Vượt qua Thái Lan, Malaysia về thu hút FDI, Việt Nam đang ở trong 'điểm bùng phát' của tiến trình phát triển
Báo cáo của PwC đã dùng cụm từ 'tipping point' - Tạm dịch: điểm bùng phát. Trong tiếng Anh, 'tipping point' có nghĩa như một khoảnh khắc kỳ ảo, khi một ý tưởng, một xu thế, hay một trào lưu xã hội đã vượt qua ngưỡng nhất định và chuẩn bị bùng cháy...
FDI, FTAs, thế hệ trẻ và nền kinh tế Việt Nam năng động đầy tiềm năng
“Việt Nam đang ở ‘điểm bùng phát’ trong tiến trình phát triển, nhờ hàng loạt những Hiệp định thương mại được ký kết và một môi trường kinh doanh ngày càng tự do thông thoáng”
Đây là nhận định mà hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) đã viết về Việt Nam trong phần mở đầu của báo cáo Doing Business in Vietnam 2017 (Tạm dịch: Kinh doanh tại Việt Nam năm 2017). Trong một báo cáo giống như cuốn cẩm nang dành cho việc đầu tư vào Việt Nam này, hãng kiểm toán hàng đầu thế giới đã miêu tả một cách tổng thể về dải đất hình chữ S như một miền đất hứa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
PwC nhận định rằng môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đang có những sự thay đổi cơ bản đầy tích cực. Ví dụ, tầng lớp những người trẻ có ‘thái độ tiêu dùng’ cởi mở, sẵn sàng trải nghiệm cái mới đã bắt đầu trở thành tập hợp những người mua hàng chủ yếu.
Cùng với đó, tiến trình đô thị hóa cũng đang được đẩy mạnh trên khắp các tỉnh thành. Tất cả những điều này tạo nên một môi trường đầy năng động ở Việt Nam, và đang “đẩy Việt Nam tới một thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ”, báo cáo của PwC viết.
Việt Nam đang ở 'điểm bùng phát' của tiến trình phát triển
Hãng kiểm toán toàn cầu lấy số liệu FDI như một minh chứng hùng hồn cho tiềm năng phát triển của Việt Nam. Cụ thể, nếu như tại châu Á, chính khu vực Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng của đầu tư thì Việt Nam chúng ta thậm chí còn trở thành ‘quán quân FDI’ của ở khu vực này.
“Chúng ta đã thấy sự thay đổi của dòng vốn đầu tư ở châu Á, khi mà khu vực Đông Nam Á bắt đầu thu hút được nhiều hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) so với Trung Quốc trong 3 năm liên tiếp kể từ năm 2016. Trong đó, Việt Nam dẫn đầu cả khu vực, vượt qua cả Malaysia và Thái Lan ở chỉ số đầu tư FDI mới (Greenfield FDI Performance Index – Năm 2016, Việt Nam đạt 24,4 tỷ USD)"
Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong nhiều năm chuyển mình có không ít, tuy nhiên PwC nhấn mạnh vào việc chúng ta đã bước đầu thành công trong việc xây dựng những nền tảng thương mại trực tuyến, giúp người dùng có thể mua bán ngay trên điện thoại thông minh.
Với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, đồng thời Chính phủ cũng đang cố gắng tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng tự do, đây hứa hẹn sẽ là một cơ hội vàng cho những doanh nghiệp kỹ thuật số, công ty công nghệ nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam.
Một điểm cộng nữa mà Việt Nam ‘ghi điểm’ trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài chính là những nỗ lực trong việc kết giao với khắp các bạn hàng trên thế giới.
Hiện tại, Việt Nam có 10 Hiệp định thương mại tự do đã ký và đang hiệu lực với khắp các đối tác trên thế giới. Con số FTA Việt Nam sở hữu sẽ vẫn tăng lên trong tương lai, khi mà chúng ta có 1 Hiệp định đã ký nhưng chưa có hiệu lực là Hiệp định Việt Nam – EU và 4 Hiệp định còn trên bàn đàm phán là Việt Nam với Hong Kong, Israel, EFTA và Hiệp định đối tác toàn diện khu vực ASEAN (RCEP).
Trong tương lai, PwC dự đoán môi trường kinh doanh với chi phí thấp và một triển vọng kinh tế mạnh mẽ sẽ tiếp tục làm Việt Nam trở thành một địa điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại sao là Việt Nam và tại sao ngay bây giờ?
Báo cáo của PwC trả lời câu hỏi này bằng cách đưa ra một loạt các ưu thế của Việt Nam:
- Tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á: Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 5% hàng năm trong giai đoạn từ năm 2014 cho tới năm 2050.
- Trong tương lai, Chính phủ Việt Nam sẽ cho phép sự hiện diện của các công ty có 100% vốn nước ngoài tại hầu hết các nhóm ngành trong nền kinh tế Việt Nam.
- Việt Nam hiện sở hữu dân số 92 triệu người, với 60% trong số đó nằm trong độ tuổi lao động.
- Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài: Năm 2016, tổng số vốn đầu tư FDI mới vào Việt Nam đã đạt tới mức 15 tỷ USD.
- Việt Nam thuộc top các thị trường mới nổi được các nhà đầu tư FDI để ý: Chỉ số đầu tư FDI mới của Việt Nam đã đứng đầu trong các thị trường mới nổi. Việt Nam cũng đã vượt qua Malaysia và Thái Lan trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
- Sức xuất khẩu dồi dào: Xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam tăng 9% nhờ vào sức xuất khẩu của ngành điện tử và linh kiện.
- Việc thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước Trong giai đoạn 2016 – 2020, việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam sẽ được đẩy mạnh, để lại những miếng bánh sở hữu trị giá tới rất nhiều tỷ USD.
6 điều khiến nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng về quyết định đầu tư của mình tại Việt Nam
- Những Hiệp đinh thương mại tự do: Các FTAs sẽ nâng cao tầm vóc của kinh tế Việt Nam trước những đối tác kinh doanh hàng đầu tại Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á
- Chi phí lao động rẻ: Chi phí lao động của Việt Nam hiện nằm trong nhóm rẻ nhất ở châu Á.
- Lực lượng lao động tiềm năng: Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng với 40% dân số nằm dưới độ tuổi 25. Lực lượng lao động trẻ ở đây được đào tạo đẩy đủ, có sự am hiểu về công nghệ. Đồng thời, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động ở đấy cũng chiếm tới 26% dân số.
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh: Việt Nam là một trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP dự đoán sẽ ở mức 6% - 7% trong suốt từ năm 2016 – 2018.
- Nền chính chị ổn định và cam kết phát triển kinh tế: Việt Nam có một môi trưởng chính trị ổn định, với một Chính phủ cam kết sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, đủ sức thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
- Những nổ lực phát triển cơ sở hạ tầng: Những công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn sẽ cần những nguồn vốn lớn đầu tư vào. Năm 2016, giá trị đầu ra của ngành xây dựng cơ bản ở Việt Nam đã tăng trưởng tới 10%.