“Vua Mít” Nguyễn Lâm Viên lý giải nguyên nhân nông sản Việt liên tục “kêu cứu”

14/11/2018 09:51 AM | Kinh doanh

Câu chuyện nông sản như dưa hấu, ớt, mía… kêu cứu không còn xa lạ trong nhiều năm qua. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinamit, đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này trong chương trình Cafe sáng ngày 12/11.

“Trung Quốc là thị trường nửa mùa”

Theo ông Lâm Viên, thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc. “Đó cũng là thuận lợi cho chúng ta vì thị trường Trung Quốc có khả năng tiêu thụ rất mạnh các sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của chúng ta lại rất giỏi”, ông Lâm Viên nói.

Tuy nhiên, nông dân của chúng ta không hiểu được tình trạng của thị trường Trung Quốc.

“Tôi hay nói rằng Trung Quốc là thị trường nửa mùa. Có nghĩa là Trung Quốc có mùa nóng và mùa lạnh. Khi lạnh là họ đổ xô sang Việt Nam, giá nào cũng mua, gấp 20 lần họ cũng mua. Nhưng sang mùa khô thì đó là lúc sản lượng nông nghiệp lớn, họ sẽ dừng mua. Trung Quốc có chiều dài 2.000 km dọc dòng sông Mekong. Vùng Vân Nam rất tốt cho phát triển nông nghiệp. Khi vùng đó vào mùa lạnh, sản phẩm nông nghiệp không có thì Việt Nam mới là nguồn cung cho thị trường họ. Còn khi họ tự sản xuất thì họ không mua nông sản của mình”, ông Lâm Viên lý giải.

Là người rất quan tâm đến các hội chợ quốc tế, ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ những kinh nghiệm để đưa sản phẩm Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

“Vua Mít” Nguyễn Lâm Viên lý giải nguyên nhân nông sản Việt liên tục “kêu cứu” - Ảnh 1.

Sản xuất ra sản phẩm phải chạm được đến nhu cầu của người tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, theo xu hướng của người tiêu dùng, cả trong nước và quốc tế, thì phải sản xuất ra những sản phẩm chạm được tới nhu cầu của người tiêu dùng.

“Nếu nông dân chỉ biết sản xuất ra sản lượng thật nhiều, chờ bán cho thương lái thì đã mắc sai lầm. Nếu chỉ lo về sản lượng thôi, mà quên rằng thị trường đang cần chất lượng thì không ổn”, ông Nguyễn Lâm Viên nói.

Ông Viên cho rằng, sản xuất ra nông sản phảm đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế thì mới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và đưa sản phẩm ra thế giới được.

Và có đôi khi doanh nghiệp và người nông dân không thể gặp được nhau

Về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, doanh nhân họ Lâm cho rằng doanh nghiệp là nhà tư vấn sát sườn với nông dân. Vì doanh nghiệp mà nông dân có thể sẽ phải thay đổi, do doanh nghiệp mua sản phẩm của nông dân.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nông dân lên giá từng ngày thì sẽ khiến doanh nghiệp mất niềm tin. Có những chuyện trồng, chặt, chặt rồi lại trồng vì quan niệm làm sao để kiếm được tiền trước. Do đó, đôi khi doanh nghiệp và nông dân khó gặp nhau vì những chuyện ăn xổi ở thì tương tự.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM