World Bank cảnh báo một số nguy cơ trong lợi ích mà Việt Nam đạt được nhờ thương chiến Mỹ - Trung
Với tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP lên đến gần 200%, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ do độ bất định cao và khả năng các chuỗi toàn cầu bị gián đoạn – World Bank cho biết.
Theo nhận định được World Bank đưa ra hôm này (10/10), xuất nhập khẩu của Việt Nam dù được duy trì tốt nhưng cũng không thể tránh khỏi tác động căng thẳng thương mại toàn cầu đang leo thang.
Trong nửa đầu năm 2019, xuất khẩu ước giảm từ 16,3% (6 tháng đầu năm 2018) xuống còn 7,2%, tức là tốc độ thấp nhất kể từ đầu năm 2016 (đạt 5,8%). Dù vậy, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn đạt thặng dư 1,6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019 do tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tuy chững lại nhưng còn mạnh hơn xuất khẩu bị đà giảm.
World Bank cho rằng Việt Nam có vẻ đã được hưởng lợi bởi chuyển hướng xuất khẩu khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung leo thang. Trong nửa đầu năm 2019, nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng khoảng 33%, chiếm khoảng 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cao hơn so với 19% nửa đầu 2018.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể khiến cho hàng xuất khẩu của Việt Nam thay thế một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ và chiều ngược lại đối với thị trường Trung Quốc.
"Có lẽ, đó là vì Việt Nam được hưởng thêm thị phần của các mặt hàng bị Mỹ áp thuế nhập khẩu cao hơn khiến xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm, chẳng hạn điện thoại và linh kiện, máy tính, hàng may mặc, giày da, đồ gỗ...", phía World Bank đánh giá.
Nhưng, tổ chức này cũng đồng thời chỉ ra một số nguy cơ đối với Việt Nam. Cụ thể, với tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP lên đến gần 200% (năm 2018), Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ do độ bất định cao hơn và khả năng các chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn.
"Hơn nữa, khi thặng dư thương mại với Mỹ tăng lên, Việt Nam còn có thế trở thành đối tượng của các biện pháp thuế quan và bảo hộ thương mại khác của Mỹ", World Bank cho biết.
Đánh giá thêm về kinh tế Việt Nam, World Bank cho rằng tăng trưởng kinh tế và kỷ cương ngân sách được duy trì đã góp phần giúp tỷ lệ nợ công trên GDP tiếp tục giảm từ mức 59,6% (IMF) năm 2016 xuống còn khoảng 54,6% năm 2019 và hiện thấp hơn nhiều so với trần nợ 65% theo luật định.
Tranh thủ những điều kiện thị trường trong nước thuận lợi, lòng tin của nhà đầu tư được cải thiện... World Bank cho biết Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục kéo dài kỳ hạn các công cụ nợ trong nước và giảm lãi suất bình quân của danh mục nợ.
Tổ chức này cũng đánh giá trong trung hạn, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực. Tăng trưởng GDP của thị trường này dự kiến sẽ đà giảm từ 7,1% năm 2018 xuống mức trên dưới 6,6% trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng dự kiến tiếp tục giảm đà trong 2 năm tiếp theo là 2020 và 2021 với con số bền vững hơn là 6,5%.
Trong kỳ dự báo, lạm phát dự kiến vẫn thấp hơn chỉ tiêu 4% của Chính phủ còn tài khoảng vãng lai vẫn thặng dư tuy ở mức nhỏ hơn. Còn với bộ chi ngân sách, World Bank dự báo sẽ giảm đến năm 2021, nhờ các nỗ lực được củng cố tình hình tài khoá tiếp tục được duy trì.
Về rủi ro, thách thức, World Bank cho biết Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi thay đổi về tình trạng kinh tế toàn cầu, do mở cửa thương mại mạnh mẽ, dư địa chính sách tài khoá và tiền tệ tương đối hạn chế. Căng thẳng thương mại leo thang và suy giảm toàn cầu mạnh hơn so v ới dự kiến có thể gây sức ép cho đà tăng trưởng.
Nhìn trong nước, đơn vị này cho rằng công cuộc tái cơ cấu DNNN và khu vực ngân hàng bị chậm lại có thể gây tác động bất lợi về tài chính, vĩ mô và làm suy giảm viễn cảnh tăng trưởng dài hạn.