WHO khởi động siêu dự án Đoàn kết II để trả lời câu hỏi: Thực sự có bao nhiêu người đã nhiễm COVID-19?
Đây là những câu hỏi mà chúng ta cần phải trả lời, và chúng ta cần câu trả lời đúng để có hướng hoạch định mọi chính sách trong thời gian tới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang chuẩn bị khởi động một dự án lớn tại nhiều quốc gia để tìm hiểu phần chìm của tảng băng COVID-19. Họ muốn trả lời thực ra đã có bao nhiêu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bởi một số người bị nhiễm hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng và không được xét nghiệm.
Dự án có tên là gọi là Solidarity II (Đoàn kết II), với "đoàn kết" được WHO nhấn mạnh là tinh thần chung của cả nhân loại để đối đầu với đại dịch COVID-19. Trước đó, WHO cũng đã khởi động một dự án Solidarity trong nỗ lực thử nghiệm 4 phương pháp điều trị virus corona mới.
Lần này, họ sẽ sử dụng các xét nghiệm máu tìm kháng thể để tìm ra những người đã nhiễm SARS-CoV-2 ở gần 10 quốc gia trên khắp thể giới. Maria Van Kerkhove, điều phối viên của WHO trong đại dịch COVID-19 cho biết họ sẽ công bố chi tiết kế hoạch dự án Solidarity II trong những ngày tới.
Biết được thực sự có bao nhiêu người đã nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm cả những người có triệu chứng nhẹ sẽ giúp giảm tỷ lệ lưu hành và tỷ lệ tử vong của COVID-19 ở các nhóm tuổi khác nhau. Nó cũng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách quyết định đâu là khoảng thời gian nên dỡ bỏ các lệnh cách ly xã hội như hạn chế đi lại hoặc mở cửa lại trường học.
"Đây là những câu hỏi mà chúng ta cần phải trả lời, và chúng ta cần câu trả lời đúng để có hướng hoạch định mọi chính sách", giám đốc điều hành của WHO về các trường hợp y tế khẩn cấp, Michael Ryan, cho biết trong một cuộc họp báo.
Các xét nghiệm phát hiện virus trực tiếp đã xác định được hơn 1,2 triệu người mắc COVID-19 trên toàn thế giới. Nhưng vì nhiều lý do, chúng ta chưa thể xác định được tất cả các trường hợp nhiễm virus, kể cả các trường hợp có triệu chứng nhẹ dễ bị bỏ qua.
Các xét nghiệm kháng thể có thể tiết lộ phần chìm của tảng băng COVID-19, cho thấy mức độ lây lan thực sự của nó, vì kháng thể sẽ tiết lộ bất kể một người nào có từng nhiễm virus này trong quá khứ hay không, họ sẽ có các kháng thể bảo vệ bản thân mình khỏi virus SARS-CoV-2 trong tương lai.
Các công ty và phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đã chạy đua để tạo ra các xét nghiệm tìm kháng thể COVID-19 trong máu người. Một số phòng thí nghiệm đã có những phương pháp chính xác để đo kháng thể, nhưng các xét nghiệm thương mại vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, và độ chính xác của chúng vẫn đang được đánh giá, bao gồm cả các đánh giá từ WHO.
Solidarity II là phần cuối cùng trong hướng tiếp cận kiềng 3 chân của WHO để thu thập được nhiều dữ liệu nhất liên quan đến kháng thể COVID-19, Van Kerkhove nói.
Đầu tiên, WHO đang làm việc với các nhà nghiên cứu ở một số quốc gia đang phải đối mặt với dịch COVID-19 bùng phát mạnh để thu thập manh mối về việc có bao nhiêu người đã có kháng thể với virus. Những nghiên cứu này "có vai trò rất quan trọng để hiểu về dịch tễ học của COVID-19", cô khẳng định.
Vấn đề là mỗi quốc gia và mỗi nhóm nghiên cứu lại đang sử dụng các phương pháp khác nhau. Vì vậy, chân kiềng thứ hai là WHO đã công bố một số giao thức chuẩn cho các nghiên cứu ban đầu, trong đó có các nghiên cứu về kháng thể, để các quốc gia và các nhóm nghiên cứu khác nhau có thể kết hợp dữ liệu của họ để đưa ra kết luận tổng hợp và có ý nghĩa hơn.
