World Bank: Mỗi năm thiên tai gây thiệt hại hơn 10 tỷ đô cho Việt Nam, 60% do bão lũ
Trên toàn quốc, trung bình thiệt hại tài sản công và tư hàng năm theo sức mua tương đương lên đến 8,1 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 2,7 tỷ đô la Mỹ giá trị thực. Khoảng 60% thiệt hại là do bão và nước dâng do bão. Thiệt hại hàng năm do thiên tai đối với đời sống người dân ước tính vào khoảng 11 tỷ đô la Mỹ, theo sức mua tương đương PPP.
Đô thị hóa nhanh chóng, tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu cũng đồng nghĩa với việc gia tăng rủi ro thiên tai trong tương lai. Ngày càng có nhiều dự án phát triển mới ở các khu vực ven biển trong những vùng có nguy cơ ngập lụt cao vì những nơi an toàn không còn đất trống. Toàn bộ các khu dân cư được xây dựng trên những cồn cát dễ bị xói lở. Ở một số nơi, bờ biển đã lấn vào đất liền tới 300 mét, buộc hàng trăm hộ gia đình phải di dời và thay đổi sinh kế.
Mặt khác, khu vực ven biển lại là nơi có nhiều ngành kinh tế phát triển mạnh, tạo công ăn việc làm cho một cộng đồng có quy mô dân số ngày càng tăng và đang trên đà đô thị hóa nhanh.
Đáng buồn thay, chỉ riêng TP. Đà Nẵng, từ năm 1998 đến năm 2015 đã hứng chịu 26 cơn bão, 13 áp thấp nhiệt đới, 46 trận lũ. Trên toàn quốc, trung bình thiệt hại tài sản công và tư hàng năm theo sức mua tương đương lên đến 8,1 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 2,7 tỷ đô la Mỹ giá trị thực (UNISDR 2015). Khoảng 60% thiệt hại là do bão và nước dâng do bão (100 Thành phố có khả năng chống chịu 2017; Chương trình DRFI của Ngân hàng Thế giới 2019). Nhưng thiệt hại về tài sản không nói lên toàn bộ câu chuyện: thiệt hại hàng năm do thiên tai đối với đời sống người dân ước tính vào khoảng 11 tỷ đô la Mỹ, theo sức mua tương đương PPP (Hallegatte và cộng sự 2016).
Những tác động này gây hậu quả trực tiếp đến việc làm và thu nhập của hàng triệu người. Ví dụ như đợt hạn hán kỷ lục xảy ra ở Đồng bằng Sông Cửu Long vào năm 2016 đã gây ra xâm nhập mặn nghiêm trọng trên 1,4 triệu ha đất canh tác, khiến 22% diện tích lúa ở nơi này không thể trồng trọt được (chiếm 12% sản lượng lúa quốc gia và 8% GDP nông nghiệp của đất nước), ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của khoảng 3 triệu nông dân trồng lúa.
Khoảng 200 mét bờ biển ở biển Cửa Đại, gần thị xã Hội An, đã biến mất trong 10 năm qua. Nguồn: Google Earth
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ ấn tượng trong việc giảm thiểu và quản lý các rủi ro tự nhiên, xu hướng hiện nay cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm. Thiên tai đang tiếp tục cướp đi sinh mạng và phá vỡ sinh kế, cho thấy sự cần thiết phải có một chiến lược toàn diện để nâng cao khả năng thích ứng cho vùng ven biển. Tuy nhiên, việc thiết kế chiến lược này có thể gặp nhiều khó khăn khi đường bờ biển của Việt Nam kéo dài hơn 3.000 km và đối mặt với nhiều loại thiên tai khác nhau.
Để định hướng các hành động nhằm đạt hiệu quả, báo cáo Tăng cường Khả năng Chống chịu Khu vực Ven biển, một báo cáo mới do Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, và Quỹ Toàn cầu về Giảm nhẹ và Phục hồi Thiên tai cùng thực hiện một phân tích sâu và đa ngành về các rủi ro tự nhiên ở khu vực ven biển Việt Nam và đánh giá các hoạt động quản lý rủi ro hiện nay, đề xuất một kế hoạch hành động cụ thể để cân bằng giữa rủi ro và cơ hội phát triển cho vùng ven biển.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "Nếu vẫn tiếp tục xu hướng phát triển kinh tế nhanh ở các khu vực có nguy cơ cao như hiện nay thì thiệt hại do thiên tai sẽ gia tăng. Đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới nhằm cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để các khu vực ven biển Việt Nam có thể tiếp tục là động lực tăng trưởng, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng chống chịu với các cú sốc".
Nhằm đảm bảo khu vực ven biển Việt Nam đáp ứng được yêu cầu là động lực chính để phát triển kinh tế và thịnh vượng bền vững, theo World Bank, Chính phủ cần phải hành động ngay. Với đà tăng trưởng hiện nay, ở khu vực có rủi ro cao, thiệt hại do thiên tai vẫn tăng, trừ khi các hoạt động phát triển phải có khả năng chống chịu và lồng ghép các rủi ro. Chậm triển khai các hoạt động thêm 10 năm thì nền kinh tế sẽ phải chịu thiệt hại thêm 4,3 tỷ đô la Mỹ do thiên tai.