World Bank chia sẻ tin mừng đằng sau con số tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm của Việt Nam và khuyến nghị 4 trụ cột cho tăng trưởng kinh tế thời COVID-19

02/04/2020 08:42 AM | Kinh doanh

Việt Nam đã bắt đầu bị ảnh hưởng từ sự biến động khôn lường của nền tài chính toàn cầu hiện nay, giá cổ phiếu tụt dốc, độ rủi ro tín nhiệm quốc gia tăng lên, và dòng vốn đầu tư suy giảm. Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, theo World Bank.

Tin mừng từ chỉ số tăng trưởng kinh tế thấp nhất 10 năm

Tăng trưởng GDP quý I của Việt Nam ở mức 3,82% - mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) – gọi chỉ số tăng trưởng này là "tin mừng", khi mức tăng trưởng này tốt hơn so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

"Chỉ số này cho chúng ta thấy một số lĩnh vực, một số ngành của Việt Nam có khả năng chống chịu tốt, đặc biệt là các ngành chế tạo, chế biến cũng như xây dựng", ông Jacques nhận định.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Quý I/2020, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%. Trong đó ngành công nghiệp tăng 5,28% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, chỉ cao hơn mức tăng 4,38% và 5,97% của cùng kỳ các năm 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2020. Ngành xây dựng tăng 4,37%, cao hơn mức tăng 0,35% và 1,18% của quý I năm 2011 và năm 2012 trong giai đoạn 2011-2020.

"Đây là cơ hội để Chính phủ cũng như cả nền kinh tế số hóa" - ông Jacques Morisset - Kinh tế trưởng của World Bank

Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư cũng đang được đẩy mạnh, đặc biệt là đầu tư công. Việc tăng rất mạnh đầu tư công đã bù đắp được cho lĩnh vực đầu tư tư nhân.

Một khu vực có khả năng chống chọi rất tốt nữa là khu vực tài chính, khi tăng trưởng tín dụng tăng gấp 3 lần so với tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam đã bắt đầu bị ảnh hưởng từ sự biến động khôn lường của nền tài chính toàn cầu hiện nay, giá cổ phiếu tụt dốc, độ rủi ro tín nhiệm quốc gia tăng lên, và dòng vốn đầu tư suy giảm. Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững: Trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng 8%, dòng vốn FDI đổ vào lên đến 2,5 tỷ USD, ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%. Với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế đang diễn ra, World Bank nhận định.

Dựa trên cơ sở trên, World Bank đưa ra 2 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam.

- Với kịch bản cơ sở: Nền kinh tế - xã hội hồi phục vào giữa quý 3 trở đi, nền kinh tế tăng trưởng trở lại => Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,9% trong năm nay.

World Bank chia sẻ tin mừng đằng sau con số tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm của Việt Nam và khuyến nghị 4 trụ cột cho tăng trưởng kinh tế thời COVID-19 - Ảnh 2.

Nguồn: World Bank.

- Với kịch bản 2: Dịch bệnh kéo dài hơn nữa, khả năng đến cuối năm. Cả Việt Nam và các nước còn lại trên thế giới bị ảnh hưởng => Tăng trưởng GDP Việt Nam chỉ ở mức 1,5% trong năm 2020.


Việt Nam nên làm gì?

Ông Jacques Morisset cho biết tại Việt Nam, World Bank đang thảo luận với Chính phủ một chiến lược gồm 4 trụ cột:

1- Giải quyết cho khu vực bị ảnh hưởng trước mắt: Trụ cột này rất quan trọng. Đối tượng hướng tới gồm cả doanh nghiệp lẫn người dân.

"Chúng tôi rất đồng tình với Chính phủ Việt Nam khi chúng ta có các gói cứu trợ như gia hạn nộp thuế, xem xét miễn giảm lãi vay, gói hỗ trợ cho người bị mất việc làm..."

"Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới khu vực kinh tế phi chính thức – những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chúng tôi cũng đang cùng với Chính phủ tìm ra những biện pháp đảm bảo xã hội, đặc biệt cho người nghèo cũng như khu vực kinh tế phi chính thức này. Theo chúng tôi, Chính phủ đang đi rất đúng hướng", Kinh tế trưởng của World Bank nhìn nhận.

World Bank chia sẻ tin mừng đằng sau con số tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm của Việt Nam và khuyến nghị 4 trụ cột cho tăng trưởng kinh tế thời COVID-19 - Ảnh 4.

Ảnh: Reuters.

2- Kích hoạt hoạt động kinh tế: Khi thoát khỏi khủng hoảng, phải có gói kích thích, kích hoạt các hoạt động kinh tế. Các chương trình đầu tư công phải đẩy nhanh triển khai, giải ngân dự án hiện tại, đồng thời kích thích nhu cầu đầu tư tư nhân, ví như ngành dịch vụ - du lịch.

3- Cơ hội số hóa: Đây là cơ hội để Chính phủ cũng như nền kinh tế số hóa, bằng cách phát triển những dịch vụ như học tập trực tuyến (e-Learning), thanh toán trực tuyến (e-Payment)..., đồng thời phải nhanh chóng đẩy mạnh Chính phủ điện tử (e-Government), làm sao có thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận tiện trên nền tảng số.

4- Củng cố khả năng chống chịu của nền kinh tế, chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.

"Dịch bệnh có thể tái diễn nên chúng ta phải có khả năng chống chịu và sẵn sàng với nó", ông Jacques Morisset chia sẻ.

Tính đến ngày 1/4, Việt Nam có 212 người mắc COVID-19. World Bank cho rằng trong ngắn hạn, dịch cúm virus corona có thể tạo ra tác động bất lợi tăng thêm cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong các ngành du lịch, chế tạo và chế biến hiện phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế toàn cầu. Tác động ngắn hạn đến nền kinh tế Việt Nam có thể lớn nhưng không kéo dài nếu như dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng, tương tự các đợt dịch bệnh trước đây. Những rủi ro khác trong ngắn hạn là hoạt động kinh tế và dòng chảy thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm do Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất hiện nay trên thế giới.

World Bank nhìn nhận, trong thời gian tới, Việt Nam có thể quản lý được những rủi ro bên ngoài nêu trên bằng cách đa dạng hóa thị trường thương mại và cải thiện năng lực cạnh tranh của mình. Tuân thủ theo các hiệp định thương mại thế hệ mới, ví dụ như EVTFA, là cách để Việt Nam hỗ trợ cho nỗ lực đó. Biến động toàn cầu tăng lên càng cho thấy nhu cầu phải duy trì chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, bao gồm triển khai những cải cách cơ cấu theo kế hoạch, ví dụ như doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là vừa phải thúc đẩy tiến trình đó vừa phải duy trì một xã hội công bằng ở mỗi địa phương và giữa các khu vực trong cả nước, trong điều kiện tỷ lệ nghèo đang giảm nhanh nhưng vẫn tập trung ở một số địa bàn và ở các nhóm dân tộc thiểu số.

World Bank chia sẻ tin mừng đằng sau con số tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm của Việt Nam và khuyến nghị 4 trụ cột cho tăng trưởng kinh tế thời COVID-19 - Ảnh 6.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM