Vững vàng về kinh tế hãy nghĩ tới chuyện ăn chơi, không còn mối lo toan tiền bạc hãy nghĩ tới hưởng thụ cũng chưa hề muộn: Những bài học bạn càng ngộ ra sớm càng tốt!
Nhiều người có thói quen rất kì cục: Tự ti tới mức tội nghiệp về công việc đang làm. Tại sao phải vậy? Công việc nào cũng đều tốt đẹp hết, miễn bạn kiếm tiền bằng chính khả năng của mình. Nhưng nhiều người không nghĩ vậy.
(I)
Hồi nào giờ tôi không có tật kì thị công việc, xuất thân hay hoàn cảnh sống của ai. Bởi bản thân tôi cũng lớn lên từ cái xóm lao động nghèo, cũng trải qua đủ thứ công việc vất vả để kiếm sống, nên tôi hiểu rằng miễn kiếm sống một cách lương thiện, không ai có quyền coi thường bạn. Người ta chỉ coi thường những kẻ lừa đảo, bịp bợm, lười nhác hoặc luôn cố gồng mình sống cuộc đời người khác!
Nhiều người có thói quen rất kì cục: Tự ti tới mức tội nghiệp về công việc đang làm. Tại sao phải vậy? Công việc nào cũng đều tốt đẹp hết, miễn bạn kiếm tiền bằng chính khả năng của mình. Nhưng nhiều người không nghĩ vậy. Họ buôn bán qua mạng - cũng tốt thôi, nhưng khoái người ta nhìn mình kiểu giám đốc công ty thương mại công nghệ cao. Họ bán niêu cá kho, đĩa bò lá lốt - chẳng sao cả, nhưng ưa thiên hạ phải coi mình là chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn thực phẩm chế biến sẵn. Họ đi bưng vữa phụ hồ, nhưng viết lên facebook là chuyên viên xây dựng cho nó nhiều tương tác. Lạ kỳ không?
Thiệt tình, tôi có hiểu tâm lý con người. Ai không muốn sang chảnh, đẳng cấp, ai không muốn mình có địa vị, có chỗ đứng trong xã hội? Nhưng cái ước mơ đó phải được thực hiện bằng năng lực, bằng cố gắng, chứ ko phải bằng cách ráng lấy bút màu tô vẽ lên mình. Người đời nhìn vào chỉ thấy bạn nhem nhuốc và mắc cười, chứ không có nhìn thấy bạn như cách bạn ước ao!
Nghề nào cũng được, miễn là tử tế. Không làm giàu thì cũng đủ sống nếu bạn chăm chỉ mỗi ngày. Không có thứ gọi là nghề cao quý, nghề sang hèn, chỉ có loại người tự thấy mình hèn hạ đi, kém sang đi vì không có công việc mà họ cho là đẳng cấp.
Tôi gọi đó là những người tội nghiệp. Tội nghiệp vì họ không bao giờ tìm thấy niềm vui trong công việc và luôn tự hành hạ bản thân khi đặt cuộc đời mình vào miệng cống. Ở vị trí đó nhìn ra cuộc đời, họ thấy ai cũng cao hơn, sạch sẽ và đẳng cấp hơn mình dữ lắm...
(II)
Tôi không nhớ trong cuộc đời này, mình đã phải nhận bao nhiêu lời phán xét cay nghiệt.
Xuất phát điểm của tôi rất thấp. Tôi không phải tiểu thư lá ngọc cành vàng, không có bằng cấp nọ kia, càng không phải mẫu phụ nữ quý tộc. Tôi là dân lao động, phải tự tay làm ra tiền từ tuổi mười ba. Và từ đó đến giờ, tuổi ngoài bốn mươi, tôi đã làm đủ công việc từ tay chân cho tới trí óc, vất vả khổ cực cho đến áp lực căng thẳng chưa khi nào buông tha. Tôi đã bôn ba từ làm thuê tới làm chủ, từ Sài Gòn tới những đô thị khác ở nước ngoài, từ khi hai tay trắng nguyên đến khi có nhiều thứ mình từng mơ ước. Dẫu thế, thói quen bất di bất dịch của tôi vẫn là làm việc nhiều hơn ngơi nghỉ. Làm việc chắc chắn có mệt nhọc, nhưng nó là cuộc sống, là nơi tôi được là chính mình nhiều hơn.
Tôi là một người hết sức bình thường, nhưng tôi rất giỏi trong việc vượt qua mọi giới hạn của bản thân. Thiên tài siêu việt hay trí tuệ phi phàm tôi không có, nên tôi đã vượt qua những giới hạn ấy bằng sự chăm chỉ. Cho nên, tôi cũng có lúc buồn khi nhận những lời "khép tội" từ dư luận. Tôi chưa bao giờ đặt mình trên thiên hạ, vậy thì đừng đặt tôi lên quá cao rồi cố tình dè bỉu tôi không xứng đáng, đừng nâng tầm đẳng cấp dùm tôi để rồi xì xào, đố kỵ về thứ vị trí tôi không mảy may bận tâm tới một lần. Tôi là ai và tôi ở đâu? Thực chẳng muốn nói ra, tôi biết mình không quá cao, nhưng chắc chắn không phải quá thấp để bạn hứng chí lên thì giẫm đạp.
Chỗ đứng của một người cao hay thấp, trước hết là tùy vào tầm nhìn của người đối diện. Nếu bạn không nhìn được biển rộng trời cao, hẳn nhiên thiên hạ này nhỏ hẹp. Còn với tôi, vị trí mỗi người cao hay thấp phụ thuộc vào những việc họ đã làm được, chứ không phải từ những gì người khác dựng lên, bôi trét và bàn tán.
Tôi có một trải nghiệm thế này, ai cũng sẽ đi từ thấp lên cao, dẫu hành trình khác biệt. Nhưng khi bạn tự thân vươn mình lên cao, hẳn nhiên bạn sẽ thấy cuộc đời dài rộng. Khi ấy bạn còn rất bận làm việc và khám phá những điều mới. Bạn sẽ thấy những cuộc giành giựt sân si về vị trí và chỗ đứng trở nên xa lạ, thậm chí nực cười…
(III)
Nay là đại gia khét tiếng, một tay che trời, mai đã trở thành tội phạm trên mặt báo. Nay là ông này bà nọ quyền uy lệch đất, một cú điện thoại định đoạt số phận mấy chục con người, mai đã thấy đứng gục đầu trước vành móng ngựa. Nay giàu có lẫy lừng, mai trắng tay thành con nợ như chúa chổm. Những chuyện đó nhan nhản ở bên ngoài xã hội, tới mức người ta hay cảm thán rằng: Ở trên đời này thứ gì cũng mong manh!
Tôi biết, chẳng ai nắm tay từ tối tới sáng được bao giờ. Làm ăn, kinh doanh hay buôn bán, việc thất bại hay thua lỗ là chuyện bình thường lắm. Cuộc đời con người ngày mai sướng khổ giàu nghèo ra sao thì vẫn phải khi thức dậy, mở mắt mới biết được thế nào. Cái mong manh về vật chất, bạc tiền ấy, tôi công nhận!
Nhưng có một thứ tôi không đồng ý, đó là cái mong manh của tư cách con người. Không làm gì sai trái, chẳng thể có chuyện ngày nào đó bỗng trở thành tội phạm. Không lừa đảo, buôn gian bán lận, đổi trắng thay đen, không thể nào một đêm mất sạch đi tất cả bao giờ. Không sống tệ bạc hay khốn nạn, chẳng một ai có thể lấy đi sự tôn trọng và trân quý người khác dành cho bạn. Ngay kể cả khi cuộc đời có dìm bạn xuống tận cùng thất bại đi chăng nữa...
Có một thứ tôi nghĩ con người ta phải luôn chắc chắn: Đó là danh dự, là tư cách và uy tín của mình. Những thứ đó không thể phó mặc cho số phận hay may rủi, bởi nó phụ thuộc vào trong tay bạn. Mất đi tiền bạc, sự nghiệp, người ta còn có thể đổ lỗi cho thời thế, cho đen đủi. Nhưng mất đi danh dự hay uy tín, người ta chỉ có thể tự trách bản thân mình!
Đừng vội than trách cuộc đời này quá đỗi mong manh. Ăn thua ở chỗ bạn biết nắm giữ cuộc đời mình cho thật chắc. Con người ta không dễ để mất sạch đi tất cả, trừ khi nhân cách và danh dự cũng không còn...
(IV)
Xưa giờ, tôi vẫn thích cái câu "Có sao thì sống vậy!". Thiệt tình, không có gì thoải mái bằng sống đúng con người mình, làm điều mình muốn, chứ không phải ráng gồng mình lên cho giống ai đó, chỉ vì muốn mình như họ. Cuộc đời mà, cứ mải miết so sánh, hơn thua hay cố biến mình thành người khác, cuộc sống đó mỏi mệt và vô vị lắm!
Tôi chứng kiến nhiều con người cứ loay hoay không cách nào thoát ra khỏi cái nhà tù sành điệu tự tạo cho mình. Tiền xài không đủ, nhưng vẫn cắn răng vay mượn mua bằng được cái túi, cái giày! Chi vậy? Để mặc vô cho thiên hạ lác mắt chơi hả? Không có đâu. Người ta chỉ thấy mắc cười trước thứ đẳng cấp vay mượn khổ sở đó, chứ hâm mộ nỗi gì?
