"X-quang" cơ thể nhìn thấu những điều lạ sẽ xảy ra khi ăn no "vỡ bụng": Dạ dày đang như quả nho khô dần phình to chèn ép cơ quan nội tạng

30/01/2024 11:33 AM | Sống

Bạn đã bao giờ ăn nhiều đến nỗi bụng muốn nổ tung chưa? Nếu câu trả lời là có thì đây sẽ là những điều diễn ra bên trong cơ thể bạn.

Bạn đã bao giờ ăn nhiều đến nỗi bụng muốn nổ tung chưa? Hầu như tất cả chúng ta đều đã ít nhất một lần ăn no quá mức, đó có thể là bữa ăn ngày lễ Tết bên người thân, hay tại một nhà hàng thức ăn nhanh mà bạn yêu thích.

Kate Craigen, nhà tâm lý học kiêm Giám đốc tổ chức điều trị chứng rối loạn ăn uống quốc gia Monte Nido & Affiliates, cho biết: "Thật dễ dàng để bị cuốn vào niềm vui ăn uống dịp lễ, hoặc chuyển sang ăn uống như một cách để giải tỏa sự lo lắng và căng thẳng - cả hai đều góp phần gây ra tình trạng ăn quá nhiều".

Nhưng nếu nó trở thành thói quen, việc thường xuyên ăn quá nhiều - đặc biệt là những thực phẩm không lành mạnh - có thể dẫn đến rối loạn ăn uống hoặc tăng cân quá mức.

Điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim, đột quỵ, tiểu đường type II, vấn đề về hô hấp, nhiều loại ung thư và tử vong sớm. Thậm chí, ngay cả trong thời gian ngắn, việc ăn quá no cũng có ảnh hưởng đến cơ thể bạn.

Dưới đây là 6 điều xảy ra với cơ thể khi bạn ăn quá nhiều:

"X-quang" cơ thể nhìn thấu những điều lạ sẽ xảy ra khi ăn no "vỡ bụng": Dạ dày đang như quả nho khô dần phình to chèn ép cơ quan nội tạng - Ảnh 1.

Dạ dày phình to chèn ép các cơ quan nội tạng khi ăn no quá mức

Bụng căng ra và đè lên các cơ quan khác

Hãy tưởng tượng dạ dày của bạn như một quả bóng phồng lên khi bạn ăn. Tiến sĩ Matthew Hoscheit, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Cleveland Clinic (Mỹ), cho biết khi rỗng, dạ dày trông rất giống một quả nho khô. Nó co lại nên không chiếm nhiều diện tích trong bụng.

Khi bạn ăn, dạ dày sẽ căng ra để chứa thêm thức ăn và toàn bộ vùng bụng to lên. Sau đó, nếu bạn tiếp tục ăn, dạ dày sẽ giãn ra đến mức bắt đầu chèn ép các cơ quan nội tạng khác và nó gây ra cảm giác không thoải mái.

Sự trao đổi chất tăng lên

Brittany Werner, chuyên gia dinh dưỡng và giám đốc huấn luyện của Working Against Gravity (Công ty huấn luyện dinh dưỡng trực tuyến), cho biết để giúp cơ thể tiêu hóa tất cả lượng thức ăn đó, quá trình trao đổi chất của bạn sẽ tạm thời tăng tốc sau bữa ăn lớn.

Việc chuyển sang trạng thái chạy quá sức có thể khiến một số người tạm thời cảm thấy nóng, đổ mồ hôi hoặc chóng mặt sau khi ăn quá nhiều.

Tim bơm máu mạnh hơn

Khi bạn ăn quá nhiều, cơ thể sẽ chuyển dòng máu và năng lượng từ não và các cơ quan khác đến ruột. Đó là một phần lý do khiến bạn cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn no. Tim của bạn cũng đập nhanh hơn trong vài giờ để bơm thêm máu mà cơ thể cần cho quá trình tiêu hóa.

"X-quang" cơ thể nhìn thấu những điều lạ sẽ xảy ra khi ăn no "vỡ bụng": Dạ dày đang như quả nho khô dần phình to chèn ép cơ quan nội tạng - Ảnh 2.

Ăn no quá mức sẽ khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi và uể oải

Cảm thấy mệt mỏi và uể oải

Có thể bạn đã nhận thấy rằng mình không có nhiều năng lượng khi bụng "quá căng". Mức năng lượng giảm là bình thường vì cơ thể bạn đang làm việc rất vất vả để tiêu hóa thức ăn.

