WEF: Thương mại không phải là vũ khí, đừng đưa nó vào chiến tranh!

22/02/2019 10:10 AM | Kinh tế vĩ mô

Những chính sách cực đoan thương mại cuối cùng cũng sẽ là “gậy ông đập lưng ông”.

Trong nhiều thập kỷ, ngoại thương là con đường số một để các quốc gia trên thế giới hợp tác và cùng phát triển trong hòa bình. Và thương mại đã thực sự làm được điều đó cho thế giới. Toàn cầu hóa đã cho phép hàng tỷ người trở thành những mắt xích của hệ thống thương mại toàn cầu và được xóa đói giảm nghèo. Và thương mại đã giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo trên toàn cầu.

Nhưng bức tranh không phải lúc nào cũng đẹp như thế. Các cuộc xung đột giữa các nền kinh tế lớn đã gây căng thẳng cho thương mại toàn cầu. Tăng trưởng thương mại thế giới đã giảm đi trông thấy kể từ năm 2008 và hiện đang ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế.

 WEF: Thương mại không phải là vũ khí, đừng đưa nó vào chiến tranh!  - Ảnh 1.

Tại Diễn đàn kinh tế Thế giới Davos 2019, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vì cuộc chiến kinh tế giữa các thị trường lớn. "Sự khó lường về tăng trưởng thương mại sẽ khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, họ giảm đầu tư và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu" - Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF phát biểu.

Chúng ta không nên bất ngờ vì điều đó. Thương mại không phải là vũ khí, và chiến tranh thương mại tất yếu sẽ đến tình trạng thua lỗ và thiệt hại toàn cục. Sẽ chẳng có "chiến thắng" nào đạt được mà không gây ra thiệt hại cho cả ai bên.

Gần đây, hội đồng Diễn đàn kinh tế thế giới đã chứng minh rằng, thâm hụt thương mại không phải điều gì tồi tệ, vì thương mại song phương giữa các quốc gia vốn dĩ không phải là cân bằng, và thâm hụt không đồng nghĩa với thất nghiệp hay giảm tăng trưởng. Bằng chứng là, khi cán cân thương mại Hoa Kỳ ở mức thấp hơn thì việc làm vẫn tăng, và tốc độ tăng trưởng cũng vậy.

 WEF: Thương mại không phải là vũ khí, đừng đưa nó vào chiến tranh!  - Ảnh 2.

Trước những bằng chứng và các thống kê cho thấy thương mại toàn cầu là một công cụ không thể thay thế trong việc tìm kiếm sự thịnh vượng toàn cầu, chúng ta nên nhận thức rõ hơn: Đừng sử dụng thương mại làm vũ khí.

Chuỗi cung ứng sản xuất và thị trường tiền tệ liên kết với nhau vô cùng chặt chẽ. Thực hiện các biện pháp một chiều để thay đổi một trong hai yếu tố có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ngoài ý muốn. Nếu các quốc gia thực hiện các biện pháp giảm nhập khẩu (như hướng về xuất khẩu hoặc thay thế nhập khẩu), nhu cầu ngoại tệ của họ có thể sẽ giảm. Vì vậy, đồng nội tệ sẽ tăng giá, và khiến hàng hóa xuất khẩu của họ trở nên đắt hơn một cách tương đối, cuối cùng cản trở việc buôn bán của chính họ.

Thay vào đó, cần hướng đến mục tiêu trọng tâm là đảm bảo rằng lợi ích thương mại được trải đều hơn giữa các quốc gia, điều đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách công bằng và toàn diện hơn. Trách nhiệm ở đây chủ yếu thuộc về các nhà hoạch định chính sách, những người làm việc với các công ty đa quốc gia lớn, và với các công ty hoạt động vì lợi ích của tất cả các bên liên quan. Chính phủ có nhiệm vụ điều tiết thị trường; họ nên sử dụng nó một cách quyết đoán hơn nữa.

Na Uy là quốc gia tiên phong. Họ áp dụng một mô hình kinh tế với cái tên "Mô hình Bắc Âu". Mô hình đó đòi hỏi phải mở cửa nền kinh tế và nắm bắt các cơ hội từ thương mại tự do, đồng thời thực hiện các chính sách bảo vệ người lao động và đảm bảo có một mạng lưới an toàn xã hội, chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người.

Trong một môi trường mà tất cả công dân, tư nhân và doanh nghiệp, được khuyến khích thực hiện nhiệm vụ của mình bằng cách làm việc hiệu quả và đóng thuế, các biện pháp này có nghĩa sẽ mang đến chiến thắng cho tất cả mọi người.

Theo Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
XEM