Warren Buffett khẳng định người nói giỏi trước đám đông có thể kiếm gấp đôi số tiền mình có và đây là cách để rèn luyện kỹ năng theo HLV nghề nghiệp
Warren Buffett từng nói: "Nếu không thể giao tiếp, trò chuyện, hay trình bày ý tưởng của mình với người khác, bạn đang từ bỏ tiềm năng của mình".
Khi còn trẻ, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng rất sợ phát biểu trước đám đông. Tuy nhiên, ông nhận ra mình sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì nếu không trau dồi kỹ năng giao tiếp của mình cho thật vững vàng. Vì thế, khi đang học thạc sĩ tại trường Columbia, vị tỷ phú này quyết định sẽ tham gia khóa học diễn thuyết trước công chúng Dale Carnegie.
Dù vậy, Warren Buffett vẫn sợ hãi tới mức không dám đi. Phải mất vài tháng, sau khi lại nhìn thấy tờ rơi quảng cáo của khoa học, ông mới hạ quyết tâm thử sức. Lần này, nhà đầu tư tài ba này đã không bỏ giữa chừng, thậm chí còn trả tiền trước để động viên bản thân đi học.
Nếu có dịp được tham quan văn phòng của Warren Buffett, bạn sẽ không bao giờ thấy ông treo bằng đại học hay bằng thạc sĩ trên tường như nhiều người khác. Thứ sẽ đập ngay vào mắt bạn là chứng chỉ hoàn thành khóa học Dale Carnegie. Bởi lẽ, ông cho rằng, nhờ tự tin hơn vào kỹ năng phát biểu của mình, ông mới có thể thành công như ngày hôm nay.
Vị tỷ phú 89 tuổi này cực kỳ đề cao kỹ năng diễn thuyết trước đám đông. Khi được hỏi về kỹ năng quan trọng nhất mà người trẻ cần tập trung, ông đã trả lời không chần chừ: đầu tư vào bản thân.
"Đây là cách dễ dàng nhất để bạn tăng gấp đôi số tài sản mình đang có, hoặc ít nhất là để hoàn thiện kỹ năng giao tiếp của bản thân, dù là viết hay nói. Nếu bạn không thể giao tiếp, nó chẳng khác nào nháy mắt với một cô gái trong bóng tối - vì bạn chẳng thấy gì cả. Bạn có thể là người thông minh nhất thế giới, nhưng bạn phải biết cách để truyền tải điều đó", ông giải thích.
Khi nhắc tới những người thành công, ai cũng sẽ nghĩ đến những phẩm chất như lòng đam mê, sự can đảm và tính kiên định. Tuy nhiên, tất cả những thứ này đều không thể phát huy nếu chúng ta không biết cách thể hiện ý tưởng, suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Do đó, Michael Thompson - một HLV nghề nghiệp và giao tiếp từng hỗ trợ cho hàng loạt lãnh đạo và doanh nhân - đã giới thiệu một số bài tập hữu ích nhằm cải thiện kỹ năng diễn thuyết. Chính anh cũng đã thử áp dụng và đạt được sự tự tin như mình mong muốn.
Viết lách mỗi ngày
Ảnh minh họa (supersizer/Getty Images)
Khi được hỏi về thói quen thường thấy ở những người thành công, diễn giả nổi tiếng Tim Ferriss cho biết 80% khách mời của mình đều viết lách mỗi ngày. Lý do rất đơn giản: giao tiếp cần phải rõ ràng và không có bài tập nào nhanh hơn là việc trình bày suy nghĩ ra giấy.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn thông thường, viết lại các mẩu chuyện ưa thích ra giấy, hoặc ghi chú về một cuốn sách đang đọc. Hãy thử viết ra mọi ý tưởng kinh doanh mà bạn nung nấu, hoặc đơn giản là trả lời một câu hỏi mà bạn vẫn luôn tò mò.
Xem những bài diễn thuyết nổi tiếng và học hỏi từ chúng
Ảnh minh họa (Ryan Lash/TED)
Để trở thành một người diễn thuyết giỏi, bạn phải hiểu tường tận thế nào là giao tiếp hiệu quả. Xem và học từ các bài diễn thuyết nổi tiếng như TEDs sẽ giúp bạn làm được điều này.
Trong quá trình xem, bạn phải đặt ra và tìm cách trả lời một vài câu hỏi, ví dụ như:
- Diễn giả đã dẫn dắt khán giả vào bài phát biểu như thế nào? Họ dùng thủ thuật gì: một trải nghiệm cá nhân hay một tuyên bố gây sốc?
- Cấu trúc của bài nói ra sao? Họ ngừng nghỉ lúc nào, vào thời điểm nào?