Sau khi ăn, các cơ quan trong cơ thể cũng tiết ra thêm các enzyme và hormone như leptin và serotonin - có thể góp phần gây ra mệt mỏi. Thậm chí, bạn có thể buồn ngủ và mệt mỏi tới 4 giờ sau khi ăn quá nhiều.

Sau khi ăn quá no, bạn cảm thấy kiệt sức và do đó, điều duy nhất bạn nghĩ đến là nằm xuống. Điều này khiến ruột gửi tín hiệu đến não rằng cơ thể cần được nghỉ ngơi.

Đường huyết tăng đột biến, sau đó giảm xuống

Khi bạn ăn, lượng đường trong máu (glucose) tăng lên, đặc biệt nếu bạn ăn thực phẩm nhiều đường và carbohydrate. Điều đó thúc đẩy cơ thể giải phóng insulin để di chuyển glucose ra khỏi máu và vào tế bào, nơi nó có thể được sử dụng làm năng lượng.

Nhưng khi bạn ăn quá nhiều và quá nhanh, cơ thể không thể theo kịp. Nếu nó không thể giải phóng đủ insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng vọt và sau đó giảm xuống đột ngột. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy bồn chồn, uể oải và mệt mỏi.

"X-quang" cơ thể nhìn thấu những điều lạ sẽ xảy ra khi ăn no "vỡ bụng": Dạ dày đang như quả nho khô dần phình to chèn ép cơ quan nội tạng - Ảnh 3.

Khi ăn quá nhiều sẽ dẫn đến triệu chứng ợ chua, trào ngược axit

Ợ nóng và trào ngược axit

Nhiều người thường bị ợ chua và đầy hơi sau khi ăn quá nhiều. Chứng ợ nóng xảy ra khi axit dạ dày và các chất khác trong dạ dày trào ngược lên thực quản, tạo ra cảm giác nóng rát khó chịu ở ngực. Khi dạ dày bị căng ra do ăn quá nhiều, cơ ngăn cách thực quản với dạ dày có thể tạm thời lỏng ra.

"Nếu bạn đã nhét rất nhiều thức ăn vào dạ dày, thức ăn phải đi đâu đó để trào ngược trở lại thực quản", tiến sĩ Hoscheit nói.

Tăng cân

Theo The Health Site, cùng với hormone tạo cảm giác no, cơ thể cũng sản xuất ra hormone leptin. Hormone này liên kết với các thụ thể của não để cho bạn biết cơ thể có bao nhiêu năng lượng và cần thêm bao nhiêu năng lượng.

Vì vậy, nếu bạn ăn quá nhiều, cơ thể sẽ sản sinh ra lượng hormone này quá mức, liên quan trực tiếp đến lượng chất béo mà bạn có. Nếu tình trạng này tiếp diễn, cơ thể sẽ tạo ra sức đề kháng với leptin, làm gián đoạn khả năng nhận biết bạn đã no hay chưa của não.

Điều này khiến bạn ăn quá nhiều, đặc biệt thèm ăn các loại thực phẩm giàu chất béo và đường, tăng nguy cơ tăng cân.

"X-quang" cơ thể nhìn thấu những điều lạ sẽ xảy ra khi ăn no "vỡ bụng": Dạ dày đang như quả nho khô dần phình to chèn ép cơ quan nội tạng - Ảnh 4.

Đi bộ là một giải pháp hữu hiệu để tiêu hóa bớt thức ăn

Cách tiêu hóa thức ăn nhanh sau khi ăn quá no

- Đi bộ: Sau bữa ăn, bạn nên đi bộ khoảng 10 phút. Đây là cách giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Cần lưu ý, chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng, không nên đi bộ quá nhanh sau ăn để tránh nguy cơ đau bụng, buồn nôn.

- Uống nước detox (giải độc): Đây là loại nước uống có thể giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn và thải lượng natri dư thừa đã tiêu thụ ra ngoài. Tùy theo sở thích mà có thể làm nước detox theo sở thích.

Trong đó, cơ bản nhất là nước chanh. Cách làm cũng rất đơn giản, chỉ cần lấy một cốc nước ấm, sau đó thêm một vài giọt nước chanh. Lưu ý không cho thêm mật ong và muối. Không uống quá nhanh mà hãy uống từ từ để mang lại hiệu quả tốt nhất.

- Không nằm sau khi ăn: Nằm ngay sau bữa ăn có thể tăng nguy cơ kích ứng niêm mạc ống dẫn thức ăn, gây ra tình trạng buồn nôn, trào ngược axit,...

Theo AARP

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM