"Work smarter not harder": Gần 90% nhân sự Việt Nam muốn thử làm việc 4 ngày/tuần, doanh nghiệp phản ứng thế nào?
Hàn Quốc, Indonesia đang thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày để cải thiện sức khỏe cũng như hiệu suất của nhân viên. Việt Nam sẵn sàng đến đâu?
88% nhân sự tại Việt Nam mong muốn thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, 62% trong số đó tin rằng mô hình này giúp tăng năng suất, báo cáo “Tuần làm việc 4 ngày: Châu Á đã sẵn sàng chưa?” của Robert Walters cho biết.
Báo cáo đặt vấn đề “Work smarter not harder” (Làm việc hiệu quả hơn thay vì vất vả hơn), cung cấp dữ liệu cho thấy 62% người lao động muốn thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày cho rằng điều này sẽ giúp họ tăng năng suất.
Tuy nhiên, 40% người phản đối lo ngại áp lực sẽ tăng lên vì khối lượng công việc vẫn giữ nguyên trong bối cảnh thời gian làm việc bị rút ngắn, khiến họ không chắc chắn có khả năng quản lý khối lượng công việc đó, và họ thích chia đều công việc ra trong 5 ngày hơn (40%).
Một số nhân sự lo ngại rằng tuần làm việc 4 ngày sẽ khiến chi tiêu của họ tăng lên do có nhiều thời gian ngoài giờ làm việc hơn.
Để duy trì mức lương khi chuyển sang tuần làm việc 4 ngày, phần lớn các nhân sự Việt sẵn sàng làm thêm hai giờ mỗi ngày (50%) hoặc sẵn sàng từ bỏ hình thức làm việc kết hợp (60%).
Một số quốc gia Châu Á gồm Hàn Quốc và Indonesia đang thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày để cải thiện sức khỏe cũng như hiệu suất của nhân viên.
Khảo sát hơn 5.000 nhân sự và doanh nghiệp tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, báo cáo cho biết tại Hồng Kông (Trung Quốc), 94% nhà tuyển dụng đánh giá tuần làm việc 4 ngày khả thi và tin rằng chính sách này sẽ giúp thu hút và giữ chân nhân viên. 91% chuyên gia cho biết họ sẽ cân nhắc nộp đơn vào công ty có chế độ làm việc 4 ngày/tuần.
So với các quốc gia khác ở Châu Á, quá trình chuyển sang tuần làm việc 4 ngày có thể diễn ra chậm hơn tại Việt Nam – với 26% nhà tuyển dụng sẵn sàng áp dụng giờ làm việc linh hoạt vào Thứ Sáu.
Những lo ngại chính của các nhà tuyển dụng không ủng hộ tuần làm việc 4 ngày bao gồm: khó khăn trong việc áp dụng đồng nhất trên toàn công ty, điều này có thể dẫn đến sự không hài lòng từ phía nhân viên (67%); chi phí kinh doanh tăng cao do các dự án bị trì hoãn hoặc phải tuyển thêm nhân sự (62%); và gây sự bất mãn của nhân viên do khó khăn trong việc triển khai đồng bộ trên toàn văn phòng (48%).
Tuy nhiên, 75% nhà tuyển dụng ủng hộ tuần làm việc 4 ngày tin rằng nó sẽ giúp cải thiện năng suất của nhân viên, và 50% cho rằng nó sẽ góp phần thu hút và giữ chân nhân tài cho doanh nghiệp.