Winmart, Winmart+ sau 11 quý về với tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Chưa thể cắt lỗ, nhưng đã thấy những “tia sáng cuối đường hầm”

07/11/2022 13:54 PM | Kinh doanh

Nếu loại trừ doanh thu và lợi nhuận đạt đỉnh ở quý 3/2021 do nhu cầu tích trữ trong đại dịch thì lợi nhuận gộp của quý 3/2022 là mức cao nhất từ trước tới nay.

Năm 2019, Tập đoàn Masan (MSN) mua lại chuỗi siêu thị Vinmart/Vinmart+ (nay là Winmart/Wimart+) từ tay Tập đoàn Vingroup với trạng thái lỗ 100 triệu USD. Sau khi tiếp quản, Masan quyết liệt đóng cửa 700 cửa hàng VinMart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng.

Năm 2021, Tổng giám đốc Danny Le cho biết đã có phương án nhằm cải thiện hiệu quả của hệ thống logistics, đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến nhà phân phối. Các siêu thị này cũng thực hiện tinh gọn danh mục hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặt trọng tâm vào người tiêu dùng thay vì thúc đẩy doanh số.

Đồng thời, Masan lúc đó cũng hé lộ về mô hình cửa hàng hiện đại, nơi kết nối toàn bộ các nhu cầu của người tiêu dùng lại với nhau để tạo ra một nền tảng bao trùm xuyên suốt từ online đến offline, kết hợp các sản phẩm và dịch vụ khách hàng tốt nhất. Đó là điểm đến "tất cả trong một" (one-stop shop) phục vụ các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng.

Masan đã tích cực M&A, mua lại các doanh nghiệp để tích hợp vào mô hình nói trên, nay đã thành hình với cái tên WIN.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nói rằng lý thuyết này tuy rất đơn giản, nhưng triển khai thực tế với kết quả vượt trội là điều không hề dễ dàng.

Sau 3 năm, những con số cho thấy Masan đã tìm ra được công thức thành công cho chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam.

Nếu như trong quý 2/2020, biên lợi nhuận gộp của Wincommerce chỉ 15% thì đến quý 3/2022, con số này đã lên đến 23,4% và duy trì xu hướng tăng dần đều đặn. Nếu loại trừ doanh thu và lợi nhuận đạt đỉnh ở quý 3/2021 do nhu cầu tích trữ trong đại dịch thì lợi nhuận gộp của quý 3/2022 là mức cao nhất từ trước tới nay.

Winmart, Winmart+ sau 11 quý về với tỷ phú Quang: Chưa thể cắt lỗ, nhưng đã thấy những “tia sáng cuối đường hầm” - Ảnh 1.

Đáng chú ý, chênh lệch giữa lãi gộp và Chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp của Wincommerce ngày càng thu hẹp. Trong quý 3/2022, lãi gộp của Wincommerce là 1.782 tỷ đồng, chỉ còn thấp hơn tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp 77 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa là doanh thu bán hàng dần bù đắp được các chi phí giá vốn, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, cho thấy hiệu quả tốt hơn trong hoạt động kinh doanh lõi.

Winmart, Winmart+ sau 11 quý về với tỷ phú Quang: Chưa thể cắt lỗ, nhưng đã thấy những “tia sáng cuối đường hầm” - Ảnh 2.

Tương đồng, EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) đã duy trì trạng thái dương từ quý 4/2020, đúng như kế hoạch mà Masan công bố.

Mới nhất, trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022, Masan cho biết 30 cửa hàng WinMart+ đã được chuyển đổi thành các cửa hàng WIN tích hợp phục vụ các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu: WinMart (nhu yếu phẩm), Techcombank (dịch vụ tài chính), Phúc Long (trà và cà phê), Dr. WIN (chăm sóc sức khỏe) và Reddi (dịch vụ viễn thông).

Mô hình mới này đã gia tăng xấp xỉ 20% doanh thu / m2 trong giai đoạn thí điểm so với trước khi chuyển đổi, chủ yếu do lưu lượng khách hàng tăng lên. Kết quả, các cửa hàng WIN cũng mang lại hiệu quả cao hơn với biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) ở cấp độ cửa hàng là 5,1%, tăng 60 điểm cơ bản so với trước khi chuyển đổi.

Trong Quý 3/2022 và 9T2022, Wincomerce đã mở lần lượt 176 và 477 cửa hàng WinMart+. Tổng cộng đến nay đã có 3.049 cửa hàng WinMart+ đi vào hoạt động với hiệu suất của cửa hàng mới luôn vượt trội so với các cửa hàng cũ. Về mặt số lượng điểm bán, WinMart+ đã tăng thị phần từ 40% vào cuối năm 2021 lên 48% vào cuối Quý 3/2022. Tính đến cuối Quý 3/2022, WinCommerce có 128 siêu thị WinMart đi vào hoạt động.

76% cửa hàng WinMart+ mở trong Quý 3/2022 đã có lãi EBITDA ở cấp cửa hàng trong vài tháng đầu hoạt động so với 83% tất cả cửa hàng WinMart+.

Theo Lan Hạ

Cùng chuyên mục
XEM