Washington Post kinh ngạc khi một hãng hàng không Việt Nam ít tên tuổi đặt mua 20 máy bay 787 Dreamliners: Một điều quá đỗi bất thường!
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói ông muốn hãng hàng không Bamboo mở rộng 16 đường bay nội địa và 10 đường bay quốc tế, khởi đầu với những chuyến bay trong khu vực vào năm tới trước khi mở rộng sang châu Âu và Mỹ.
Nhà sản xuất máy bay Boeing vừa ký kết thỏa thuận bán 20 máy bay thương mại Dreamlimer cho hãng hàng không mới nổi Việt Nam là Bamboo Airways trong một hợp đồng trị giá 5,6 tỷ USD. Công bố về thỏa thuận này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi hãng hàng không này ký kết thỏa thuận tương tự trị giá 3 tỷ USD với nhà sản xuất máy bay từ Pháp là Airbus.
Bamboo là hãng hàng không của tập đoàn FLC Việt Nam. Ban đầu, lãnh đạo FLC nói rằng họ mở dịch vụ hàng không là muốn đưa du khách tới các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam - nơi có đặt các khu nghỉ dưỡng của FLC. Tuy nhiên, việc chọn lựa 787 Dreamliners – một dòng máy bay thân rộng, chuyên dụng cho các chuyến bay đường dài rõ ràng đã hé lộ về một tham vọng lớn hơn rất nhiều của FLC.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói ông muốn mở rộng 16 đường bay nội địa và 10 đường bay quốc tế, khởi đầu với những chuyến bay trong khu vực vào năm tới trước khi mở rộng sang châu Âu và Mỹ.
"Thỏa thuận với Boeing chỉ là bước đầu. Chúng tôi muốn có hơn 100 máy bay trong tương lai".
Tuy nhiên, tờ Washington Post nhận định FLC thực sự đang gặp phải rủi ro lớn khi mở rộng sang lĩnh vực hàng không, dù mới đang trong giai đoạn khởi nghiệp nhưng họ đã đặt những đơn hàng máy bay khổng lồ mà chưa hề qua giai đoạn thử nghiệm thị trường. Đây là một điều rất bất thường!
"Việc mua 20 chiếc Boeing 787 cho thấy mức độ tự tin – có thể nói là quá liều lĩnh và thể hiện đơn vị mua phải có một nguồn tài chính rất dồi dào", ông Henry Harteveldt – một chuyên gia phân tích về hàng không thương mại nói. "Nó còn cho thấy FLC đang bỏ qua bước lập kế hoạch tài chính cơ bản cho một hãng hàng không: Ban đầu đặt mua máy bay với số lượng ít và chờ cho đến khi thị trường ổn định mới đưa ra các quyết định tiếp theo. Đây là một bước đi quá đỗi rủi ro và táo bạo".
Richard Aboulafia – một chuyên gia hàng không tại Teal Group nói ông vẫn hoài nghi về việc liệu thị trường hàng không Việt Nam có thể chấp nhận được thêm một hãng nữa hay không. Trên thực tế, Việt Nam có 3 hãng hàng không đang hoạt động.
"Kinh doanh hàng không có thể ngốn cả núi tiền. Khi đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ, bạn bị đặt vào tình huống có thể phải chịu rủi ro cực lớn về khả năng phát sinh chi phí và gánh nặng nợ nần. Nhưng nếu hoạt động kinh doanh diễn ra trong nền kinh tế được kiểm soát, mọi việc vẫn có thể diễn ra tốt đẹp", ông Aboulafia nhấn mạnh thêm.