Cơ quan y tế của Liên hợp quốc đang giúp các quốc gia và các nhóm nghiên cứu điều chỉnh các giao thức phù hợp với điều kiện địa phương của họ, thu thập các phê duyệt đạo đức và thực hiện các xét nghiệm thử nghiệm, Van Kerkhove nói.
Maria Van Kerkhove, điều phối viên của WHO trong đại dịch COVID-19
Chân kiềng cuối cùng mà Solidarity II đang tiến đến, đó là việc cung cấp cho các quốc gia thành viên cơ hội tổng hợp các phát hiện từ các nghiên cứu kháng thể quy mô lớn của mình để điền vào bức tranh toàn cảnh về đại dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu.
Đó cũng là ý tưởng đằng sau dự án Solidarity I, trong đó WHO đang nỗ lực đánh giá 4 phương pháp điều trị COVID-19 hứa hẹn nhất, bao gồm: thuốc remdesivir; thuốc trị sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine; sự kết hợp của hai loại thuốc HIV lopinavir và ritonavir; và sự kết hợp tương tự cộng với interferon-beta, một sứ giả của hệ thống miễn dịch có thể giúp làm tê liệt virus.
Song song với đó, một dự án Solidarity III cũng đang được tiến hành, Ryan cho biết. Nó sẽ thử nghiệm các loại thuốc trên nhân viên y tế và những người khác có nguy cơ cao nhiễm virus, để xem chúng có hiệu quả bảo vệ họ khỏi COVID-19 hay không. Kết quả ban đầu từ dự án Solidarity II có thể sẽ được công bố trong vài tháng tới, mặc dù nghiên cứu này dự định sẽ kéo dài 1 năm hoặc lâu hơn, Van Kerkhove nói.
Một số khảo sát kháng thể nhỏ hơn hiện đang được tiến hành có thể có kết quả sớm trong vài tuần nữa. Chẳng hạn, Jay Bhattacharya, một chuyên gia chính sách y tế tại Đại học Stanford, cho biết trong tuần này ông và các đồng nghiệp hy vọng sẽ xét nghiệm máu được cho 5.000 người ở hạt Santa Clara của California để tìm kháng thể COVID-19. Ông nói rằng nghiên cứu này đạt được chuẩn tới 90% dựa trên giao thức thống nhất của WHO.
Tuần trước, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bonn cũng đã tiến hành một nghiên cứu kháng thể COVID-19 trên 1.000 người ở vùng Heinsberg phía tây nước Đức, một trong những tâm dịch lớn nhất ở quốc gia này, nơi nhiều người dân đã bị nhiễm bệnh tại một lễ hội hóa trang địa phương ở làng Langbroich-Harzelt vào cuối tháng 2.
Nhà virus học Hendrik Streeck tại Bệnh viện Đại học Bonn nói rằng ông và các đồng nghiệp của mình đã sử dụng các giao thức của WHO. Streeck cho biết kết quả nghiên cứu của họ sẽ được công bố sớm nhất là trong tuần này.
Thực sự có bao nhiêu người đã nhiễm COVID-19?
Các thông tin từ dự án Solidarity II có thể trả lời câu hỏi: Liệu có đúng COVID-19 rất ít lây nhiễm trên trẻ em và thanh thiếu niên hay không? Hay đơn giản chỉ vì những đứa trẻ vẫn bị nhiễm virus, nhưng chỉ bị bệnh nhẹ, do đó ít khi được xét nghiệm?
Thông tin đó rất quan trọng để quyết định mức độ lan truyền của virus tại các trường học và nhà trẻ. Các nghiên cứu cũng có thể cung cấp manh mối về tỷ lệ phần trăm dân số đã có khả năng miễn dịch với virus.
"Thực tế thì chúng tôi đã bàn về nghiên cứu này ngay sau 3 tháng [từ thời điểm nó xuất hiện ở Trung Quốc] là vẫn còn quá sớm", Van Vankhkhove nói. Tuy nhiên, cô nói thêm rằng bất kỳ kết quả nào từ dự án Solidarity II cũng sẽ là kết quả sơ bộ.
"Chúng tôi muốn nắm bắt bất kỳ thông tin nào được tìm ra", cô ấy nói. "Tuy nhiên, chúng tôi cần phải giải thích những kết quả ban đầu này một cách thận trọng. Solidarity II có thể cung cấp các câu trả lời xác đáng mà mọi người đang chờ đợi".