh nghiệp và việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương, trong đó có một số dự án đắp chiếu đã hoạt động trở lại, có lối ra.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn sắp xếp doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân khách quan là do quá trình thực hiện các quy định mới chặt chẽ hơn, “vì không thể hy sinh chất lượng lấy tiến độ, không phải cổ phần hóa bằng mọi giá. Quan trọng là lợi ích thu được và sau cổ phần hóa, công tác quản trị và hiệu quả của doanh nghiệp thế nào.”

Đặc biệt, vấn đề thống kê, phê duyệt, rà soát phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp là khó khăn, vướng mắc lớn nhất. Do tập trung IPO những doanh nghiệp lớn nên việc định giá, thẩm định giá trị doanh nghiệp kéo dài so với trước đây.

Nhấn mạnh nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp hoàn thiện báo cáo để báo cáo chính thức với Thủ tướng, Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi các Văn phòng Trung ương, Văn phòng Quốc hội nắm tình hình kiểm tra, đôn đốc và giám sát.

Các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo tại Thông báo số 72, hoàn thiện khung khổ pháp lý, có thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2017/NĐ-CP chuyển doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn thành công ty cổ phần và Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Chúng ta tìm nhà đầu tư rõ ràng chứ không phải nhà đầu cơ. Việc thoái vốn căn bản phải chuyển qua niêm yết, giá do thị trường quyết định là chính. Chúng ta là nước chưa có nền kinh tế thị trường hoàn hảo nên việc định giá rất quan trọng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Dẫn chứng Sabeco chưa niêm yết tổng giá trị 3 tỷ USD, sau 1 năm niêm yết, bán 53%, thu về 5 tỷ USD, tức là giá trị của tập đoàn là 10 tỷ USD, gấp hơn 3 lần, Phó Thủ tướng nêu quan điểm phải đưa ra niêm yết công khai trên thị trường rồi mới thoái vốn. Các doanh nghiệp nếu đủ điều kiện dứt khoát phải đưa lên niêm yết, thị trường sẽ hình thành giá để đấu giá công khai. Bộ Tài chính cần rà soát lại thêm vấn đề này.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban Chỉ đạo tổng hợp tình hình thực hiện rà soát kế hoạch điều chỉnh cổ phần hóa, thoái vốn theo kết luận cá biệt của Thủ tướng Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương, định vị kế hoạch điều chỉnh bổ sung; không chạy theo tiến độ, lấy thực chất là chính, tránh "dục tốc bất đạt."

Văn phòng Chính phủ có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty yêu cầu phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, công ty nông lâm nghiệp; có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành để phục vụ hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước tới đây.

Văn phòng Chính phủ trích lục những việc chưa hoàn thành, gửi các bộ, ngành, địa phương kèm công văn đôn đốc; có văn bản rà soát danh mục bàn giao doanh nghiệp về SCIC, tinh thần là cố gắng bàn giao hết. Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi các địa phương quán triệt và đôn đốc việc lập, phê duyệt phương án sử dụng đất phục vụ cổ phần hóa. Ủy ban Chứng khoán nhà nước cùng các bộ, ngành rà soát, đôn đốc những doanh nghiệp mà Bộ Tài chính đã chuyển danh sách nhưng chưa niêm yết, công bố công khai cho Chính phủ và Quốc hội giám sát./.

Theo Chu Thanh Vân

Cùng chuyên mục
XEM