Warren Buffett và Bill Gates đều đồng ý rằng cuốn sách kinh điển năm 1969 này là cuốn sách nói về kinh doanh hay nhất mọi thời đại
Nhưng điều thực sự làm cho cuốn sách này trở nên nổi bật (ngoài cách hành văn tuyệt vời) là nó có thể thu hút rất nhiều độc giả, thậm chí là những người không quan tâm đến bản chất của tài chính.
Tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett đang trò chuyện với nhà báo Charlie Rose tại một sự kiện do trường Kinh doanh Columbia tổ chức vào ngày 27 tháng 1 năm 2017 ở New York.
Đằng sau sự thành công của mỗi doanh nhân là một danh sách những cuốn sách giúp họ tìm hiểu tất cả những điều phức tạp của việc điều hành một doanh nghiệp và sống một cuộc đời ‘vinh quang’.
Rất nhiều những cuốn sách mới được ra mắt gần đây đã nhận được sự quan tâm và yêu thích của các CEO hàng đầu như "Shoe Dog" của Phil Knight, "Principles" của Ray Dalio, "Start with Why" của Simon Sinek,... Nhưng Warren Buffett và Bill Gates đều cho rằng cuốn sách nói về kinh doanh hay nhất mọi thời đại đã được viết cách đây 50 năm.
Khi hai tỷ phú gặp nhau lần đầu vào năm 1991, Gates đã đề nghị Buffett giới thiệu cho mình cuốn sách kinh doanh mà ông yêu thích nhất. Rất nhanh, Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway đã trả lời: "Business Adventures của John Brooks" và hứa sau đó sẽ gửi bản sao của mình cho Gates.
Năm 2014, trên blog của mình, Gates viết: "Hơn hai thập kỷ sau khi Warren cho tôi mượn và hơn bốn thập kỷ sau khi nó được xuất bản lần đầu tiên thì ‘Business Adventures’ vẫn là cuốn sách kinh doanh hay nhất mà tôi từng đọc. Và John Brooks đã trở thành nhà văn viết về kinh doanh yêu thích của tôi."
Cuốn sách này đứng trước thử thách của thời gian
"Business Adventures" tập hợp 12 câu chuyện đã từng được xuất bản trên tờ The New Yorker, nơi Brooks làm việc với vai trò là một biên tập viên. Nó kể về một số sự kiện quan trọng trong thế kỷ 20 của một tập đoàn ở Mỹ. Mỗi một sự kiện đều được tái hiện một cách sống động và có thể khiến cho độc giả hiểu hơn về bối cảnh của từng giai đoạn trong lịch sử hình thành công ty.
Nhưng điều thực sự làm cho cuốn sách này trở nên nổi bật (ngoài cách hành văn tuyệt vời) là nó có thể thu hút rất nhiều độc giả, thậm chí là những người không quan tâm đến bản chất của tài chính. Cuốn sách cung cấp một ‘kho’ các bài học về con người và cuộc sống - những hành vi bản năng của chúng ta, những thứ khiến chúng ta trở nên nổi trội và những rắc rối sẽ ở phía trước nếu chúng ta tham lam và lao vào những ham muốn vốn có của con người.
Dưới đây là những bài học quan trọng được rút ra từ cuốn "Business Adventures":
1. Nếu bạn cố chấp không muốn thay, bạn sẽ trở nên lạc hậu.
Trong cuốn sách của mình, Brooks viết về một trong những thất bại lớn nhất của Công ty Ford Motor: Ford Edsel 1958, chiếc xe được hãng này sản xuất với mong muốn nó sẽ trở thành chiếc xe "mới, hiện đại và phù hợp" với tầng lớp trung lưu Mỹ. Brooks nhấn mạnh rằng Ford muốn tạo ra một chiếc xe phù hợp với nhu cầu của người dân Mỹ, vì vậy hãng đã xây dựng một cuộc khảo sát để lấy ý kiến và hiểu hơn về nguyện vọng của khách hàng.
Nhưng sau đó, Ford không hài lòng với kết quả cuộc khảo sát và lựa chọn đi theo con đường của riêng mình. Và vào ngày ra mắt, Ford Edsel 1958 xuất hiện với tình trạng rò rỉ dầu và các ống dẫn bị kẹt, rất khó khăn khi mở. Nó cũng bị đánh giá là quá đắt đỏ và tiêu hao quá nhiều nhiên liệu.
Khi bạn ngừng chú ý đến sự thay đổi không ngừng của xã hội và nhu cầu của con người, bạn sẽ bị tụt lại phía sau và mất đi khả năng cạnh tranh.
2. Thất bại không phải là một điều tồi tệ — hãy chấp nhận nó, rút kinh nghiệm và bước tiếp.
Sự thất bại của Edsel khiến Công ty Ford Motor phải đối mặt với khoản lỗ 350 triệu USD. Thế nhưng các giám đốc điều hành của Ford lại hoàn toàn phủi bỏ chịu trách nhiệm của mình và tuyên bố rằng họ không làm sai bất kỳ một điều gì.
Khi viết ra câu chuyện này, Brooks cho biết một giám đốc tiếp thị đã nói với anh rằng chính khách hàng mới là người có lỗi: "Những thứ mà họ đã mua trong vài năm đã khuyến khích chúng tôi chế tạo ra loại xe này. Và khi chúng tôi đưa nó cho họ thì họ lại không lấy. Chà, họ không nên hành động như vậy. Tôi thật sự không hiểu họ muốn gì nữa! "
Mọi người thường nghĩ rằng: "Nếu thất bại, mình sẽ mất đi một thứ gì đó rất quan trọng. Ví dụ như không vào được một trường đại học tốt, không được làm việc tại một công ty có tiếng, không được thăng chức, không thể kiếm nhiều tiền,... Nhưng sai lầm là một trong những công cụ tuyệt vời nhất giúp chúng ta học hỏi và phát triển. Nó cho chúng ta thông tin về những gì chúng ta cần phải làm khác đi để thành công trong cuộc sống."
3. Đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng và giá trị của văn hóa doanh nghiệp.
Dù bạn là người sáng lập, người quản lý, nhân viên hay người tìm việc thì đây cũng là bài học quan trọng nhất dành cho bạn.
Brooks mô tả người sáng lập của Xerox, Joseph C. Wilson là một người đi trước thời đại của những năm 60 vì cách ông ưu tiên xây dựng văn hóa làm việc ‘nhân ái’. Ông quyên góp hàng triệu USD cho các tổ chức từ thiện và các trường đại học. Đồng thời, ông cũng thực hiện rất nhiều các chính sách tuyển dụng tiến bộ trong phong trào dân quyền.
Theo Brooks, Wilson từng nói rằng: "Để đặt ra những mục tiêu cao và những khát vọng gần như không thể đạt được, để khiến mọi người thấm nhuần niềm tin rằng họ có thể làm được mọi thứ thì những điều này vô cùng quan trọng, nó giống như bảng cân đối kế toán vậy".
Ngày nay, hơn bao giờ hết, nhân viên coi trọng sự thống nhất trong mục đích hoạt động của công ty và họ không ngại nghỉ việc hoặc từ chối lời đề nghị làm việc đến từ một công ty có tiếng xấu. Văn hóa doanh nghiệp tốt sẽ có thể giúp nâng cao năng suất và cải thiện động lực làm việc,....
Hãy ghi nhớ điều này nếu bạn đang tìm kiếm một công việc phù hợp. Việc gia nhập một công ty có văn hóa kém sẽ không giúp bạn hạnh phúc về lâu dài.