World Bank đưa ra 5 phát hiện về nền kinh tế nghìn tỷ USD mà Việt Nam có thể tận dụng cơ hội
Năm 2016, kinh tế số toàn cầu trị giá 11,5 nghìn tỷ USD, chiếm 15,5% GDP toàn cầu. Dự kiến, tỷ lệ này sẽ đạt 25% trong chưa đầy 10 năm tới. Việt Nam, trong "cơn bão" này, theo World Bank, phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề chính sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kịp thời.
"Công nghệ đột phá đã ở đây, ngay tại Việt Nam. Trong một thời gian ngắn kể từ khi đến Hà Nội, tôi đã thấy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số", ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank Việt Nam nói tại hội thảo "Làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và tối đa hoá lợi ích của nó", sáng 7/3.
Lấy ví dụ, ông Ousmane cho biết ngành công nghiệp gọi xe dựa trên công nghệ số đang phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử đã phát triển mạnh, canh tranh trực tiếp với mạng lưới bán lẻ truyền thống cũng như các nền tảng lưu trú số, vị trí ngày càng lớn của các công ty fintech…
Theo World Bank, nền kinh tế số sôi động này hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội cho nhiều DNVVN có thể tham gia vào nền kinh tế Việt Nam vì nó cho phép các doanh nghiệp này đến với những thị trường lớn (cả trong và ngoài nước) và rút ngắn khoảng cách đến thị trường.
"Nền kinh tế chia sẻ có nghĩa là người Việt Nam bình thường cũng có thể tham gia dễ dàng hơn vào nền kinh tế số thông qua việc sử dụng nhà của mình để kiếm thêm thu nhập thông qua các nền tảng lưu trú số hoặc sử dụng xe máy và ô tô của mình trên các nền tảng gọi xe dựa trên công nghệ kỹ thuật số", ông Ousmane nói.
Tuy nhiên để thúc đẩy điều này, phía World Bank đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề chính sách. Bởi bằng cách thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi, Chính phủ có thể thúc đẩy một cách có hiệu quả và đảm bảo lời hứa này trở thành hiện thực.
Phía World Bank cũng dự định sẽ công bố một báo cáo mới về thực trạng và nền tảng của nền kinh tế số ở Đông Nam Á.
Báo cáo nhằm mục đích cung cấp thông tin về những điểm đang phát triển tốt của các quốc gia và những điểm đang bị tụt hậu. Theo ông Ousmane, báo cáo đưa ra 5 phát hiện chính.
Thứ nhất, thanh toán điện tử là một phần quan trọng trong nền kinh tế số. Chỉ số tài chính toàn diện toàn cầu (Global Findex) gần đây nhất của World Bank cho thấy chỉ có 19% chủ tài khoản tài chính ở khu vực Đông Nam Á truy cập vào tài khoản của mình bằng điện thoại di động hoặc Internet.
Con số này thấp hơn mức bình quân của các quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới. Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng pháp lý phù hợp và sử dụng thanh toán điện tử khi tương tác với người dân – ví dụ như khi thanh toán cho các dịch vụ của chính phủ hoặc nhận lương hưu. Tương tự như vậy, các chương trình căn cước công dân kỹ thuật số do Chính phủ thực hiện có thể giúp người dân truy cập tài khoản dễ dàng hơn.
Thứ hai, các chính sách nhằm nâng cao niềm tin rất quan trọng để tăng cường sự tham gia trong nền kinh tế số, bao gồm một loạt các lĩnh vực từ quyền riêng tư dữ liệu, an ninh mạng, cho đến bảo vệ người tiêu dùng. Các chính sách này cũng cần được phối hợp chặt chẽ hơn trong khu vực, để các cá nhân và doanh nghiệp đều biết những quy định nào được áp dụng khi dữ liệu của họ di chuyển qua biên giới.
Thứ ba, các kỹ năng kỹ thuật số của người dân cần phải được tăng cường, không chỉ để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, mà còn để đảm bảo những cơ hội và lợi ích của nền kinh tế số đến được với mọi người. Mặc dù khu vực này đã có nền tảng đọc, viết và tính toán tốt, hệ thống giáo dục cần thích nghi hơn với nhu cầu thay đổi của thị trường, từ việc sử dụng máy tính cơ bản đến các kỹ năng nâng cao như lập trình và phân tích dữ liệu, cũng như các kỹ năng mềm như hợp tác và giao tiếp. Để đạt được điều này đòi hỏi phải tập trung vào các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.
Thứ tư, việc cải thiện hệ thống logistics, đặc biệt là cho thương mại điện tử, có ý nghĩa rất quan trọng. Để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thường rất tốn kém và không tin cậy. Điều kiện địa hình khó khăn tại nhiều quốc gia Đông Nam Á là một yếu tố cơ bản, nhưng quy định pháp lý cũng đóng một vai trò thiết yếu. Ví dụ, Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới cho thấy hải quan là lĩnh vực có hiệu quả kém nhất trong môi trường logistics của khu vực.
Cuối cùng, các Chính phủ cần đi đầu bằng việc đi trước và trở nên số hóa hơn. Điều này có nghĩa là không chỉ lồng ghép hệ thống vào nền tảng "toàn bộ hệ thống chính phủ" tích hợp, mà còn cung cấp các nền tảng dịch vụ kỹ thuật số để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thời gian và chi phí giao dịch.
Theo World Bank, chìa khóa cho tất cả những điều trên là sự cần thiết phải có những nỗ lực được phối hợp chặt chẽ và hài hoà giữa các cơ quan chính phủ để phát triển nền kinh tế số. Nền kinh tế số có tính chất đa ngành và do đó liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, sản xuất, y tế, giáo dục, giao thông, logistics, du lịch, khách sạn và thực phẩm.
"Vì vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần xây dựng môi trường pháp lý khuyến khích đổi mới và cạnh tranh, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng thông qua điều tiết và phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan chính phủ", ông nói.