Lương tháng được vài đồng nhưng nhịn ăn nhịn tiêu để du lịch nước ngoài cho bằng bạn bằng bè. Chi vậy? Để chứng minh rằng mình cũng "điều kiện", rồi cả tháng trời còn lại chạy vạy lo ăn ở? Uống cà phê cũng phải ngồi nơi sang chảnh, quán ăn cũng phải lựa quán long lanh, check-in cũng toàn nơi đẳng cấp, trong khi cuộc sống bản thân còn xa mới chạm tới mức có tiền. Cứ gồng mình để cái vỏ ngoài sao cho hào nhoáng nhất, rốt cuộc tôi không hiểu nổi cuộc sống thật sự của họ có thứ gì có thể gọi là hưởng thụ nổi không?
Giàu hay nghèo, thượng lưu hay bình dân thì con người ta cũng chỉ có một cuộc đời thôi. Sống cuộc đời đó cho chính mình, chứ đừng sống vì ánh mắt nhìn từ người khác. Nó phù phiếm và ngu ngốc lắm.
Vững vàng về kinh tế hãy nghĩ tới chuyện ăn chơi. Không còn mối lo toan tiền bạc hãy nghĩ tới hưởng thụ cũng chưa hề muộn. Thậm chí ngay cả khi thừa đủ khả năng cũng chẳng cần phải thể hiện mình đẳng cấp hay quý tộc, nếu thấy cuộc sống đó không phù hợp với mình. Còn khi không có điều kiện, sống giản dị và bình thường đi, chẳng ai cười vì bạn thiếu đồ hiệu hay ngồi quán vỉa hè đâu...
Người ta không thấy bạn sang chỉ vì khoác trên mình cái túi hàng hiệu mắc tiền, chẳng thấy bạn thượng lưu hơn khi ngồi quán cà phê sang chảnh. Thường thì người ta chỉ thấy tội nghiệp những kẻ cứ luôn phải gồng lên sống cuộc sống ko thuộc về mình…
(V)
Sau tuổi 40, bạn tự chịu trách nhiệm với gương mặt của mình...
Câu nói ấy bạn nghĩ sáo rỗng hay triết lý xa xôi, thực ra nó rất đơn giản và logic. Ở tuổi trưởng thành, gương mặt của mỗi người chính là tấm gương phản chiếu nội tâm của họ. Và con người ta không có quyền oán trách ai khác, ngoại trừ chính bản thân mình - nếu như trót sở hữu một gương mặt khó nhìn!
Thứ cặp mắt gian xảo, mưu mô không thể nào xuất phát từ một con người thật thà, trung hậu. Cái nhìn vòng vo, tránh né luôn là "đặc trưng" của những kẻ mang trong mình tính cách tiểu nhân ưa đánh lén sau lưng. Nụ cười cay nghiệt hay nét mặt dữ dằn hiếm khi nào thuộc về một con người tử tế. Thậm chí, cả những nếp nhăn in hằn trên gương mặt khó đăm đăm cũng chưa hẳn tới từ tuổi tác, mà tới từ những toan tính, ghen tị cất giấu ở trong lòng. Tâm sinh tướng vốn là như vậy!
Sinh ra trên đời, người ta khó lòng tự quyết định vẻ ngoài của mình sẽ xinh đẹp hay xấu xí. Nhưng thần thái và nhân dáng thì hoàn toàn có thể. Bớt ghen ghét, bớt hận thù và hằn học, ánh mắt của con người ta sẽ dịu dàng hơn, sáng trong hơn. Bớt những sân si và toan tính, mưu mô, gương mặt con người cũng tự trở nên tươi tắn, an bình. Làm được nhiều việc tốt, sống không hổ thẹn với lương tâm, từng cử chỉ hay lời nói cũng sẽ toát lên sự tự tin và vẻ điềm đạm mà chỉ người đàng hoàng mới có. Nụ cười rạng rỡ, vô ưu hay đôi mắt biết cười sẽ chỉ hiển hiện trên gương mặt của những con người có cái tâm đủ an nhiên và nhân hậu...
Người ta chỉ sửa được vẻ ngoài, còn thần thái của một con người thì không sao sửa nổi. Những gì do tâm sinh ra thì chỉ có thể đổi thay bằng chính chữ Tâm!
*Bài viết được trích từ cuốn Đàn bà phố thị của doanh nhân, hoa hậu Thu Hoài.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.