- Kết luận của họ có súc tích, dễ hiểu và đáng nhớ hay không?
- Họ có thường xuyên giao tiếp bằng mắt với khán giả hoặc sử dụng cử chỉ tay hay không?
v...v...
Tự hỏi bản thân những điều này khi xem sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn các yếu tố làm nên một bài diễn thuyết tốt. Nói trước đám đông không phải việc dễ dàng - bạn sẽ phải mất hàng giờ đồng hồ luyện tập trước khi thành công.
Quan sát những người giỏi ăn nói xung quanh mình
Ảnh minh họa (Pixelfit/Getty Images)
Xem diễn giả trên sân khấu là một thói quen tốt, nhưng tận mắt chứng kiến những người xung quanh giao tiếp sẽ đem lại hiệu quả hơn. Mỗi khi gặp gỡ, trò chuyện với ai đó, bạn đều có cơ hội học hỏi từ những người giao tiếp tự tin xung quanh mình.
Hãy chú ý tới cách họ xử lý những tình huống khó khăn và cách họ sử dụng vốn từ để giải thích những ý tưởng phức tạp. Bạn nên viết ra những điểm mà họ đang làm tốt, xem phản ứng của những người mà họ tương tác. Nếu cảm thấy họ giao tiếp không rõ ràng, hãy nghĩ xem mình có thể làm gì khác.
Tập nói trước máy quay trong 3 phút và ghi hình lại
Theo Conor Neill - một youtuber nổi tiếng nghệ thuật giao tiếp và lãnh đạo, nói trước máy quay là một phương tiện tuyệt vời để rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
Hãy thử bắt đầu bằng cách ghi hình lúc bạn trả lời câu hỏi kinh điển: "Hãy giới thiệu về bản thân mình". Hãy ghi chú những lần bạn vấp ngã, cũng như những lần bạn làm đúng. Hãy lặp đi lặp lại thói quen này mỗi ngày. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết mình có thể cải thiện đến mức nào chỉ với 3 phút/ngày.
Gặp gỡ mỗi tuần một người mà công việc của họ khiến bạn ngưỡng mộ
Chủ động gặp gỡ những người mà bạn ngưỡng mộ sẽ buộc bạn phải chuẩn bị sẵn tinh thần cũng như các câu hỏi thú vị. Đây chính là khóa học cấp tốc giúp bạn rèn kỹ năng lắng nghe hiệu quả và đẩy nhanh quá trình học hỏi vì bạn sẽ phải liên tục đưa ra các câu hỏi cho họ. Chưa kể, khi cuộc hội thoại chuyển hướng sang bạn mỗi khi nói chuyện với người mới, bạn sẽ thấy mình thoải mái hơn khi bàn đến các chủ đề như giá trị, trải nghiệm và kế hoạch tương lai của bản thân.
Ngoài ra, thói quen này còn giúp bạn cải thiện khả năng viết lách. Bởi vì những người thành công thường rất cẩn trọng trước khi nói lời đồng ý với ai đó, bạn phải đưa ra thông điệp ngắn gọn và rõ ràng. Bạn phải giải thích được mình là ai, có gì đáng để họ quan tâm, mà không phải nói quá nhiều. Do đó, bạn sẽ phải chuẩn bị trước từ ở nhà bằng cách viết nháp ra giấy.
Tình nguyện dạy những thứ nằm trong khả năng của mình vào bất cứ khi nào
Ảnh minh họa (Shutterstock)
Khi chuyển tới Barcelona cách đây 10 năm, Michael Thompson từng dạy tiếng Anh để kiếm sống. Anh từng nghĩ công việc này là lãng phí thời gian, nhưng rốt cuộc nó lại là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời diễn giả này.
Mỗi ngày, anh phải tìm cách tạo ra những bài giảng thú vị, đồng thời trình bày nó một cách hiệu quả nhất. Chưa kể, Thompson còn phải học cách đơn giản hóa mọi thứ: Nếu muốn học sinh hiểu, bạn vừa phải nói rõ ràng, vừa phải sử dụng được ngôn ngữ của chúng.
Bạn không cần phải trở thành giáo viên tiếng Anh, mà có thể hướng dẫn hay đào tạo đồng nghiệp tại cơ quan. Hãy bắt đầu bằng cách dìu dắt nhân sự mới, dạy họ cách thực hiện công việc của mình trước khi mở rộng ra cả nhóm. Những cơ hội như thế này luôn ở quanh chúng ta và sẽ cải thiện đáng kể khả năng đơn giản hóa suy nghĩ phức tạp của mỗi người. Bên cạnh đó, nó cũng giúp mọi người chủ động và hòa đồng hơn.
Theo BI