WB băn khoăn khi 10 địa phương lớn chiếm 75% xuất khẩu của Việt Nam
Mức độ tập trung không đồng đều của các trung tâm chế xuất có thể gây thách thức cho các doanh nghiệp về tuyển dụng lao động, logistics và cung ứng, đồng thời dẫn đến tăng số lượng nhập cư ngoài dự kiến.
Tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc trong bốn tháng đầu năm 2019, do những diễn biến bất định về thương mại toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước tăng 6,5% (so cùng kỳ năm trước) trong bốn tháng đầu năm 2019 theo giá hiện hành. Mặc dù tốc độ như vậy là cao so với tốc độ tăng trưởng thương mại khu vực và toàn cầu, nhưng chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng 13,2% năm 2018.
Tăng trưởng xuất khẩu giảm ở hết các mặt hàng. Cụ thể, hàng nông phẩm giảm, khi xuất khẩu gạo giảm 18% về kim ngạch và 5% về khối lượng trong quý đầu năm 2019. Xuất khẩu thủy sản giảm gần 1%, sau khi kết quả tăng trưởng mạnh ba năm qua.
Xuất khẩu điện thoại - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm khoảng 1%. Ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác ở các ngành chế tạo, chế biến thâm dụng lao động, như may mặc, giày da, đồ gỗ, điện tử và máy tính tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ thấp hơn do nhu cầu đang yếu đi ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam có vai trò quan trọng về tạo việc làm và giảm nghèo ở các vùng nông thôn. Sau khi đạt tăng trưởng vững ở mức 17% năm 2017, tăng trưởng xuất khẩu nông sản và thủy sản còn 2% năm 2018 và giảm 7,5% trong quý đầu năm 2019. Xuất khẩu nông sản giảm do nhiều yếu tố, bao gồm giá các mặt hàng cây công nghiệp giảm mạnh (như hạt điều, cà phê, hồ tiêu) trong bối cảnh cạnh tranh giá dữ dội giữa các quốc gia xuất khẩu.
Bên cạnh việc giá hàng hóa sụt giảm, xuất khẩu nông sản giảm tốc còn do nhiều trở ngại làm cản trở khả năng Việt Nam tiếp cận các thị trường truyền thống. Các thị trường xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam đang đặt ra ngày càng nhiều quy chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu.
Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam (Tính theo phần trăm trên tổng kim ngạch)
Cụ thể, thị trường Trung Quốc không những nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản nhập khẩu, mà còn tăng cường tiêu chuẩn quản lý và mậu biên. Thị trường EU giữ nguyên cảnh báo thẻ vàng với sản phẩm giống cây trồng.
Tương tự, thị trường Mỹ duy trì và tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp đặt thuế chống phá giá đối với hàng thủy sản của Việt Nam, đồng thời tiếp tục chương trình thanh tra cá da trơn theo Dự luật về nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản cũng định kỳ rà soát và điều chỉnh các quy định của họ về an toàn thực phẩm, tăng tần suất kiểm tra nông sản và thủy sản nhập khẩu, gây bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường đó.
Trong hoàn cảnh bị áp đặt các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn, ngành nông nghiệp cần tái cơ cấu để duy trì năng lực cạnh tranh, bao gồm hướng tới nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu, chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã và đang tương đối đa dạng nhờ quan hệ thương mại quốc tế tiếp tục mở rộng. Việt Nam là thành viên tham gia 17 hiệp định thương mại song phương và đa phương, tạo điều kiện để Việt Nam tăng cường tiếp cận thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu của mình cũng như các nguồn đầu tư nước ngoài mới.
Trong số các đối tác thương mại song phương của Việt Nam, Mỹ vẫn là lớn nhất, chiếm gần 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2019. Tiếp theo là EU, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thị trường đa dạng hơn sẽ giúp cho Việt Nam duy trì bền vững lợi thế xuất khẩu đồng thời giảm nhẹ rủi ro kinh tế do các biến động kinh tế bên ngoài. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu đầy ấn tượng của cả nước chưa thể hiện hết các xu hướng khác nhau trong số 63 tỉnh thành của Việt Nam.
Xuất - nhập khẩu của các địa phương (tính trên tổng kim ngạch).
Mười địa phương xuất khẩu lớn nhất chiếm khoảng 75% tổng giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam. Các địa phương trên được chia thành ba nhóm: (i) các trung tâm kinh tế (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh); (ii) các địa phương lắp ráp sản phẩm kỹ thuật cao (Thái Nguyên và Bắc Ninh); và (iii) các địa phương tham gia chế tạo chế biến hàng hóa sử dụng nhiều lao động với giá trị gia tăng tương đối thấp (Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Long An và Bắc Giang).
Mức độ tập trung không đồng đều của các trung tâm chế xuất có thể gây thách thức cho các doanh nghiệp về tuyển dụng lao động, logistics và cung ứng, đồng thời dẫn đến tăng số lượng nhập cư ngoài dự kiến ở một số tỉnh và địa phương - tạo ra thách thức lớn cho chính quyền địa phương về cung cấp các dịch vụ công cơ bản cho người nhập cư.
Trong điều kiện hoạt động thương mại chững lại, Việt Nam đạt kỷ lục trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong số các quốc gia đang phát triển ở Đông Á trong hai năm qua. Việt Nam duy trì được kết quả trên trong quý đầu năm 2019 qua tăng trưởng xuất khẩu dương, trong khi hầu hết các quốc gia đang phát triển khối ASEAN phải chịu suy giảm ngoài dự kiến.
Cụ thể, Việt Nam đạt tăng trưởng cao về xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, chế biến có giá trị gia tăng cao, như điện thoại thông minh, máy tính và hàng điện tử - là những mặt hàng các nước đang phát triển khác ở ASEAN chưa đạt kết quả tốt.
Kể từ năm 2015, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn thứ tư ở ASEAN, đứng sau Singapore, Thái Lan và Malaysia, với tỷ trọng trên tổng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN tăng đáng kể lên đến gần 17% năm 2019 so với 6,8% năm 2010.