World Bank: Kinh tế thế giới có thể rơi vào 'thập kỷ mất mát' sau đại dịch Covid-19
Thế giới có thể rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II sau dịch Covid-19.
Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào một "thập kỷ mất mát" với tăng trưởng chậm sau khi dịch Covid-19 tạo nên cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II đến nay.
"Dữ liệu lịch sử cho thấy trừ phi có một công cuộc cải tổ hiệu quả, nếu không nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào một thập kỷ tăng trưởng chậm", tuyên bố của World Bank nêu rõ.
Các số liệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đã giảm tốc ngay trước khi đại dịch diễn ra do nền dân số lão hóa nhanh và tăng trưởng năng suất chậm lại. Đại dịch Covid-19 chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Kịch bản tăng trưởng kinh tế thế giới trước, sau đại dịch và trong trường hợp cải tổ thành công
Trước khi đại dịch bùng phát, World Bank dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,1% nhưng con số này đã hạ xuống chỉ còn 1,9% khi dịch Covid-19 diễn ra.
Theo World Bank, sự bất ổn trên thị trường và tăng trưởng yếu kém sẽ khiến các công ty hạn chế đầu tư. Lao động mất việc làm khiến sức tiêu dùng suy giảm còn trường học đóng cửa khiến lực lượng nhân công bị thiệt hại về kiến thức, trình độ.
Thậm chí ngay cả khi kinh tế thế giới hồi phục năm 2021, World Bank vẫn cho rằng đà tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm tốc trong thời gian khá dài. Sau khi suy giảm 4,3% trong năm 2020, kinh tế toàn cầu được sự báo sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay.
Dẫu vậy, World Bank cũng đưa ra kịch bản khả quan khi các nhà hoạch định chính sách cải tổ triệt để nhằm khắc phục các thiệt hại do đại dịch gây ra. Những chính sách như tập trung chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, hỗ trợ lao động nữ hay đa dạng hóa nền kinh tế có thể đem lại tác dụng.
Tất nhiên, các chương trình cải cách kích thích kinh tế của từng thị trường cần dựa trên khả năng tài chính, cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh tế của từng nước.